Nếu chúng ta quay ngược thời gian 30, 40 năm trở về trước và xem một trận đấu đỉnh cao khi đó thì cách các cầu thủ chơi bóng khác xa bây giờ, đặc biệt là cách tổ chức hàng phòng ngự.

Bóng đá cũng như cuộc sống, nó luôn luôn vận động và thay đổi không ngừng theo thời gian. Bóng đá hiện đại mang đậm tính chất chiến thuật và thắng thua, các cầu thủ đá thi đấu trên sân với một tâm lý là phải dành chiến thắng bằng mọi giá chứ không phải thực chất là chính mình đi đá bóng trên sân. Điều này hoàn toàn khác xa với bóng đá thế kỷ 20, các cầu thủ chơi bóng với phong thái điềm tĩnh, không nóng vội và mang tính cống hiến hơn. Người ta thường gọi những cầu Brazil là những vũ công samba cũng bởi triết lá bóng bóng đá mà họ theo đuổi: “Chơi bóng chứ không đá bóng!”.

Không chỉ có những tiền đạo với khả năng săn bàn đẳng cấp hay những tiền vệ tài hoa với những phẩm chất hơn người mà ngay cả đến những hậu vệ hay trung vệ khi đó cũng mang trong mình những nét rất riêng và mang những nhiệm vụ cũng rất riêng biệt.  Và cái tên “Libero” ra đời từ đây nhằm chỉ những cầu thủ đặc biệt như vậy.

Libero – Đã có những người mang tên như thế

Trước hết chúng ta nên hiểu Libero là gì? Libero là một vị trí cơ động phần sân nhà, cầu thủ không đóng đinh tại 1 vị trí nhất định mà sẽ di chuyển lên xuống như một coi thoi, tùy theo hoàn cảnh của trận đấu. Một cầu thủ chơi ở hàng hậu vệ nhưng rất kỳ lạ, anh ta linh hoạt di chuyển xuống phía dưới hàng thủ để bọc lót mỗi khi mất bóng bên phần sân nhà. Anh ta là nút chặn đầu tiên khi đối thủ tấn công từ vòng tròn giữa sân, có khi cũng là người nhô cao lên ở giữa hàng tiền vệ để tổ chức tấn công cho đội nhà mỗi khi có bóng, và khi cần thiết anh cũng sẵn sàng xâm nhập vòng cấm, ập vào dứt điểm như một tiền đạo. Trong bóng đá hiện đại người ta gọi anh ta với cái tên “tiền vệ kiến thiết lùi sâu”.

Vị trí Libero trong đội hình. (Ảnh: bbs.hupu.com)

Hiện giờ, nếu có một hậu vệ nào thi đấu kiểu như vậy thì không biết anh ta sẽ hứng chịu điều gì từ đồng đội? Nhưng ở thời kì đấy, đó lại là một cầu thủ vô cùng quan trọng, một chìa khóa để giải quyết trận đấu và “Libero” ra đời từ đây. Những tên tuổi lớn như Gaetano Scirea, Matthias Sammer và đặc biệt là Franz Beckenbauer đều thành công chính nhờ cái tên Libero.

Ý tưởng khai sinh cho vị trí đặc biệt này xuất hiện từ khá sớm, từ thập niên 1930, nổi bật với sơ đồ 1-3-3-3 của HLV người Áo Karl Rappan, sử dụng một hậu vệ quét đứng lưng chừng giữa thủ môn và hàng phòng ngự ba người.

Người Italia đã vận dụng và nâng cấp ý tưởng ấy từ thập niên 1940, biến nó trở thành một lối chơi đỉnh cao trong thập niên 1960 với Inter Milan của huấn luyện viên huyền thoại Helenio Herrera, dùng một hậu vệ quét bịt các lỗ rò ở hàng thủ trong các sơ đồ 1-4-4-1 hoặc 1-4-3-2. Nhưng chỉ khi Franz Beckenbauer – người có khả năng phòng thủ và tấn công khủng khiếp như nhau xuất hiện thì Libero mới thực sự hoàn thiện nhất. Ông thường xuất phát ở phía sau các trung vệ nhưng tức thời dâng lên chơi phía trên họ khi đội nhà có bóng và là vị trí khởi phát của mọi đợt tấn công.

Huyền thoại bóng đá Đức Franz Beckenbauer là một minh chứng thành công cho vị trí Libero trong bóng đá. (Ảnh: portal-kultura.ru)

Nhưng tiếc thay những người hâm mộ bóng đá hôm nay gần như không còn được chứng kiến một Libero “thực thụ” nào xuất hiện trên sân cỏ nữa, nó dần biến mất trong đội hình khi luật việt vị thay đổi khi một cầu thủ rơi vào thế việt vị nếu anh ta đứng thấp hơn 2 cầu thủ phòng ngự cuối cùng của đối phương, bao gồm cả thủ môn.

