Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 27/5 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:
Nhà khoa học Việt chế tạo cảm biến phát hiện chip gián điệp
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai Khanh, Trung tâm Thiết kế – Giáo dục vi mạch, Đại học Tokyo Nhật Bản và nhóm nghiên cứu mới đây đã giới thiệu về giải pháp bảo mật an ninh mạng bằng cách dùng cảm biến từ trường để phát hiện các con chip gián điệp cài đặt bí mật trong phần cứng các thiết bị thông minh. Khi các con chip hoạt động, cảm biến từ trường sẽ nhận biết bằng cách đo các phát xạ từ bị rò rỉ, dựa trên luật từ thông của Faraday-Lenz, theo VnExpress.
Cảm biến từ trường được thiết kế không cần can thiệp đến hoạt động của vi mạch (tức là không cần phá hủy chip) mà chỉ dựa trên phân tích tín hiệu từ trường nên dễ triển khai và chi phí thấp hơn nhiều so với các phương pháp cần phá hủy (hoặc phân tích ngược thiết kế) vi mạch.
Giải pháp này cũng có thể dùng để đánh giá nguy cơ con chip ở vị trí dễ bị tấn công để có biện pháp (hàn, bọc, che phủ bằng vật liệu), bảo vệ.
Tiến sĩ Khanh cho biết, thông thường để tạo ra một chip cần rất nhiều công đoạn khác nhau, từ thiết kế, phát triển và sản xuất chế tạo. Nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) và công ty chỉ tập trung vào thiết kế chip sau đó gửi bản thiết kế cho công ty chuyên sản xuất – chế tạo vi mạch.
Quy trình này dễ tạo điều kiện để kẻ gian có thể cài vào bản thiết kế các mạch gián điệp (Trojan, spy circuit).
Mạch gián điệp này nằm cứng trong chip thành phẩm và có thể không hoạt động gì cho tới khi được kích hoạt tín hiệu từ bên ngoài, hoặc chỉ lén lút hoạt động từng thời điểm định trước. Chính vì vậy, rất khó phát hiện, đặc biệt với vi mạch kích thước rất nhỏ cỡ vài chục nano mét.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai Khanh hiện là trợ lý giáo sư tại Trung tâm Thiết kế – Giáo dục vi mạch, Đại học Tokyo, Nhật Bản. Ông từng là giảng viên Khoa Điện và Kỹ thuật điện tử, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội từ 2006 đến 2013; Chủ tịch Hội nghị giao lưu khoa học Việt Nam – Nhật Bản năm 2017.
Đường sắt bỏ miễn phí suất ăn trên tàu sau 2 năm thí điểm
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đã thu phí suất ăn chế biến sẵn trên tàu thay vì miễn phí hay hỗ trợ một phần như trước đây.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, hiện nay trên các đoàn tàu Thống Nhất SE3/4, khi khách có nhu cầu ăn suất ăn chế biến sẵn, nhân viên trên tàu sẽ bán với giá bằng đơn giá nhập suất ăn từ Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, giá suất ăn chế biến sẵn dành cho bữa phụ 25.000 đồng/suất, bữa chính 35.000 đồng/ suất. Ngoài suất ăn chế biến sẵn, các nhân viên trên tàu bán các phần ăn được nấu trên tàu cho khách lựa chọn.
Trước đó, chiều 17/1, Công ty CP Vận tải đường sắt (CP VTĐS) Sài Gòn thông báo trên trang Facebook chính thức của công ty về việc tạm ngưng phục vụ suất ăn miễn phí trên tàu SE3 và SE4 dịp Tết Kỷ Hợi 2019.
Theo báo Pháp luật TP. HCM, Công ty CP VTĐS Sài Gòn đã tổ chức thí điểm phục vụ miễn phí suất ăn chế biến sẵn theo tiêu chuẩn chất lượng hàng không trên các đoàn tàu SE3/4 kể từ ngày 10/1/2018.
Sau một thời gian thực hiện, để phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, thời gian tổ chức vận tải Tết Kỷ Hợi 2019, sẽ tạm ngưng thí điểm phục vụ suất ăn miễn phí đối với hành khách đi tàu SE4 xuất phát Sài Gòn từ ngày 19/1/2019 và tàu SE3 xuất phát Hà Nội từ ngày 21/1/2019.
