Tình yêu thương có thể giúp con người làm nên những điều thật kỳ diệu, giống như câu chuyện của ông lão dưới đây.
Ông Chanjae Lee là người gốc Hàn Quốc hiện đang sinh sống tại Brazil, năm nay ông 75 tuổi và nổi tiếng là một ông già khó tính.
Ông khá khắt khe với người xung quanh, tuy vậy, ông lại cực kỳ yêu quý và “chiều” những đứa cháu mình. Ông sẵn sàng bỏ thời gian để đưa đón hai cháu Arthur và Allan đến trường và về nhà mỗi ngày, đối với ông đó là một công việc vô cùng quen thuộc và ấm áp.
Nhưng vào một ngày, gia đình của con ông quyết định chuyển trở về Hàn Quốc sinh sống và sau đó khi anh Ji kiếm được một công việc thiết kế ở New York, gia đình con trai ông lại chuyển đến New York sinh sống. Như vậy, ông Chanjae Lee đành ở lại Brazil mà không có con cháu bên cạnh.
Biết bố sẽ buồn khi xa bọn trẻ, anh Ji con trai ông Chanjae Lee không đành lòng và muốn nghĩ ra một cách gì để bố có thể khuây khỏa thay vì cả ngày ngồi xem truyền hình Hàn Quốc.
Ngồi nghĩ rất lâu anh mới chợt nhớ ra lúc anh còn bé, bố anh thường vẽ cho anh những bức tranh để chơi cùng anh. Vậy là anh quyết định trình bày ý tưởng này với ông Chanjae Lee, giúp ông tìm lại được tình yêu hội họa và gửi những bức tranh đó cho cháu mình trên Instagram như là một lời nhắn gửi yêu thương tới bọn trẻ dù cho ông ở bất cứ nơi đâu.
Vốn là “một lão già khó tính”, ông Chanjae Lee rất ghét công nghệ nên khi nghe anh Ji nói đến việc phải sử dụng điện thoại, ông không thích chút nào. Với ông điện thoại chỉ có thể nghe và gọi chứ không thể có chức năng tiện lợi như anh Ji nói. Vì vậy, ông không muốn tìm hiểu kĩ hơn về chúng và thực hiện theo yêu cầu của anh Ji.
Tuy nhiên, vợ ông Chanjae Lee lại khá am hiểu thiết bị công nghệ, do đó bà nói sẽ giúp ông đăng hình vẽ lên Instagram để các cháu ông có thể xem. Cuối cùng, ông Chanjae cũng bị thuyết phục, ông quyết định làm theo kế hoạch của bà.
Vậy là ở cái tuổi 75, ông lại bắt đầu dùng giấy bút và màu vẽ để tìm lại niềm đam mê bấy lâu, nhưng thực chất là để giữ sợi dây kết nối với hai đứa cháu nhỏ. Tuổi tác cao khiến tay ông run run và mắt ông không còn tinh như xưa khi vẽ tranh, nên đã rất vất vả để ông có thể hoàn thiện một tác phẩm. Nhưng sau khi hoàn thành mỗi bức tranh, ông được thông báo rằng các con và cháu ông rất thích chúng, thậm chí chúng còn in tranh ra để treo lên khắp phòng, điều đó đã truyền cho ông một động lực to lớn.
Không những thế, ông còn bán những bức tranh của mình để góp tiền mua vé đi thăm gia đình con trai tại New York – nơi cách Brazil khoảng 7000 cây số. Một thời gian sau, vợ anh Ji hạ sinh một đứa bé nữa, ông và vợ đã “có lý do chính đáng” để mua vé đến tận nơi thăm con cháu của mình.
Khi ông và vợ đến thăm đứa cháu mới ra đời – bé Astro con anh Ji tại New York. Ông nhận ra rằng hai đứa cháu nhỏ của ông vẫn yêu thương và quấn quít với ông như ngày nào. Ông nhận ra chính những bức tranh mà ông vẽ bao lâu nay đã gắn kết tình yêu thương với những đứa cháu đáng yêu của mình, mặc cho khoảng cách địa lý khiến cho 3 ông cháu không thể ngày ngày gặp nhau, và ngay cả nếu một ngày ông rời khỏi thế giới này…
Tình yêu ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho ông, làm cho ông trở nên “dễ tính” hơn, và trở thành niềm vui của ông khi về già. Những đứa trẻ là nguồn cảm hứng, làm sống dậy những đam mê hội họa của ông để mỗi ngày ông sáng tác một bức tranh thật đẹp gửi tặng chúng. Không chỉ khiến cháu mình hạnh phúc, ông còn kiếm được một khoản tiền “kha khá” đủ để trả chi phí đi lại thăm nom bọn trẻ cho nguôi ngoai nỗi nhớ.
Cuộc sống hiện đại ngày nay có thể khiến tình cảm gia đình bị quên lãng, khiến những mối quan hệ bị rạn nứt, nhưng với tình yêu thương chân thành, chúng ta có thể tạo nên những hàn gắn và mối liên kết bền vững với người thân. Những thiết bị hiện đại, nếu được dùng đúng cách, cũng có thể trở thành công cụ kết nối hữu ích giữa người với người. Và cho dù có đi xa đến đâu, trưởng thành nhanh đến mức nào, chúng ta cũng đừng bao giờ quên ông bà cha mẹ mình – những người khi về già chẳng có một niềm vui nào lớn hơn là được ở gần con cháu…
Theo littlethings.com
Nhã Thanh
Xem thêm: