Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.
Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.
Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.
- Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI
***
Hà Nội mùa này gió may heo hút thổi từ sớm tinh mơ, những hạt mưa rơi rả rích bên khung cửa từ đêm trước khiến mặt đường loang loáng những vũng vệt. Khi bầu trời còn được bao phủ bởi lớp màn đêm mờ trong sương sớm, con phố vẫn thưa thớt người qua lại, cái lạnh khiến người ta bất giác: Thu đã đến rồi. Thu đến khiến bước chân người dường như cũng chẳng thể vội vã. Bước qua con hẻm ướt át để rồi đợi chờ một cuộc hẹn: Gặp gỡ cô bạn Mai Châu của Tây Bắc đại ngàn rộng lớn.
Tạm biệt miền xuôi, con đường số 6 đưa Hạ Mi và những người bạn trở lên miền ngược như dải lụa trắng mềm mại ôm lấy những ngọn đồi xanh ngắt rồi dừng lại trước chân đèo Thung Khe, sương mây và khói trắng trộn hòa lưng chừng núi xanh lấp lửng. Đứng trước không gian mênh mang nhìn xuống bình nguyên Ba Khan từng tầng từng bậc được chia cắt bởi những mảnh hình vuông nâu xanh xếp xen kẽ, mới biết mình đang đứng ở một nơi rất cao. Mây trắng bồng bềnh bao phủ khắp không gian khiến người ta cảm giác như đang chạm được cả bầu trời và mặt đất.
Hạ Mi chưa từng gặp Mai Châu, chỉ nghe mọi người kể rằng bạn ấy rất đẹp. Vẻ đẹp của cô thiếu nữ dịu dàng, mơ mộng và căng tràn nhựa sống của thanh xuân tươi trẻ. Dù đã chuẩn bị trước tâm thế, nhưng phải nói thật rằng khi gặp Mai Châu, Hạ Mi vẫn không khỏi ngạc nhiên trước nét đẹp hiền hòa và dung dị của cô gái này. Giữa núi rừng hùng vĩ, Mai Châu thật sự là nàng thơ khiến bao bước chân du khách lữ hành chậm lại.
Mai Châu là thung lũng nhỏ nằm nép mình dưới chân những ngọn núi đá trập trùng, cách Hà Nội khoảng 130 km, nức tiếng du khách gần xa bởi khung cảnh thanh bình và mơ màng của núi rừng Tây Bắc. Từ trên cao có thể thấy xa xa phía dưới kia là:
“Bản Lác sương giăng núi tiếp đèo
Thì thầm nước chảy suối trong veo
Sườn non xanh ngắt ngàn khe trúc”
(Bản Lác – Đình Bắc)
Đến Mai Châu đúng lúc Mặt trời đã chếch bóng, khi người dân đang giờ chợp mắt giấc trưa, bản Lác đón Hạ Mi và những người bạn bằng mẻ kháu lam mới. “Kháu lam” dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “cơm nướng” mà mọi người vẫn thường gọi là cơm lam.
Cơm lam là một trong những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc vùng núi Tây Bắc. Hạ Mi nghe một cụ trong làng kể rằng: “Ngày xưa đi làm trên nương cách xa nhà lắm, nên phải mang theo gạo. Lên rừng kiếm ống nứa, khi đói ra suối lấy nước ngâm gạo, gom củi rừng vào nướng là có mẻ cơm nếp ngon, gạo nếp ăn lâu chắc bụng nên làm đến chiều muộn vẫn chưa thấy đói”.
Trước nướng cơm chỉ mong có cơm ăn no bụng, nay để thưởng thức cơm lam ngon, người Thái đều biết phải chọn loại nứa non, nếp trồng trên nương là loại nếp dẻo thơm. Mỗi mẻ cơm lam thường được nướng trong 4 tiếng đồng hồ. Để có được mẻ cơm lam sớm bán cho khách, cụ Mường phải chặt nứa, ngâm gạo, cuộn ống lá chuối từ chiều hôm trước. Đợi đến 2h đêm thức dậy canh từng ống nứa, bởi nếu muốn có được mẻ cơm lam ngon, người nướng cần phải xoay ống nứa đều tay để ống nứa không bị cháy, gạo bên trong chín đều và rền.
Sau khi cơm chín, để nguội một lát, người ta sẽ đem dóc vỏ, chỉ để lại một lớp vỏ nứa mỏng mới đem ra dùng. Từng dóng cơm lam dẻo thơm chấm muối vừng bùi bùi, ngậy ngậy xua đi cái đói và mệt sau chặng đường chông chênh trên chuyến xe đường dài đúng là phần thưởng quý giá cho Hạ Mi và những người bạn khi đến Mai Châu.
