Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 01/8 xin gửi tới quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Từ 1/8, giá gas tăng từ 8.000 – 10.000 đồng/bình

Theo các đại lý gas tại TP Hồ Chí Minh, sở dĩ giá gas trong nước tiếp tục tăng bắt đầu từ 1/8 là do giá đồng đô la thế giới được điều chỉnh tăng, buộc các nhà phân phối nhập khẩu gas trong nước phải điều chỉnh giá bán lẻ. Hiện giá gas thế giới đã tăng từ 580 USD/tấn lên 595 USD/tấn, tăng 15 USD so với tháng 7, TTXVN đưa tin.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh Tuấn Phi, chủ một đại lý kinh doanh gas tại quận 9, cho biết các nhà cung cấp gas trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có thông báo tăng giá bán từ ngày 1/8. Theo đó, giá các thương hiệu gas như Saigon Petro, Gia Đình Gas, Petro VietNam, Thủ Đức Gas… dự kiến tăng từ 8.000 đồng – 10.000 đồng/bình 12 kg.

Theo mức giá mới, giá gas dự kiến đến tay người tiêu dùng từ 1/8 sẽ dao động từ 356.000 – 366.000 đồng/bình 12 kg.

Cụ thể, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 yêu cầu cơ sở sản xuất, chiết nạp, phân phối, bán lẻ gas, mỗi khâu đều phải thực hiện sổ theo dõi ghi chép, loại bình, số xê-ri, hạn kiểm định, tên khách hàng, địa chỉ, ngày giao nhận… Ghi chép này không chỉ ghi khi bán hàng mà phải thực hiện khi thu hồi vỏ bình về.

Bên cạnh đó, cửa hàng bán lẻ khi giao gas tận nhà còn phải cung cấp tài liệu hướng dẫn sử dụng (kể cả hướng dẫn trực tiếp về an toàn sử dụng gas) cho chủ nhà, biên nhận giao gas và phải có chữ ký xác nhận của chủ nhà…

Thiết kế của 10 đoàn tàu Metro ở Hà Nội

Tàu dự kiến được nhà thầu Pháp thiết kế, sản xuất với mỗi đoàn tàu trị giá gần 300 tỷ đồng, có thể chở hơn 900 người, tốc độ vận hành thương mại 35 km mỗi giờ.

10 đoàn tàu tuyến Metro Nhổn – ga Hà Nội giá gần 3.000 tỷ đồng / 7.600 tỷ đầu tư toa xe, thiết bị tuyến Metro đầu tiên ở Hà Nội

Đường sắt đô thị Thủ đô đoạn Nhổn – ga Hà Nội có tổng chiều dài 12 km, đường ray đôi trải dài từ vùng ngoại ô phía Tây đến đường Trần Hưng Đạo. Để phục vụ cho việc vận hành dự án đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy vào năm 2020, 10 đoàn tàu với thiết kế theo tiêu chuẩn Châu Âu, sử dụng vật liệu hợp kim nhôm sẽ được chế tạo tại Pháp.

Gói thầu số 6 của dự án có giá trị khoảng 7.667 tỷ đồng, trong đó gần 3.000 tỷ đồng dành cho tư vấn, thiết kế, sản xuất và lắp đặt 10 đoàn tàu phục vụ tuyến Metro này.

Tàu được chiếu sáng bằng đèn LED, tự động điều chỉnh độ sáng đối với đoạn trên cao và đoạn đi ngầm.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm; được khởi công từ tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, đầu năm 2017 thành phố báo cáo lùi tiến độ đến sau năm 2021.

Tổng mức đầu tư dự án sau hai lần tăng giá, đến nay đã lên đến gần 36.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: ‘Tôi xin nhận trách nhiệm’

Đánh giá vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La là những sai phạm rất nghiêm trọng, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xin nhận trách nhiệm tại phiên họp Chính phủ sáng nay.

Sáng nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về tình hình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương với Thủ tướng, các Phó thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Nhạ cho biết đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là một trong 9 nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 29 đặt ra để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Kế hoạch hành động xác định đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là khâu đột phá góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT. Lựa chọn này xuất phát từ việc thực hiện đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá sẽ có tác động tích cực tới đổi mới phương pháp dạy và học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Thắng Quang. 

Bộ trưởng GD&ĐT dẫn dắt, việc thi cử tại thời điểm đó còn rất nặng nề. Mỗi năm phải tổ chức nhiều kỳ thi, nhiều đợt thi (trong gần một tháng thí sinh phải dự một kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ). Học sinh các tỉnh xa phải về Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn dự thi rất vất vả, áp lực, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc. Ngoài ra, tiêu cực trong thi cử ở Đồi Ngô, Phú Xuyên khiến dư luận rất bức xúc.

Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu khắc phục các bất hợp lý nêu trên, đảm bảo trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình, xã hội.

Còn để các trường ĐH, CĐ tự tổ chức thi thì Bộ đã khuyến khích nhưng thực tế rất ít trường thực hiện được vì tốn kém nguồn lực và chi phí, hơn nữa tình trạng luyện thi, dạy thêm học thêm tràn lan rất dễ xuất hiện trở lại.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một buổi chiều thư giãn!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News