Cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính (Chương Mỹ, Hà Nội) đang dần hoai mục, trước đây có giá lên tới cả trăm tỷ nhưng nay chỉ được định giá 50 tỷ. Theo giới kinh doanh, sở dĩ giá gỗ sưa không cao như trước một phần do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường giảm.

Cây sưa đỏ quý hiếm nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Phúc ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có tuổi đời khoảng 130 năm. Cây cao khoảng 8 m, đường kính gốc gần 1 m. Phần gốc cây qua thời gian đã xuất hiện nhiều vết nứt, dọc phần nhánh cây bị cắt gần như khô và bong tróc vỏ.

Năm 2010, một trong hai nhánh cây lớn bị gãy đổ và được người dân khai thác, bán đấu giá hơn 31 tỷ đồng. Trận bão năm 2013 làm phần nhánh còn lại bị đổ ngã, kẻ xấu lợi dụng để cưa trộm. Dân làng Phụ Chính đã góp tiền mua sắt, dây thép gai bao quanh thân cây và cắt cử người trông nom.

ban cay sua do tram ty o ha noi nguoi dan dinh gia lai bau vat cua lang
Mối mọt tấn công cây sưa đỏ, thân cây đang bị hủy hoại từng ngày. (Ảnh: VnExpress)

Ông Nguyễn Xuân Ngợi (76 tuổi) – Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Phụ Chính trao đổi với Zing, mấy năm trước, cây sưa từng được trả giá 26 triệu/kg, tương đương trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, nay chỉ khoảng 12 triệu đồng/kg, khoảng 50 tỷ.

Theo ông Ngợi, phần gốc cây đã hoai mục, nếu mưa gió ngấm dần bên trong thì không lâu nữa có thể mục rỗng, hư hỏng rồi chết dần. Người dân nhiều lần xin chính quyền cho phép bán cây để có nguồn kinh phí tu bổ chùa và xây các công trình phúc lợi. Nhưng mới đây họ chỉ nhận thông tin hướng dẫn trình tự các thủ tục để khai thác và sử dụng số gỗ sưa này.

ban cay sua do tram ty o ha noi nguoi dan dinh gia lai bau vat cua lang
Hai cây sưa trong khuôn viên chùa thôn Phụ Chính. (Ảnh: VnExpress)

Ngoài cây sưa đỏ trên, khuôn viên chùa còn có cây sưa cao chừng 10 m, đường kính hơn 60 cm, cũng được nhiều người hỏi mua.

Hiện nay, mức độ khai thác để làm ra các sản phẩm từ gỗ sưa được ưa chuộng như: tượng Phật, lộc bình, thần tài, đồ nội thất… khiến cây cổ thụ trong tự nhiên không nhiều. Những cây gỗ sưa cổ thụ như ở thôn Phụ Chính còn rất ít nên được bảo vệ nghiêm ngặt.

ban cay sua do tram ty o ha noi nguoi dan dinh gia lai bau vat cua lang
Để tránh mất trộm, người dân phải quấn dây thép bảo vệ cây sưa đỏ. (Ảnh: Dân Trí)

Ông Nguyễn Văn Hùy – đại gia gỗ ở Đồng Kỵ từng chi 26 tỷ để sở hữu cây sưa 200 năm tuổi ở Thuận Thành (Bắc Ninh) cho Báo Dân Trí biết, gỗ sưa có giá đắt đỏ vì có vân đẹp, không bị mối mọt, lại có mùi hương vĩnh hằng nên có thể tránh tà ma, xua đuổi bệnh tật.

“Chính vì ý nghĩa đó mà ngày nay gỗ sưa cũng được các đại gia Trung Quốc ráo riết săn lùng. Tuy nhiên, một cây gỗ sưa phải mất hàng chục, hàng trăm năm mới có giá trị sử dụng. Do mức độ ít ỏi, quý hiếm nên gỗ sưa có giá rất cao, một cây gỗ cổ thụ có thể được trả giá cả chục tỷ đồng”, ông Hùy nói.

Cách đây khoảng 5-6 năm, một kg gỗ sưa có giá 30 triệu, cả cây có thể lên tới cả trăm tỷ đồng. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ giảm nên giá gỗ sưa cũng không cao như trước. Một kg gỗ sưa tốt giờ chỉ có giá khoảng 10-12 triệu, nhưng vẫn đứng đầu danh sách đắt đỏ bậc nhất và là loại gỗ vương giả được các đại gia săn lùng.

ban cay sua do tram ty o ha noi nguoi dan dinh gia lai bau vat cua lang
Vườn sưa đỏ trong công viên Bách Thảo. (Ảnh: Dân Trí)

Trong khi đó, TS Nguyễn Tiến Hiệp – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam cho rằng, gỗ sưa có chất lượng tốt, đường vân đẹp, mùi thơm tự nhiên nên được định giá cao, cấm khai thác. Sưa đỏ có giá trị cao hơn sưa trắng nhờ màu gỗ và hương thơm. Gỗ sưa đỏ có vân 4 mặt, mùi thơm thoảng như hương trầm, trong khi sưa trắng chỉ có vân hai mặt và không có mùi thơm.

Có thông tin cho rằng, sưa đỏ là loại thuốc quý, theo TS Hiệp hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về công dụng này. “Loại gỗ này được cho là có giá trị về mặt tâm linh nên thường được sử dụng để làm đồ thờ cúng, phong thủy. Tuy nhiên thực hư những ý nghĩa này ra sao thì vẫn chưa có lời giải chính xác”, ông Hiệp cho hay.

Hoa Liên (Tổng hợp)