Thiết bị phá sóng định vị GPS là mặt hàng được kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, việc mua bán, sử dụng các thiết bị này phải tuân theo quy định nghiêm ngặt của pháp luật.

Một số đối tượng đã sử dụng thiết bị phá sóng để trộm cắp xe máy, ô tô có gắn thiết bị định vị GPS, tránh sự truy tìm của khổ chủ và công an. Mặc dù được kiểm soát chặt chẽ, nhưng loại thiết bị này vẫn được lén lút mua bán, tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường, theo Tuổi Trẻ.

Bộ thiết bị phá sóng định vị. (Ảnh: Báo Giao Thông)

Mới đây, công an Q.7, TP.HCM cho biết, đơn vị này đã bắt giữ một băng trộm hành nghề chuyên nhắm đến xe SH, PCX…có trang bị cả thiết bị phá sóng định vị.

Vào 18h chiều 7/4 vừa qua, hai đối tượng Văn và Đức đi xe gắn máy từ Q.10 đến trước quán nhậu Sông Tân (đường Lâm Văn Bền, KP.4, P.Tân Kiểng, Q.7).

Sau đó, Văn ở bên ngoài chờ, Đức chạy thẳng xe vào quán gây chuyện với người quản lý, mục đích là gây chú, lôi kéo bảo vệ ở bãi giữ xe đến giải quyết. Tranh thủ lúc này Văn đột nhập bãi xe, dùng đoản phá khoá và dắt ra ngoài 1 xe SH của khách.

Tang vật công an thu giữ và thiết bị phá sóng định vị. (Ảnh: Vietnamnet)

Trong lúc thực hiện hành vi, bất ngờ lực lượng trinh sát ập đến. Đối tượng Đức bị trinh sát khống chế, bắt giữ tại chỗ. Riêng đối tượng Văn bỏ xe SH đang trộm tháo chạy. 

Văn chạy vào nhà dân lấy dao dùng làm hung khí, uy hiếp 1 người đi đường hòng cướp xe tẩu thoát. Tuy nhiên, Văn đã bị các trinh sát nhanh chóng bao vây, tước hung khí và bắt giữ.
 
Tang vật được lực lượng chức năng thu giữ gồm: 1 xe gắn máy dùng làm phương tiện gây án, 1 con dao bấm dài 25cm, nhiều đoản khoá. Đặc biệt có 1 thiết bị phá sóng định vị, dùng để đối phó với cơ quan điều tra…
Nguyễn Quang Ngọc Đức (trái) và Đàm Đạt Vân (phải) tại công an. (Ảnh: Vietnamnet)

Bước đầu Văn, Đức khai nhận cùng đồng bọn gây ra nhiều vụ dàn cảnh để trộm xe. Hiện tại chúng chỉ nhớ chính xác được 10 vụ, trong đó có 5 vụ trên địa bàn Q.7. Tài sản nhắm đến của băng trộm là xe SH, PCX…sau đó bán lại cho các đầu mối tiêu thụ là 30 – 50 triệu đồng/chiếc.

Được biết, các thiết bị phá sóng GPS được bán với giá chỉ từ 1,2-1,8 triệu đồng, có hình dạng như một chiếc máy bộ đàm cầm tay. Được mô tả là sử dụng đơn giản và dễ dàng; tín hiệu gây nhiễu từ các thiết bị này sẽ ngăn chặn bất kỳ tín hiệu GPS trong vòng 10-15 m.

Chỉ cần cắm vào tẩu sạc 12V trên ô tô, chuyển đổi, thiết bị sẽ chặn ngay lập tức việc tiếp nhận GPS và “cấm” tất cả các thiết bị GPS cho phép theo dõi vị trí hiện tại của người dùng.

Còn các thiết bị phá sóng điện thoại, 3G có đường kính phá sóng từ 10-40 m, công suất 10 W, có điều khiển từ xa, điều chỉnh được công suất phát, cho phép điều khiển từng kênh riêng biệt. Các thiết bị này có thể phá sóng điện thoại các nhà mạng, có thể phá cả sóng WiFi, 3G… có điều khiển tắt mở từ xa qua remote rất kín đáo.

Trao đổi với báo Giao Thông, ông Đỗ Công Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải – Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải – GTVT), cho biết đã nhiều địa phương phản ánh có chuyện doanh nghiệp (DN) đặt thiết bị phá sóng đường truyền GPS của hộp đen.

“Việc này sẽ khiến công tác theo dõi vị trí xe đang chạy trên đường bị gián đoạn và không thể đưa ra số liệu về tốc độ xe chạy trên đường để có căn cứ xử phạt”, ông Thủy nói.

Cũng theo ông Thủy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có cảnh báo tới các sở GTVT và DN kinh doanh vận tải ô tô để theo dõi, giám sát tình trạng trên để có hướng xử lý.

“Việc truyền dữ liệu từ DN tới sở GTVT và về Tổng cục Đường bộ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ đường truyền. Tuy nhiên, các trường hợp ô tô bị gián đoạn thông tin bất thường trên các thiết bị hộp đen hoặc hộp đen không lưu trữ đầy đủ thông tin để báo về các sở sẽ bị xem xét xử phạt theo lỗi TBGSHT không trích xuất đầy đủ thông tin”, ông Thủy nói.

Ông Thủy cho biết thêm, Tổng cục Đường bộ vừa đề nghị các sở GTVT tiếp tục đôn đốc các đơn vị vận tải có phương tiện chưa truyền dữ liệu phải liên hệ với các đơn vị lắp đặt TBGSHT để yêu cầu truyền dữ liệu về tổng cục theo quy định.

Riêng đối với các nhà cung cấp TBGSHT cố tình không truyền dữ liệu hoặc không đủ năng lực để truyền dữ liệu, đề nghị các sở, các đơn vị vận tải có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ để báo cáo Bộ GTVT có biện pháp xử lý kịp thời.

Hoàng Minh (TH)