Bây giờ người ta chỉ coi những trung vệ biết “chơi” bóng là những Libero mà đã quên đi cái chất nghệ thuật đích thực làm nên hình ảnh một libero trong quá khứ. Bóng đá với sự phát triển theo thời gian của nó dường như không còn chỗ cho những phá cách, sáng tạo độc đáo, thay vì tìm kiếm những “số 10 cổ điển” đẹp đến hoàn hảo và luôn thi đấu theo cảm hứng cá nhân, bây giờ người ta lại đề cao những nghệ sỹ chơi bóng theo chiến thuật và phải biết nghe lời như Luka Modric.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với các hậu vệ. Nếu ta coi những trung vệ tấn công hay như Chris Smalling là những đại diện cho một bước tiến mới về Libero thì chúng ta đã nhầm. Những hậu vệ như thế đương nhiên rất giỏi nhưng tầm ảnh hưởng của họ trong một trận đấu không thể so sánh nổi với những libero đích thực. Vậy do đâu mà Libero lại biến mất trong bóng đá hiện đại?

Nhiều người cho rằng chính sự thay đổi luật việt vị đã dẫn đến là nguyên nhân chính, hệ thống phòng ngự 4 người phải cùng dâng lên đúng thời điểm để đẩy đối phương vào trạng thái việt vị và libero – vốn là vị trí chơi thấp nhất, trở nên thừa thãi. Nói như vậy không chuẩn cho lắm! Sự thật là vai trò giữa 1 Libero với một cầu thủ chịu trách nhiệm đứng thấp nhất trong hệ thống phòng ngự đâu có khác gì nhau đâu chứ, đặc biệt là trong tình huống họ thực hiện một pha dâng lên để cướp bóng hay tiến hành một pha bẫy việt vị. Bởi rất ít đội bóng dám làm như vậy vì họ đề cao tính an toàn và không dám thực hiện để tránh rủi ro cao cho cầu môn đội nhà.

Franco Baresti – một Libero nổi tiếng của nước Ý với đôi chân đầy ma thuật cùng sự đơn giản. (Ảnh: revistalibero.com)

Một số khác thì cho rằng bóng đá hiện đại khác xa với bóng đá thời trước, tốc nhanh hơn, mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn nên, đặc biệt là xuất hiện lối chơi “pressing” khiến cho các Libero không có đất diễn. Nói vậy chẳng phải nói đùa sao? Phải chăng mọi vị trí trên sân đều mất hết không gian và thời gian để xử lý bóng ư? Sự thật ở đây không phải vậy, họ không hề biến mà thay đổi bản thân để phù hợp với bóng đá hiện đại.

Lấy những cầu thủ chịu trách nhiệm dẵn dắt lối chơi làm ví dụ: “Khi bị giới hạn thời gian và không gian để chơi bóng thì đơn giản, họ cần phải nhanh nhẹn và thông minh hơn. Thay vì đứng một chỗ đón bóng hay từ từ ngắm nghía và tung ra các đường chuyền sát thủ thì các “ông chủ” đẳng cấp thường suy nghĩ trước sẽ phải làm gì nếu có bóng trong chân”. Họ chẳng phải là những Libero hay sao?

Michael Carrick (Man United) có thể chơi ở cả vị trí trung vệ và tiền vệ trung tâm. (Ảnh: Fulham Wiki – Fandom)

Nhiều năm gần đây, những “ông lớn” đang cố gắng có riêng cho mình một “ông chủ tuyến giữa” có chức năng cầm chịch và tổ chức lối chơi nhưng lại thi đấu rất thấp ở hàng tiền vệ, như Xavi, Carrick, Pirlo hay Alonxo. Họ chẳng phải là những Libero trong bóng đá hiện đại hay sao? Cho phép một hậu vệ chủ động rời khỏi hệ thống phòng ngự khi có bóng sẽ giúp đội bóng điều chỉnh đội hình, chiến thuật một cách linh hoạt, chẳng hạn có thể chuyển từ 4-2-3-1 sang thành 3-3-1-3 hay 3-3-3-1 một cách dễ dàng. Nó giúp một tiền vệ cánh đơn thuần có thể nhanh chóng biến thành một tiền đạo cánh hay các tiền vệ trung tâm thực thụ có thể yên tâm dâng cao. Khi đã có một libero thì đội bóng đôi khi không còn cần một “tiền vệ phòng ngự đơn thuần nữa”.