Bản Lác là một trong những điểm dừng chân nổi tiếng tại đây. Người dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Thái sống quây quần trong những nếp nhà sàn san sát. Nhà sàn gỗ ở Mai Châu là nét đẹp văn hóa của người dân tộc Thái, đặc trưng bởi kiến trúc nhà sàn truyền thống – biểu tượng của sự hài hòa giữa đất trời và thiên nhiên. Theo quan niệm số lẻ tượng trưng cho những điều tốt đẹp, sinh sôi may mắn, số chẵn biểu thị sự tĩnh tại, các gian nhà và bậc cầu thang của nhà sàn thường có số lẻ như 5, 7, 9.
Nhà sàn của người Thái có 4 mái, hai mái phẳng hình chữ nhật, hai đầu mái nhỏ cong cong hình cánh quạt tạo hình mai rùa. Kiến trúc mái gắn liền với sự tích xưa Thần Rùa dạy người Thái cách dựng nhà sàn “Hươn mi hạn quản mí xau”, tức là “Nhà có gác, sàn có cột” và phải nhớ “Khau cút hình hoa sen, kèo chính hình đuôi én, mái xén đuôi bằng”.
Nhà sàn có đẹp hay không một phần quyết định bởi chiếc mái, mái nhà sàn của người Thái thường được lợp bằng cỏ gianh. Ngày xưa, khi bếp Mai Châu còn thắp lửa trong mỗi căn nhà sàn, cỏ gianh gặp khói sẽ giữ được độ bền tốt hơn, trung bình khoảng 20 năm. Giờ đây số lượng khách du lịch đến đông, bếp than hồng chuyển qua thành bếp ga, nên mái nhà gianh cũng mau xuống cấp hơn và nhiều nhà cũng chuyển qua lợp bằng mái ngói hoặc fibro-ximang.
Nhà sàn ở Mai Châu đa phần đều được người dân tự dựng mà không cần phải thuê thợ. Căn nhà sàn của mới được vợ chồng chị Hà Chung tự dựng trong 3 tháng, đôi khi nhờ hàng xóm đến giúp nhưng không phải thuê thợ. Người Thái rất đa tài, mỗi người dân đều là một người thợ. Với lối sống ít họp chợ, các gia đình đều tự sản xuất những sản phẩm cần thiết phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Từ lúc tuổi mới trưởng thành, con trai người Thái phải tập chặt dao, đan lát, cày bừa, kéo mộc… Vậy nên, người Thái qua bao đời đã đúc kết nên câu ca: “Nhinh dệt phai, chai xan he” có nghĩa rằng: “Gái dệt vải, trai đan chài”.
Hạ Mi nghe mấy cô mấy chị trong bản kể từ lúc khoảng 6 đến 7 tuổi, con gái Thái đã được mẹ dạy cách đan vòng tay. Lớn chút nữa khoảng 13, 14 tuổi, khi có thể ngồi vừa khung cửi sẽ được làm quen với công việc thêu thùa. Bài học đầu tiên là học thêu khăn piêu. Chiếc khăn piêu đối với các cô gái Thái không chỉ là chiếc khăn đội đầu đơn thuần, bởi qua chiếc khăn piêu người Thái có thể biết người sở hữu nó là người như nào: Cô ấy là người khéo tay hay vụng về, là người chỉn chu hay xộc xệch, là người chăm chỉ hay lười nhác…
“Em xe sợi vóc hoa dâu
Em dệt cửi thành gấm vân chéo
Em dệt tơ thành đóa hoa vàng
Người các bản các phường muốn khóc
Đều ước ao được em thêu khăn”
(Trích dân ca Thái)
Câu ca vui vẻ gửi trong đó niềm vui và hạnh phúc của người con gái Thái khi ngồi đan những chiếc khăn piêu làm quà tặng khách, tặng bạn. Học thêu khăn piêu thật sự là một quá trình rèn luyện sự khéo léo và hiểu biết về các họa tiết hoa văn thổ cẩm. Đó cũng trở thành tiền đề cho những bài học sau này như dệt chăn, dệt gối hay may áo cóm, váy thâm làm trang phục hàng ngày hoặc tham gia lễ hội.
Thổ cẩm của người Thái được se từ sợi bông tự nhiên. Cách nhuộm vải truyền thống bằng màu tự nhiên được xem là bí quyết làm nên vẻ đẹp riêng biệt của thổ cẩm nơi rẻo cao này. Ví như cỏ ngọt sẽ cho màu xanh nhạt của lá, lõi cây mít sẽ cho màu vàng sượm của hoa, hoa hòe sẽ cho màu hồng nhạt hoặc cánh kiến, hoa hiên sẽ cho màu đỏ và coóng cằm se cho màu tím rịm như hoa sim trên đồi.
