Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tập đoàn điện lực đã thông báo mức phạt sẽ từ 7 – 10 triệu đồng nếu chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn giá quy định trong trường hợp người thuê nhà mua điện để phục vụ mục đích sinh hoạt…
Trước đó, vào ngày 20/5/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ công nhân các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018, tại Hà Nam.
Tại buổi gặp gỡ, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền đến từ Công ty TNHH NMS Việt Nam (Hà Nam) báo cáo Thủ tướng rằng, hiện tại người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước cao hơn các hộ gia đình sinh hoạt.
Trước thông tin này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các địa phương khác, phối hợp tiến hành kiểm tra việc các nhà trọ cho công nhân thuê. Nếu đúng như công nhân phản ánh, đó là hành vi vi phạm pháp luật của các chủ nhà trọ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thông tin về chính sách giá điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở.
Theo đó, tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện giá bán điện đã quy định, trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện sẽ được cấp định mức hoặc áp 1 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ).
Cụ thể, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Theo đó, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức.
Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 – 200 kWh: 1.858 đồng/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.
Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do Công ty Điện lực phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.
Như vậy, nếu tính cả thuế VAT thì giá điện mà người thuê nhà phải đóng sẽ không cao hơn 2.300 đồng/kWh. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ VnEconomy, mức thu tiền điện của các chủ nhà trọ tại Hà Nội hiện nay thường dao động từ 3.500 – 5.000 đồng/kWh, thậm chí còn cao hơn nữa.
Nguyên nhân là bởi rất nhiều chủ nhà trọ ngại phiền phức nên không nộp hồ sơ (gồm sổ tạm trú hoặc chứng từ xã nhậm tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn) của người thuê nhà cho bên bán điện để được cấp định mức hoặc được áp một mức giá điện sinh hoạt của bậc 3 (1.858 đồng/kWh chưa bao gồm VAT).
Chính vì thế, khi tổng điện năng sử dụng vượt mức 200 kWh sẽ bị tính mức giá cao (bậc 4, bậc 5, bậc 6 tương ứng 2.340 đồng/kWh, 2.615 đồng/kWh và 2.701 kWh, chưa bao gồm VAT), dẫn đến người thuê nhà phải đóng tiền điện với giá rất cao.
Mặt khác, một số chủ nhà trọ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người thuê nhà mà kinh doanh giá điện, thu cao gấp 2-3 lần so với giá thông thường để kiếm lời.
Đối với những trường hợp vi phạm, tại điều 12 khoản 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ đã quy định xử phạt từ 7 – 10 triệu đồng đối với chủ nhà trọ thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.
Để kiểm soát tình trạng này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực, các Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố triển khai ngay các biện pháp tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện giá bán điện của các chủ nhà trọ.
Mạnh Tiến