Thế kỷ 21 và sự trở lại của Libero

Bóng đá hiện đại thay quá nhiều thì việc các cầu thủ và đội bóng thay đổi lối chơi và chiến thuật là điều hiển nhiên. Với sự che chắn của hàng tiền vệ và xu hướng chơi an toàn là một yếu tố đặt lên hàng đầu, các trung vệ có thể cầm bóng và di chuyển lên theo ý đồ chiến thuật đã định ra từ trước, điển hình là tại Barcelona, Pique có thể cầm bóng lên tận vạch giữa sân khi đội nhà chơi ép sân, quan trọng là họ đủ khả năng làm điều đó và có thể tránh những sai lầm không đáng có hay không. Không chỉ riêng Pique mà những Matts Hummels, Rio Ferdinand, Sergio Ramos… là những trung vệ có khả năng “chơi bóng”, tạo nên một áp lực mạnh mẽ từ phía sau nhờ khả năng cầm và chuyền bóng.

Sự trở lại Libero chứng tỏ người ta ngày càng thấy được tầm quan trọng của một người có khả năng dẫn dắt lối chơi cho toàn đội. World Cup 2010 tại Nam Phi là thời điểm đánh dấu sự hồi sinh của Libero với minh chứng tiêu biểu là Rafael Marquez của Mexico, người đã chơi một trận tuyệt hay và giúp đội bóng Trung Mỹ vượt qua Pháp 2-0. Anh được chơi tự do trong phòng ngự và trở thành một công tắc chuyển từ trạng thái phòng ngự sang tấn công cực nhanh của Mexico.

Rafael Marquez – người đánh dấu cho sự hồi sinh của Libero. (Ảnh: soccerly.com)

Hay trước đó, AC Milan từng để Andrea Pirlo chơi vị trí tiền vệ kiến thiết lùi sâu nhưng để lại toàn bộ công việc phòng ngự lên đôi vai của Gennaro Gattuso khiến anh ta không thể nào gánh vác được trọng trách quá lớn như vậy. Người Italia chỉ tìm thấy nhân tố mà họ cần tại Euro 2012: Daniele De Rossi. Tiền vệ của AS Roma được xếp chơi cùng với Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini ở trận hòa 1-1 với Tây Ban Nha tại vòng bảng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi được chơi ở vi trí Libero: tắc bóng chính xác 100% (3/3), 5 lần ngăn chặn then thốt, chuyền dài chính xác 8/13 và 36/53 đường chuyền ngắn lẫn trung bình phát động tấn công.

Nhưng đó chỉ là một biện pháp chữa cháy tạm thời cho một trận đấu cụ thể nào đó chứ không thể sử dụng lâu dài. Có lẽ người duy nhất có thể chơi ở vị trí Libero trong hiện đại hôm nay là Sergio Busquet của Barcelona. Ở anh hội tụ đầu đủ nhất những kỹ năng thượng thừa từ khả năng đọc trận đấu, các kỹ năng phòng ngự, tranh chấp, chuyền dài và trung bình, cầm nhịp trận đấu và giữ bóng. Trong cả hệ thống phòng ngự ba người lẫn bộ tứ vệ giăng ngang, ở cả vị trí “mỏ neo” trên tuyến tiền vệ lẫn một trung vệ thực thụ, Busquets đều cho thấy mình hoàn toàn đảm nhận vai trò của 1 Libero.

Chỉ có điều duy nhất mà người ta chưa thể chắc chắn về Busquet là khả năng xâm nhập vòng cấm và ghi bàn cũng như vai trò tấn công của anh là khá mờ nhạt. Cũng phải thôi, nếu anh không làm việc này thì ở Barca cũng có rất nhiều cầu thủ có thể đảm đương trách nhiệm này. Nhưng nếu xét đến 2 vai trò là ngăn chặn nguy cơ hệ thống phòng ngự bị vỡ và sau đó mở một đợt tấn công từ đây thì Busquets đủ khả năng đảm nhiệm cả 2 nhiệm vụ trên.

Sergio Busquets là hình mẫu lý tưởng nhất của Libero trong bóng đá hiện đại. (Ảnh: Everything Barca)

Nếu các huấn luyện viên hiện nay dám sử dụng đến Libero thì số phận của nhiều cầu thủ đã khác. Mà David Luiz là một điển hình, trung vệ người Brazil được cho là tấn công hay hơn phòng ngự biết đâu sẽ trở thành một huyền thoại, khi đó anh ta có thể tự do dâng cao và được đồng đội phía sau bọc lót thay vì quá chú trọng vào công việc phòng ngự. Nghe thật thú vị đấy chứ!

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chúng ta cần phải theo thời thế mà thôi. Bóng đá dần cuốn theo guồng quay đầy toan tính của nó, những cái đẹp và tính cá nhân chỉ còn là những hoài niệm trong quá khứ xa xôi mà thôi. Không biết đến bao giờ chúng ta mới được chứng kiến một cầu thủ đứng dưới hàng phòng ngự và sẵn sàng làm mọi việc khi bóng đến chân.

Sơn Tùng