Chị Phượng có lúc nói nửa đùa nửa thật: “Hay em bệnh tật, chẳng giúp được gì, anh hãy đi tìm người khác để hưởng hạnh phúc gia đình”. Anh Liêm nghe liền chọc lại: “Tui nuôi cô hơn 10 năm, bao nhiêu vất vả, khó khăn, giờ nói bỏ là được à”… Người đàn ông ấy thương vợ đánh cược cả tính mạng để sinh con, nên vui vẻ làm tất cả mọi việc để có thể bù đắp, chăm sóc chị những năm tháng bệnh tật.  

Anh Nguyễn Ngọc Liêm (37 tuổi) và chị Nguyễn Thị Kiều Phượng (38 tuổi) sống ở xã Tiêu Thủy (Châu Thành, Bến Tre) đến nay đã có với nhau được một cậu con trai kháu khỉnh. Năm 2007, chị Phượng mang bầu ở tháng thứ bảy thì phát hiện bị suy thận. Các bác sĩ nói tiếp tục giữ em bé sẽ vô cùng nguy hiểm, song chị Phượng không màng tính mạng bản thân, cố gắng giữ gìn để con chào đời khỏe mạnh. Đến tháng thứ tám bác sĩ phải mổ bắt con vì sức khỏe yếu dần. Con ra đời khỏe mạnh, ngoan ngoãn, ít ốm đau, còn chị Phượng trở bệnh nặng hơn, phải nhập viện lọc máu liên tục để đảm bảo sự sống.

Không chỉ mang trong người bệnh trọng, mà 6 tháng nay chị Phượng hết gãy chân lại đến tay, không đi lại được, thành ra một mình anh Liêm vừa phải lo kinh tế, chăm sóc vợ, làm việc nhà. Chị Phượng chia sẻ, trước đây còn giúp chồng được những việc vặt như: quét nhà, cắm cơm, nhặt rau… song giờ chị bất lực, nhìn chồng vất vả mà không giúp được gì. “Thương anh ấy, lúc nào cũng lo lắng cho vợ. Còn tôi, chẳng giúp được gì còn bệnh liên miên, làm khổ chồng con”.

Hơn 10 năm chiến đấu với bệnh tật, chị Phượng nay chỉ còn 30kg, thân hình teo tóp lại, gầy yếu và xanh xao, đi cũng không vững. Hàng nghìn mũi tiêm đưa vào người khiến 2 cánh tay chị nổi lên đầy cục bướu to vì bị áp xe. Vợ mang bệnh trọng khiến cho gia đình anh Liêm kiệt quệ, thường chẳng có nổi xu dính túi. Để có tiền trang trải cho gia đình và tiền thuốc thang kéo dài sự sống của vợ, anh Liêm mưu sinh đủ nghề như đi làm phụ hồ, theo xe đi bốc vác chối, tối tranh thủ chạy xe ôm… Thậm chí, anh phải bán đi cặp nhẫn và chiếc giường cưới lúc túng thiếu. Cuộc sống khó khăn, nhưng người đàn ông này vẫn lạc quan lắm! Nắm đôi bàn tay gầy guộc của vợ, anh động viên: “Em đã đánh cược cả tính mạng để sinh con, thì bây giờ, hãy để anh làm tròn trách nhiệm của người chồng”.

Tài sản của đôi vợ chồng chỉ có chiếc xe máy cà tàng được người quen cho, cứ đều đặn 1 tuần 3 lần, anh Liêm chở vợ vào viện chạy thận. “Lần nào, đến nơi, nhìn bóng dáng cô ấy thấp bé khuất dần sau cánh cửa phòng bệnh, tôi cũng ước, sau khi bước ra, Phượng sẽ thông báo với chồng, bác sĩ nói em khỏe thật rồi”, anh Liêm chia sẻ.

Vợ mắc bệnh hiểm nghèo sau khi sinh con, chồng nguyện "xin bên em đến suốt cuộc đời"
Người vợ trở bệnh nặng, gầy yếu sau sinh, không thể đi lại được, anh Liêm muốn bù đắp, chăm sóc chị để vẹn trách nhiệm có người chồng (ảnh: Vnexpress).

Sợ vợ ở nhà buồn lại suy nghĩ ảnh hưởng đến sức khỏe, nên hằng ngày anh Liêm dậy từ 4h sáng, dọn dẹp, nấu ăn, vệ sinh, xoa bóp cho vợ, bế chị ra ngoài hóng mát, chuẩn bị đồ ăn, nước uống… rồi mới đi làm. Đến trưa, anh tranh thủ nghỉ hơn 1 giờ về nhà đưa con trai đi học, cơm nước cho vợ. Quãng đường từ chỗ làm về nhà khoảng hơn 2km, anh Liêm mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt đỏ ửng vì cái nắng chát chúa, nhưng vừa đến sân vẫn ngọt ngào gọi vợ: “Vợ ơi! Ăn cơm chưa? Anh về rồi nè” để xua tan đi hết mệt nhọc. Còn chị Phượng nghe tiếng chồng gọi muốn đứng dậy pha cho anh ly nước mát, dọn cơm để 2 vợ chồng cùng ăn mà không thể.

Chị Phượng chia sẻ, chăm vợ vất vả nhưng chưa bao giờ chồng kêu than. Cứ thấy vợ mệt lại đấm bóp chân tay, lấy khăn lau mát, pha trò cười. Anh tâm sự, chỉ cầu mong mình có đủ sức khỏe để chăm vợ. “Tôi làm việc vất vả một chút, nhưng nằm xuống là ngủ được. Còn cô ấy, ngủ cũng quằn quại vì những cơn đau…”.

Có lần chị Phượng nói nửa đùa nửa thật: “Hay em bệnh tật, chẳng giúp được gì, anh hãy đi tìm người khác để hưởng hạnh phúc gia đình”. Anh Liêm chọc lại: “Tui nuôi cô hơn 10 năm, bao nhiêu vất vả, khó khăn, giờ nói bỏ là được à”. Vợ chồng họ lại phá lên cười để quên đi nỗi vất vả, khó khăn ở phía trước.

Ngoài chồng chăm lo, chị Phượng thấy mình ấm áp vì gia đình nhà nội cũng luôn dành được sự động viên, chia sẻ. Các cụ bên nội răn con trai, nếu thấy khó khăn quá bỏ vợ thì đừng nhìn mặt bố mẹ. Có được tình yêu thương của gia đình nên chị Phượng cũng lạc quan hơn trong những tháng ngày dài đằng đẵng sống chung với bệnh tật và cùng chồng vượt qua những khó khăn đang chờ phía trước.

Mỹ Duyên