Những thành quả đạt được kể từ đầu năm 2018 bỗng chốc bay hơi khi thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào tình trạng hoảng loạn trong phiên ngày 5/2. Các nhà đầu tư đồng loạt bán tháo khiến chỉ số Dow Jones có lúc mất gần 1.600 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.175,21 điểm, tương đương 4,6%, xuống còn 24.345,75 điểm. Trước đó trong phiên, chỉ số này có lúc mất gần 1.600 điểm.
Cùng với phiên bán trước đó khiến Dow Jones mất gần 666 điểm (tức 2,5%), chỉ số này giờ đây đã thủng ngưỡng 25.000 điểm và xóa đi toàn bộ mức tăng đạt được từ đầu năm 2018.
Chỉ số S&P 500 cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi để rơi 113,19 điểm, tương đương 4,1%, xuống còn 2.648,94 điểm – phiên giảm mạnh nhất trong 6 năm. Chỉ số này hiện đã giảm hơn 5% so với mức cao kỷ lục 2.872,87 điểm đạt được ngày 26/1/2017.
Trong khi cả Dow Jones và S&P 500 đều rơi vào vùng giảm điểm trong năm nay thì chỉ số tổng hợp Nasdaq vẫn giữ được mức tăng 0,9% so với cuối năm ngoái, dù giảm 273,42 điểm (tức 3,8%) xuống 6.967,53 điểm trong phiên ngày 5/2.
Cổ phiếu các nhóm ngành đồng loạt giảm mạnh, trong đó ngành tài chính giảm mạnh nhất với mức 5%, các ngành y tế, công nghiệp, năng lượng, viễn thông, công nghệ thông tin đều giảm hơn 4%.
Theo CNBC, các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại về khả năng lãi suất tăng nhanh trong thời gian tới sau khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm.
Hoạt động bán tháo đã diễn ra từ ngày Thứ Sáu tuần trước sau khi có báo cáo việc làm của Mỹ tốt hơn dự báo, khiến giới đầu tư nhìn nhận đó là một dấu hiệu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tăng lãi suất mạnh hơn 3 lần như dự kiến trước đó.
Tuy nhiên, do thị trường phá vỡ mốc trung bình động 50 ngày, một ngưỡng kỹ thuật chủ chốt, khiến tâm lý “hoảng loạn” gia tăng, biến phiên ngày 5/2 thành “ngày thứ Hai đen tối”.
Một chuyên gia phân tích tại Fort Pitt Capital Group cho rằng thị trường bị bán mạnh là do các chương trình máy tính tự động, “chứ con người không thể đưa ra quyết định nhanh như vậy”.
Theo các chiến lược gia tại ngân hàng Morgan Stanley, bây giờ chưa nên là lúc “bắt dao rơi” do vẫn còn có những lo ngại về tình trạng ngân sách của chính phủ Mỹ.
Minh Tuệ