Những lời nói ngây ngô của trẻ ở nơi công cộng đôi lúc làm cha mẹ rơi vào tình huống lúng túng khó xử. Thay vì đánh mắng chúng ta cần có biện pháp uốn nắn, định hướng hành vi đúng đắn cho trẻ.
Cha mẹ nào cũng dạy con phải thật thà nhưng trong nhiều tình huống, những lời “thật như đếm” của trẻ có thể trở thành vô lễ, bất lịch sự ở nơi công cộng.
Trẻ ở độ tuổi mầm non có xu hướng hành xử theo bản năng hơn là tư duy. Nhiều trường hợp, trẻ không tự ý thức được hành vi của mình đúng hay sai mà chỉ nói, hành động theo những gì bản thân muốn. Có 3 phương pháp cha mẹ có thể áp dụng để xử lý tình huống này.
Bài học về “lời cảm ơn”
Trong ngày sinh nhật, trẻ hào hứng với quà tặng nhưng khi mở ra tỏ vẻ thất vọng và thốt lên “Con có cái này rồi!”. Cha mẹ cần làm gì trong tình huống xấu hổ trước mặt khách như thế này?
Dù đang rất cáu và bực bội, chúng ta cố giữ sự bình tĩnh với trẻ. Việc trách mắng chúng để giữ hình ảnh cha mẹ trong mắt mọi người rằng “Tôi là một người biết dạy con” nhưng hành động này không giúp cho trẻ nhận ra vấn đề. Trẻ cần được học cách cảm ơn khi được nhận quà từ mọi người, bất kể có hay chưa, thích hay không vẫn nên nói lời cảm ơn.
Rèn luyện kỹ năng nhận quà cho trẻ ở nhà bằng cách chơi trò đóng vai khá hiệu quả. Cha mẹ và trẻ có thể luân phiên vào vai cho và nhận thông qua các vật dụng trong gia đình. Trẻ cũng cần học cảm ơn khi được cha mẹ chuẩn lấy cơm cho ăn và kể chuyện. Chính cha mẹ cũng phải cảm ơn trẻ khi nhờ chúng làm những việc nhỏ. Trẻ được tự trải nghiệm niềm vui khi nghe lời cảm ơn sẽ học được cách trân trọng mọi thứ được nhận trong đời.
Rèn luyện sự nhạy cảm
Những nhận xét, đánh giá hồn nhiên của trẻ dễ khiến người nghe tức giận, phật lòng. Song trẻ sẽ không thể nào hiểu tại sao mình bị đánh mắng trong khi chỉ nói thật, tại sao cha mẹ lại nổi giận khi bình thường chính cha mẹ dạy trẻ phải thật thà. Sự nóng giận của phụ huynh trong hoàn cảnh này chỉ khiến mọi việc trở nên tệ hơn.
Cha mẹ có thể thiết lập giao ước với trẻ, cùng thống nhất một ký hiệu đặc biệt để chúng ra dấu trước khi có điều muốn nói. Khi ra ngoài trẻ chú ý tới ngoại hình hay hành động của bất cứ ai và muốn nói gì đó, hãy làm ký hiệu cho cha mẹ biết, giữ tất cả những lời ấy trong đầu và có thể về nhà kể lại sau.
Cách rèn luyện này không chỉ giúp hạn chế tối đa những lần “lỡ lời” ở trẻ. Bên cạnh đó, khi cha mẹ còn có thể cùng phân tích cho trẻ biết lời nào nên nói và không nên nói.
“Hãy lắng nghe chính mình”
Lời khuyên dành cho chính cha mẹ, hãy đối diện với sự thật, không ai trong có thể kiểm soát hết được những lời thốt ra từ miệng trẻ. Chỉ bản thân có thể làm chủ được lời nói của chính mình.
Trẻ em vô cùng nhạy cảm, chúng quan sát nhanh mọi thứ xung quanh và bắt chước hành vi, thái độ người lớn. Cha mẹ cần cẩn trọng ngôn ngữ của chính mình, tránh việc trẻ bị “nhiễm” những lời nói không hay.
Trẻ nói lời bất lịch sự có thể nghe lỏm được và học theo từ người lớn. Cha mẹ luôn là tấm gương phản chiếu rõ nhất cho con. Vì vậy, muốn uốn nắn con nên người, tự mỗi bậc phụ huynh cần điều chỉnh lối sống, hành vi, lời nói của chính mình.
Minh Lan