Lãnh đạo Hà Nội cho rằng, khi trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn hoạt động, mỗi năm dự án sẽ nộp ngân sách cho thành phố từ 150 đến 250 triệu USD.
VnExpress thông tin, TP. Hà Nội vừa phê duyệt đề cương điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thủ đô đến năm 2020, định hướng 2030, trong đó bổ sung dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa Sóc Sơn.
Dự kiến mức đầu tư cho dự án này khoảng 500 triệu USD. Hà Nội cho rằng mức đầu tư này không lớn, chỉ chiếm 1% tổng mức đầu tư toàn xã hội của TP.
Báo Tuổi Trẻ dẫn văn bản của UBND TP. Hà Nội cho biết, thành phố chỉ chi ngân sách cho việc giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp khu vực xây dựng dự án.
Trong khi đó, việc cấp phép, đầu tư, đưa vào hoạt động dự án trường đua ngựa Sóc Sơn mỗi năm sẽ thu được 40-50 triệu USD thuế thu nhập doanh nghiệp, và khoảng 100-200 triệu USD thuế tiêu thụ đặc biệt từ hoạt động kinh doanh đua ngựa.
Dự án sẽ thu hút thu hút khoảng 5 nghìn lao động trực tiếp. Ngoài ra, hoạt động phụ trợ của dự án cần khoảng 20-25 nghìn lao động.
Ngoài trường đua ngựa nhiều công trình, tiện ích kèm theo cũng sẽ được xây dựng gồm: Khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm và công viên phục vụ cho văn hóa giải trí gia đình…
Giữa năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao với Điều 68a để quy định về đặt cược thể thao. Điều này đã tạo hành lang pháp lý chính thức cho các hoạt động đặt cược thể thao tại Việt Nam. Theo đó, kinh doanh đặt cược thể thao là hoạt động có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phải đảm bảo các yếu tố minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia; đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là đồng Việt Nam. |
Bảo Hà (Tổng hợp)