Từ hôm qua (10/2), nhiều hành khách về quê ăn Tết đã trải qua cảnh vạ vật trên sân bay Tân Sơn Nhất vì chuyến bay của hai hãng Vietjet, Jetstar liên tục thông báo delay.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/2, bảng điện tử thông báo chuyến bay từ sây bay Tân Sơn Nhất ra miền Bắc luôn trong tình trạng delay.

Hành khách vật vờ ở Tân Sơn Nhất vì điệp khúc trễ giờ của hãng bay
Hành khách mệt mỏi vì lỡ chuyến (Ảnh: báo Tuổi trẻ).

Tình trạng này kéo dài tới 19h tối cùng ngày, nhiều hành khách của VietJet, Jetstar Pacific cho biết, vẫn chưa thể lên máy bay dù giờ bay dự kiến từ sáng. Khi những người này thắc mắc, câu trả lời mà họ nhận được từ nhân viên các hãng hàng không là “do thời tiết xấu”.

Hành khách vật vờ ở Tân Sơn Nhất vì điệp khúc trễ giờ của hãng bay
Hãng hàng không Vietjet luôn báo delay (Ảnh: báo Tuổi trẻ).

Mệt mỏi vì chờ đợi kéo dài, nhiều hành khách đã nằm vật ra sân bay, hoặc đi lại vật vờ ở sảnh. Nhiều hành khách nói với Tuổi trẻ, có chuyến bay bị delay hơn 12h đồng hồ, khiến họ phải đi mua tạm bánh mỳ, nước lọc để chống đói.

Chị Hoàng Thị Thuỷ, quê Nghệ An bay trên chuyến VJ 226 cho biết, chị mua vé bay từ Sài Gòn ra Vinh (Nghệ An). Theo thông báo của hãng hàng không, 9h25 máy bay cất cánh nhưng đã bị hoãn giờ khởi hành đến 22h cùng ngày.

Hành khách vật vờ ở Tân Sơn Nhất vì điệp khúc trễ giờ của hãng bay
VietJet, Jetstar Pacific thông báo lùi thời gian bay (Ảnh: báo Tuổi trẻ).

Cũng có mặt tại Tân Sơn Nhất, Zing ghi nhận tình trạng hành khách mệt mỏi, bức xúc vì lỡ giờ bay.

Theo anh Xuân Vinh (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), từ sáng đến chiều đã nhận 4 thông báo delay của hãng Vietjet và chưa biết khi nào mới có thể về quê.

Hành khách vật vờ ở Tân Sơn Nhất vì điệp khúc trễ giờ của hãng bay
Vạ vật đợi khởi hành (Ảnh: báo Tuổi trẻ).

Khi phóng viên hỏi về lý do trễ giờ bay, đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết, do thời tiết ở Hà Nội và Vinh không tốt, nên nhiều chuyến bay từ Tp.HCM ra 2 sân bay này phải hạ cánh xuống sân bay Cát Bi (Hải Phòng), ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay khác.

“Ngoài ra, mùa này mưa phùn và trần mây thấp nên mấy sân bay ở miền Bắc không hạ và cất cánh được. Lịch bay mùa Tết rất dày, nên sự chậm trễ một chuyến bay sẽ ảnh hưởng đến các chuyến bay còn lại. Rất mong bà con thông cảm”, đại diện Vietjet Air nói.

Chậm giờ bay, hành khách được phục vụ ăn

Theo Thông tư quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không, từ tháng 11 năm 2017, hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị chậm chuyến, gián đoạn, hủy chuyến, hãng hàng không có trách nhiệm phục vụ hành khách theo quy định:

– Chậm từ 2 giờ phải phục vụ nước uống.

-Chậm từ 3 giờ trở lên phải phục vụ ăn; chậm từ 6 giờ trở lên (từ 7h đến trước 22h) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không.

– Chậm 6 giờ trở lên (từ 22h hôm trước đến trước 7h ngày hôm sau) phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách.

Đồng thời, các hãng hàng không phải chuyển đổi hành trình của hành khách trong phạm vi cung cấp dịch vụ của hãng để hành khách tới được điểm cuối của hành trình một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Bên cạnh đó, quy định hiện hành về mức bồi thường chậm hủy chuyến được thể hiện trong thông tư 14/2015 như:

Đối với chuyến bay nội địa:

– Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km: 200.000 VNĐ

– Độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km: 300.000 VNĐ

– Độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên: 400.000 VNĐ.

Đối với chuyến bay quốc tế:

– Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 1.000 km: 25 USD.

– Độ dài đường bay từ 1.000 km đến dưới 2.500 km: 50 USD.

– Độ dài đường bay từ 2.500 km đến dưới 5.000 km: 80 USD.

– Độ dài đường bay từ 5.000 km trở lên: 150 USD.

Thanh Thanh