Đằng sau những kế hoạch tăng vốn và mở rộng mạng lưới của một loạt các ngân hàng Việt Nam là gì?
Đến thời điểm này, có 8 ngân hàng đã tổ chức xong đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2018 và dự kiến sẽ còn trên dưới 20 ngân hàng nữa tổ chức trong tháng 4 này.
Sau thời gian dài trầm lắng, các ngân hàng Việt giờ đây có vẻ đang rất tự tin trong việc đề ra các chỉ tiêu kinh doanh lớn, ồ ạt tăng vốn và lên kế hoạch mở rộng mạng lưới.
Theo trang tin Cafef, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch cho năm 2018 với những dự định táo bạo.
Tâm điểm của mùa đại hội cổ đông, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận tham vọng, chia cổ tức ở mức cao và bầu lãnh đạo nhiệm kỳ mới thì kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng cũng rất được quan tâm.
Nhiều ngân hàng ồ ạt tăng vốn điều lệ
Nhà băng nào cũng có ý định tăng vốn, có nơi còn muốn tăng thêm cả chục nghìn tỷ đồng.
VPBank là ngân hàng mở đầu cho kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Đại hội cổ đông của ngân hàng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 15.706 tỷ đồng lên 27.000 tỷ đồng, tức tăng thêm 72%.
Cùng tổ chức ĐHCĐ vào ngày 29/3, cả VIB Bank và MB Bank đều đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm lần lượt 43,5% và 19%. Nếu thành công, vốn điều lệ của VIB sẽ lên 8.100 tỷ đồng, còn MBB sẽ đạt 21.600 tỷ đồng. Phương án thực hiện đều có chia cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu.
Tương tự, LienVietPost Bank cũng cho sẽ tăng vốn điều lệ từ mức gần 7.500 tỷ đồng hiện nay lên hơn 10.368 tỷ đồng, tức tăng hơn 38%. Ngân hàng này dự định sẽ phát hành thêm hơn 286 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên.
Tài liệu ĐHCĐ mới đây của HDBank cũng tiết lộ ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 22% lên 11.972 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trong năm nay.
Ngoài những ngân hàng kể trên, một loạt các nhà băng như SCB, VietBank, OCB và ACB cũng đã có phương án tăng vốn. Mức tăng vốn điều lệ lần lượt của các ngân hàng này là 16%, 31%, 50% và 16%.
Vì sao tăng vốn vào thời điểm này?
Trên thực tế, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhiều ngân hàng hiện khá thấp. Trong khi thời hạn áp dụng hiệp định Basel II ngày càng gần. Mục tiêu hướng đến của Basel II là nâng cao chất lượng và sự ổn định của hệ thống ngân hàng quốc tế.
Năm 2017, tốc độ tăng vốn tự có của các tổ chức tín dụng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng tài sản. Do đó, để có đủ nguồn lực mở rộng hoạt động kinh doanh và đảm bảo an toàn thì việc tìm cách tăng vốn điều lệ là điều cấp thiết.
Cũng không phải năm nay, mong muốn tăng vốn đã có từ vài năm trước, song chỉ có một số có quy mô, hoạt động tốt hơn mới có thể dễ dàng thực hiện.
Đến năm nay, thị trường kỳ vọng các nhà băng sẽ có thể thuận lợi hơn khi đã xử lý được nhiều vấn đề tồn đọng về nợ xấu, tái cơ cấu,…
Hơn nữa, cổ phiếu ngân hàng tăng cao thời gian qua được xem là “cơ hội vàng” cho phương án tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng, chào bán cho nhà đầu tư.
Đua nhau mở rộng mạng lưới
Có được đà tăng trưởng trong năm 2017 cùng nhiều điều kiện thuận lợi trong năm nay, nhiều nhà băng đã thể hiện tham vọng không nhỏ khi đề ra các kế hoạch, trong đó phải kể đến việc mạnh dạn xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch.
Mới đây, HDBank cho biết đã được NHNN phê chuẩn mở mới 45 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm nay. Nếu hoàn tất, HDBank sẽ nâng mạng lưới điểm giao dịch lên 285 và được xem là ngân hàng có tốc độ phát triển mạng lưới nhanh nhất trong hệ thống trong mấy năm gần đây.
LienVietPostBank vốn đã có mạng lưới thuộc hàng lớn nhất hệ thống nhưng cũng tiếp tục muốn mở rộng hơn nữa trong năm 2018. Theo đó, ngân hàng sẽ phối hợp với VietNamPost để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các PGD Bưu điện thành PGD ngân hàng.
Dự kiến, đến hết năm nay, nhà băng sẽ có gần 400 điểm giao dịch trong đó có 185 PGD Bưu điện được nâng cấp thành PGD ngân hàng, đồng thời sẽ mở thêm 5 chi nhánh mới.
MBBank hồi đầu năm cũng đã được cấp phép thành lập thêm 5 chi nhánh và 12 phòng giao dịch trên các tỉnh thành trong nước, mở rộng mạng lưới giao dịch của nhà băng này lên đến 96 chi nhánh và 188 phòng giao dịch.
Các ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng có kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động. Trong đó, Kienlongbank dự kiến thành lập mới 17 chi nhánh, phòng giao dịch nâng tổng số điểm giao dịch lên 134 điểm.
Ngân hàng Bản Việt muốn mở thêm 1 chi nhánh và 7 phòng giao dịch, nâng số lượng điểm giao dịch từ 46 lên 54 điểm. OCB có kế hoạch xin phép mở mới thêm 8 điểm giao dịch gồm 5 chi nhánh và 3 phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch lên 130 điểm tại 29 tỉnh thành.
Kể từ năm 2008 tới nay, hệ thống ngân hàng mới có được sự sôi động, tự tin trong hoạt động đến thế. Những kế hoạch này đang có nhiều thuận lợi và hỗ trợ từ thị trường, song thành công hay không vẫn phải đợi thời gian trả lời.
Quang Minh tổng hợp