Sạt lở nghiêm trọng cuốn trôi 4 căn nhà ở Long An, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng
Khoảng 6 giờ sáng ngày 27/5, tại Long An đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi 4 căn nhà xuống sông.
Theo thông tin ban đầu từ TTXVN, vào thời điểm trên, tại ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, tỉnh Long An đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng khiến toàn bộ nhà ăn, bếp, công trình phụ của 4 hộ dân bị cuốn xuống sông, nhiều căn nhà khác cũng bắt đầu xuất hiện vết nứt.
Tại hiện trường, toàn bộ phần phía sau nhà gồm bếp, nhà ăn, công trình phụ cùng một số tài sản của bốn hộ dân bị cuốn trôi hoàn toàn xuống sông Vàm Cỏ Đông. Ngoài bốn căn nhà của các hộ dân bị sạt lở, hiện nay, bốn căn nhà khác gần đó cũng xuất hiện nhiều vết nứt nhỏ, nguy cơ bị sạt lở.
Theo ước tính, thiệt hại do vụ sạt lở gây ra là khoảng trên 2 tỷ đồng.
Bà Huỳnh Thị Chính – một trong những hộ dân bị sạt lở kể lại: “Từ chiều hôm qua, các vết nứt bắt đầu xuất hiện tại cả 4 căn nhà liền kề nhau nhưng không ai nghĩ sạt lở diễn ra nhanh như vậy. Đến khoảng gần 6 giờ, chúng tôi chỉ kịp nghe tiếng rắc rắc, rồi tiếng những tấm tole xé rách, toàn bộ khu vực phía dưới và tài sản đổ ập xuống dòng sông. May sao những hộ dân chúng tôi không ai ngủ phía dưới chứ không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Theo các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng bởi sạt lở, từ chiều 26/5, các vết nứt bắt đầu xuất hiện ở bốn căn nhà liền kề nhau. Đến khoảng gần 6 giờ ngày 27/5, các căn nhà phát ra tiếng động “rắc, rắc” và tiếng mái tôn bị xé rách. Toàn bộ khu vực phía nhà sau và tài sản bị đổ sập xuống sông.
(xem thêm)
17 ngư dân trên tàu cá Nghệ An gặp nạn được cứu vào bờ
Sau hơn 10 giờ vượt sóng, tàu cứu nạn đã tiếp cận được tàu cá Nghệ An, thăm khám sức khỏe cho các thuyền viên, lai dắt tàu về đất liền.
Theo VnExpress, trước đó, trưa 25/5 tàu NA 91927 do ông Hồ Văn Tiến (trú huyện Quỳnh Lưu) làm thuyền trưởng cùng 16 thuyền viên đang đánh trên biển cách Lạch Quèn khoảng 70 hải lý về Đông Bắc thì bất ngờ bị hỏng hộp số, trôi dạt. Các thuyền viên trên tàu cố gắng khắc phục nhưng không có kết quả.
Theo báo Một Thế Giới, thời điểm gặp nạn, do ảnh hưởng của gió mùa, khu vực biển này có gió Nam mạnh cấp 5, sương mù, rất nguy hiểm cho tàu và thuyền viên. Thuyền trưởng Hồ Văn Tiến đã phát tín hiệu yêu cầu cứu nạn khẩn cấp.
Video lai dắt tàu cá NA – 91927 TS vào bờ. (Nguồn: Một Thế Giới)
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC – thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT) nhận được tin cầu cứu đã trực tiếp kết nối, yêu cầu thuyền trưởng thường xuyên giữ liên lạc để cập nhật vị trí, tình trạng tàu cùng sức khỏe thuyền viên. Tàu SAR 273 cũng ngay lập tức được điều động đi cứu nạn.
Sau hơn 10 tiếng hành trình trên biển, đến 10 giờ 18 phút ngày 26/5, tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 273 đã tiếp cận tàu cá bị nạn, tiến hành chăm sóc sức khỏe, ổn định tâm lý cho toàn bộ thuyền viên.
Đến 21 giờ ngày 26/5, tàu SAR273 đã đưa toàn bộ 17 thuyền viên cùng tàu NA- 91927TS về cảng Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) an toàn.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả nhiều may mắn và yêu thương!
Đại Kỷ Nguyên News