Đã bao giờ giữa dòng đời, bạn chợt dừng lại và tự hỏi: “Tại sao mình thấy mệt mỏi đến vậy?” hay “Mình phải làm gì đây?” Bạn bế tắc, cảm thấy cuộc sống như một vòng tuần hoàn không lối thoát, và bạn chẳng thể làm gì ngoài việc bị động hứng chịu. Ấy là vì, bạn không hiểu được bản thân mình.

Hiểu bản thân mình là gì?

Đó là khả năng nghĩ về bản thân: Điểm mạnh, điểm yếu và các mối quan hệ xung quanh. Nó rất quan trọng, bởi vì suy nghĩ quyết định hành động và hành động quyết định kết quả. Nói cách khác, tất cả những vấn đề xảy ra trong cuộc sống của chúng ta đều bị chi phối bởi cách suy nghĩ của bản thân mình. Có điều, rất ít người chịu dừng bước và tự vấn về những gì họ nghĩ, cách họ nghĩ và vì sao họ phải nghĩ về những điều như vậy.

Hiện nay, rất nhiều công ty sử dụng những bài trắc nghiệm tính cách là một phần của quá trình tuyển dụng. Những bài trắc nghiệm này đều được tổng hợp từ rất nhiều nghiên cứu về tâm lý học, nhằm tìm ra điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách của từng ứng viên để xác định xem họ có phù hợp với môi trường hay không.

Ảnh dẫn qua vietmas.com

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Điểm mạnh và điểm yếu không quan trọng bằng cách tư duy của chúng ta, bởi vì, chỉ khi thay đổi tư duy, ta mới thấu hiểu được bản thân mình. Thực ra, thấu hiểu bản thân không hề đơn giản, vì chúng ta thường có xu hướng chối bỏ chính bản thân mình. Vậy đấy, việc chúng ta không hiểu bản thân mình xuất phát từ chỗ, chúng ta có xu hướng tự dối lòng, tự che lấp đi sự thật.

Chúng ta có xu hướng tự dối lòng. Ảnh dẫn qua Imgur.com

Bạn có thể cảm thấy điều này dường như không đúng với mình, nhưng thực tế thì bản chất tư duy của chúng ta là không muốn nhìn vào sự thật trần trụi, nhất là khi nó mang tính tiêu cực. Ta thường chôn chặt chúng trong lòng, lảng tránh chúng trong vô thức. Vì xét cho cùng, khi thấu hiểu được bản thân, bạn có thể chẳng thích cái người mà mình vừa thấu hiểu nữa.

Sự thật thường mất lòng – thế nên đa số không muốn đối mặt với nó. Với một sự thật trần trụi, chúng ta thường chối bỏ, hoặc tìm lấy một lý do để đổ lỗi hòng giảm bớt đi cảm giác “sai trái” đó.

Giáo sư kinh tế Richard S. Tedlow từng nói: “Cảm giác tạo ra một thông điệp sai sự thật để chống chế cho một sự thật trần trụi thực sự rất mãnh liệt”.

Thấu hiểu bản thân là chấp nhận sự thật và các chỉ trích.

                              (Richard S. Tedlow)

Nói thì dễ nhưng thực hiện thì khó, bởi vì hầu hết chúng ta đều có một cái “Tôi” quá lớn: Trong gia đình thì vợ chồng không nhường nhịn nhau; ai cũng muốn phải là nhất; ai cũng muốn được tôn trọng, rồi sinh ra cãi cọ, thậm chí bỏ nhau. Trong công ty thì nghĩ mình quan trọng, có năng lực, không có mình thì công ty sẽ gặp khó khăn…

Thế nhưng, thực tế hoàn toàn trái lại, thiếu đi một cá nhân, một tập thể hay thậm chí là toàn bộ nhân loại đi chăng nữa thì trái đất vẫn quay và vũ trụ vẫn vận hành theo quy luật vốn có.