Mỗi loại nguyên liệu lấy về sẽ được cho vào nước đun trên bếp củi, tùy vào lượng nước mà màu cho ra sẽ đậm nhạt theo mong muốn. Sau khi nhuộm xong, sợi chỉ sẽ được đem phơi khô sau đó đưa vào vòng quay se sợi. Mỗi cô gái Thái trước khi về nhà chồng đều đã phải thành thạo việc đan chiếu, dệt chăn, dệt gối để tự may quà về biếu bên nhà chồng.
Nghệ thuật trang trí của người Thái Tây Bắc rất phong phú và độc đáo, trên mỗi sản phẩm, Thiên nhiên trở thành mẫu hình trung tâm cho mọi tác phẩm và ý tưởng sáng tạo: Những đường viền hình thoi quả trám, những thác nước tung bọt trắng xóa hay những chùm hoa ban nở,…
Dù tiếc rằng không được đến Mai Châu vào dịp cánh đồng lúa vàng đượm sắc, hoa ban nở trắng cả một vùng đồi hay hoàng hôn rực nắng từ cánh rừng xa nhưng nhờ vậy mà người ta lại phát hiện thấy một Mai Châu rất khác. Đó là vẻ bình lặng, xa xăm pha trộn giữa Tây Bắc đại ngàn rộng lớn hòa cùng vẻ đẹp mơn man của những mảnh lúa non xanh của vùng đồng bằng châu thổ – Một Mai Châu dung dị hiền lành qua màu khói lam chiều trên nóc nhà tranh bên kia chân đồi.
Sau chuyến đi dạo quanh các bản, cũng là khi ánh đèn thắp sáng bên mỗi ô cửa sổ nhà sàn, tiếng quây quần vui vẻ của du khách và người dân trong bản, những cô gái Thái với làn da trắng mịn tôn lên vẻ đẹp của chiếc áo cộc, váy thâm điệu đà, đôi môi hồng mấp máy lời ca: “Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ?”
Chẳng ai biết chắc được điệu xòe của người Thái có từ bao giờ và có nguồn gốc từ đâu, chỉ biết rằng:
“Không xòe lúa không trổ bông
Không xòe cây ngô không dài bắp
Không xòe trai gái không thành đôi”.
Không giống như cách người Mông lên chợ tình tìm bạn đời, những chàng trai cô gái Thái xem múa xòe lá cái cớ để được giao lưu, gặp gỡ, để tìm niềm vui và người tình tri kỷ. Từ bao đời nay vẫn thế, họ vẫn ca hát, thổi khèn và nhảy múa trên những điệu sạp xập xình đều chân, vòng quanh bên những đống lửa tiến lên lùi xuống nhịp nhàng trong những vũ điệu “đổn hôn” để nhớ rằng dù vạn vật có xoay chuyển, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng “tình người Tây Bắc” vẫn nồng hậu và tròn đầy.
Sau giấc mơ đêm dài, Mai Châu thức giấc khi quỳnh hương và hương lan rừng vẫn còn man mác trong cơn gió thu se lạnh, những vị khách vẫn đang say giấc nồng bên chén rượu cần Mai Hạ, tiếng chim sơn ca véo von từ phía cánh rừng xa, bác nông dân tranh thủ lúc sớm ra đồng thăm lúa, màu khói lam thơm nồng trong góc bếp nhà ai đang nướng mẻ cơm lam dở. Đứng giữa mênh mang của đất trời, trước núi đồi hùng vĩ bạt ngàn, người ta lại muốn hít trọn cái không khí trong lành vào ngực phổi để rồi nói lời “Chuộn mớ nơ” (Tạm biệt).
Tây Bắc trong kí ức của Hạ Mi nhiều năm về trước là đôi mắt ngơ ngác và trái má ửng hồng của cậu em người dân tộc H’mông theo mẹ ra thác nước giặt đồ buổi chiều đông muộn khi đôi bàn tay và đôi chân nhỏ của em đã tím tái, em không có quần để mặc cũng không có đôi dép nào để xỏ tạm vào chân, chỉ có chiếc áo mẹ dệt đã sờn chỉ cộc tới rốn. Nhưng lần gặp Mai Châu này, Tây Bắc dường như đã đổi khác, ở đây có no ấm và đủ đầy, có tiếng cười và hạnh phúc, có cả niềm vui của những mẻ cơm lam chiều bán được cho những vị khách từ Tây phương xa xôi ghé thăm. Một hồi ức đẹp.
Chuộn-mớ-nơ Mai Châu… (Gặp lại sau nhé Mai Châu)
Trái Đất, năm Mậu Tuất, tháng Canh Thân, ngày Quý Mùi
Hạ Mi