Cá tra Việt Nam xuất vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục sau quyết định mới của Bộ Thương mại nước này.
 

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định về thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016 sau kỳ rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13).

Theo quyết định cuối cùng này, Việt Nam có 2 doanh nghiệp phải chịu mức thuế cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử các kỳ rà soát hành chính đối với vụ kiện chống bán phá giá cá tra Việt Nam, đó là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods, với mức thuế lên tới 7,74 USD/kg.

Mức thuế mới này cao gấp 3,2 lần so với mức đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9/2017 và cao gấp 9,7 lần so với kỳ rà soát hành chính lần thứ 12 (POR12) của Mỹ đối với cá tra Việt Nam, theo VOV.

Bên cạnh đó, có 9 doanh nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ quanh mức 3,87 USD/kg.

Mức thuế trong quyết định này cao gấp 1,6 lần so với mức đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 trước đó và cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ rà soát POR12.

Ngoài các doanh nghiệp nêu trên, những doanh nghiệp Việt Nam không tham gia vào vụ kiện phải chịu mức thuế chung toàn quốc là 7,74 USD/kg.

Phản ứng trước quyết định trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra một quyết định thiếu công bằng trong kỳ rà soát hành chính POR13.

Tổng thư ký Vasep – ông Trương Đình Hòe, cho rằng phía Mỹ đã có những điều chỉnh thiếu cơ sở pháp lý và bỏ qua các quy định thông thường từ trước đến nay. Đại diện Vasep đề nghị Mỹ cần xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các doanh nghiệp, không được quyền áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn (AFA) để tính thuế.

Với mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục của Mỹ, dự kiến chỉ còn 2 doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu cá tra vào thị trường này là Công ty Vĩnh Hoàn và Biển Đông nhờ đóng mức thuế suất theo thỏa thuận.

Ngoài thuế chống bán phá giá, cá tra Việt Nam đang phải chịu thêm “một tròng” nữa là chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ được thực thi từ tháng 8/2017, theo đó các lô hàng cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam phải chịu sự kiểm soát của Cục Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Mỹ.

Minh Tuệ tổng hợp