Ảnh dẫn qua newagora.ca

Hơn nữa, cái tôi quá lớn còn sinh ra rất nhiều tật xấu khác như hưởng thụ cá nhân, không kiểm soát được cảm xúc, hành xử theo kiểu mình là “trung tâm của vũ trụ” hoặc chủ quan duy ý chí…

Để thoát khỏi những điều này, ta chỉ có một giải pháp duy nhất: giảm cái “Tôi” xuống. Điều đó không có nghĩa là trở nên tự ti; mà chỉ là giảm suy nghĩ về tầm quan trọng của chính mình, giảm đòi hỏi, giảm kỳ vọng nhưng vẫn hiểu mình đang thực sự ở đâu và mình đáng được hưởng những gì. Thêm nữa, giảm cái “Tôi” sẽ giúp chúng ta luôn ở trạng thái học hỏi người khác, tiếp nhận những ý kiến khó nghe của người khác về mình. Chẳng ai có thể học được thêm bất cứ cái gì khi nghĩ mình đã biết đủ, mình giỏi nhất hay mình là thiên tài.

Chỉ khi chấp nhận sự thật rằng, dù tài giỏi đến đâu, con người cũng chỉ là một bụi trong vũ trụ bao la rộng lớn, ta mới thoát khỏi sự phong bế của cái “Tôi” ích kỷ để thấu hiểu chính mình. Và khi hiểu rõ mình là ai, đang đứng ở vị trí nào, ta mới có được sự thành công lâu dài. Còn nếu không hiểu chính mình thì ta cũng như con thuyền giữa dòng, hằng ngày để cho ngoại cảnh tác động mà thôi.

Chịu trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh

Sau khi đã hiểu bản thân mình một cách rõ ràng, bước tiếp theo để đi đến thành công là bạn cần sống với một thái độ: dám chịu trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh. Mỗi người đều cần xác định cho mình những nguyên tắc sống nằm trong chuẩn mực đạo đức và không bao giờ vi phạm. Chúng giống như kim chỉ nam để ta không đi lạc đường hoặc bị cuốn theo những cám dỗ, cạm bẫy của xã hội. Khi đặt trọng tâm cuộc đời vào những nguyên tắc sống đúng đắn, bạn sẽ làm chủ được cuộc đời mình. Đó cũng là thể hiện của sự trách nhiệm với bản thân.

Đặc biệt, khi biết chịu trách nhiệm với bản thân có nghĩa là ý thức được những hệ luỵ xuất phát từ hành động và thái độ sống của mình, bạn có thể điều khiển mọi thứ xảy đến với mình. Nó cho phép bạn biến những trải nghiệm tiêu cực thành những trải nghiệm cho ta sức mạnh: Những đứa trẻ ngỗ ngược cho ta cơ hội trở thành cha mẹ tốt hơn và dạy chúng về kỷ luật. Bị đuổi việc cho ta cơ hội thử nghiệm những nghề nghiệp mới mà ta luôn mơ ước. Chia tay cho ta cơ hội trưởng thành và biết cách yêu thương người khác hơn…

Hãy biết có trách nhiệm với tất cả những bất hạnh tồi tệ giáng xuống, trách nhiệm với tất cả những bất công đang phải chịu đựng, trách nhiệm ngay cả với lỗi lầm của người khác gây ra cho mình. Bằng cách đó, ta có thể tìm hiểu xem tại sao nghịch cảnh lại xảy ra với mình, có cơ hội để thấu hiểu bản thân hơn, biết được điều gì là tốt và cần phải làm gì tiếp theo.

Thực tế, bạn không thể chỉ một buổi sáng đẹp trời thức dậy, quyết định, “Tôi là một người thành công hạnh phúc!” và sẽ trở thành người như thế. Mọi thứ đều cần phải được tu dưỡng, thử thách và tôi luyện. Và bước đầu tiên bạn cần làm chính là chịu trách nhiệm với bản thân. Thực tế, ta gần như không điều khiển được điều gì xảy đến với mình, nhưng chúng ta luôn có thể điều khiển được cách ta hiểu về mình và cách ta phản ứng lại với ngoại cảnh.

Thực ra, dù nhận ra hay không, chúng ta vẫn luôn phải chịu trách nhiệm cho những trải nghiệm của mình. Dù lựa chọn tích cực hay tiêu cực, cuối cùng ta vẫn phải đối mặt với hệ quả của những lựa chọn đó mà không thể trốn tránh hay đẩy sang cho người khác. Chỉ có điều, khi sẵn sàng chịu trách nhiệm với bản thân về những nghịch cảnh thay vì ngụy biện hay đổ lỗi, chúng ta không còn phải chật vật làm cho thế giới trở nên hòa hợp với nhu cầu của mình, mà ta có thể chủ động thích ứng với mọi hoàn cảnh.

Hiểu Minh