Sau vụ thu mua đỉa, cây dược liệu… gần đây do giá cau tăng cao, người dân lại xôn xao đi thu mua cau non về chế biến rồi đem bán cho thương lái.

Những ngày qua tại xã Tăng Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), một chủ lò sấy đã thuê nhiều nhân công đi lùng sục mua cau non trên nhiều địa bàn rồi về sấy khô và bán cho thương lái Trung Quốc để kiếm lời.

Theo đó, để mua được nhiều cau, những người này đã chia nhau đi tới các huyện Đô Lương, Tân Kỳ, Diễn Châu… thu mua trực tiếp của người dân về bán cho chủ đầu mối. Hiện giá cau tăng nhanh, cau tươi từ 15.000 -17.000 đồng/kg, cau sấy khô bán 120.000 đồng/kg.

Cau tươi từ 15.000 -17.000 đồng/kg, sau khi sấy khô bán 120.000 đồng/kg (Ảnh Dân Trí).

Mỗi ngày, hàng tấn cau non được ông chủ ở đây mua lại sau đó tự sấy tại nhà. Cau mua về được chọn lựa rất kỹ càng, phải đạt độ non nhất định, còn những loại cau vỏ đã vàng hay hạt đông đặc thì không mua, theo Dân Trí.

Chủ lò sấy tên N. D. T. ở xóm 1, Tăng Thành (Yên Thành) cho biết, gia đình ông làm nghề này từ rất lâu nhưng năm nay thị trường Trung Quốc đang cần rất nhiều cau non, khiến cho giá cau nội địa tăng đột biến.

Chủ cơ sở này phải thuê hơn 10 lao động chuyên đi thu mua cau từ khắp nơi, bình quân mỗi ngày thu mua 3 tấn cau tươi, sấy được khoảng 500kg cau khô.

Cau mua về cần đảm bảo chất lượng như cau non hạt nhỏ hoặc không có hạt sấy khô và được chuyển sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch với giá 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thương lái mua về để làm gì thì ông T. không rõ, tin đưa từ báo Người Lao Động.

Cau mua về sấy được lựa chọn rất kỹ, phải chưa đông hạt hoặc hạt nhỏ (Ảnh Dân Trí).

Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành khuyến cáo người dân không nên thu mua cau non bán cho thương lái Trung Quốc.

Không chỉ ở Nghệ An, thời điểm này nườm nượp các tốp thương lái trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum kéo lên các xã biên giới huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) để lùng sục mua cả cau non lẫn cau già.

Do giá cao, nhiều người mua nên “khan hiếm” hàng, nhiều thương lái còn vượt hàng trăm cây số để mua và tìm nguồn hàng xuất bán sang Trung Quốc. Giá cau được các thương lái chào mời ở đây cao nhất 25.000 đồng/kg.

Một thương lái bật mí, họ cứ sáng đi, chiều mua xong thì chạy về. Gom hàng xong 3 ngày đóng gửi nhập về Đà Nẵng rồi xuất sang Trung Quốc. Nhưng chả biết họ mua làm gì, chỉ thấy mua giá cao thì đi thu gom về bán lại.

Trước đó, vào hồi tháng 9, tại huyện miền núi An Lão (Bình Định), nhiều thương lái đã thu mua cau non chọn lọc, sấy khô cung cấp hàng sang thị trường Trung Quốc để làm kẹo cau. Loại kẹo này được cho là có công dụng chống viêm họng nên rất được ưa chuộng.

Tuy nhiên, khi người dân càng thu gom ồ ạt thì lại dấy lên nỗi lo bởi từ lâu nay đã có rất nhiều bài học cay đắng khi làm ăn với các thương lái Trung Quốc. Ban đầu các thương lái thường thu gom với giá cao, nhưng khi người dân đổ xô sang bán thì họ lại ngừng mua, khiến nông dân khóc dở mếu dở, không ít người trở nên tán gia bại sản.

Tình trạng này cũng đã được cảnh báo, song đến thời điểm này vẫn chưa có giải pháp hiệu quả nào để ngăn chặn.

Thanh Thanh