Trà là loại đồ uống đã trở nên phổ biến ở Anh hơn ba thế kỷ trước và hiện nay, gần như cả thế giới đều thưởng thức nó. Đồ uống này thường được gắn với người Anh, bất chấp nguồn gốc Trung Quốc và Ấn Độ của nó. Và bạn có biết tại sao người Anh là những người Châu Âu duy nhất thường trộn trà với sữa?

Đài BBC Radio 4 đã nghiên cứu cách mà trà trở thành niềm đam mê của một quốc gia và kết quả được phát sóng trong “Chương trình Lương thực”. Dưới đây là năm điều thú vị về trà được tiết lộ mà có thể khiến những người am hiểu nhất về trà phải giật mình.

1. Trà là loại đồ uống có cách đây hơn 2.000 năm

Trà bắt đầu được dùng từ năm 200 trước CN. Trong lăng mộ Dương Lăng, nằm ở miền Trung Trung Quốc, đã tìm thấy những dấu tích trông giống như bánh được làm từ lá cây. Sau khi các nhà khoa học phân tích, họ thấy được sự hiện diện của cafein và tenin. Điều này chứng minh rằng đây là lá trà.

Người ta tin rằng trà được chôn cùng người chết để họ được đưa lên thiên đường.

2. Tất cả các loại trà đều có nguồn gốc từ cùng một giống cây

Tất cả các loại trà đều được làm từ một loài cây, đó là Camellia Sinensis.


Hoa trà Camellia Sinensis

Cây trà, Camellia Sinensis, với tất cả các phiên bản khác nhau của nó, được trồng trong khoảng 50 quốc gia, từ Nga tới Arhentina, từ Brazil tới Mozambique. Ấn Độ, Sri Lanka, Kenya và Trung Quốc là những nước sản xuất trà nổi tiếng nhất. Trà gồm có trà xanh, trà đen hoặc trà trắng, trà được lên men hay không, trà được sao hay không.

Trà có thể được làm từ nụ hoặc lá, từ lá còn nguyên hay chỉ là những mảnh lá vụn (với trà chất lượng thấp, điều đó làm cho các túi trà nhỏ rẻ hơn so với trà được bán trong hộp). Số lá được hái trên cành (hai hoặc ba lá) cũng như mùa thu hoạch cũng có vai trò quan trọng trong việc xác định chất lượng của trà.

3. Ở London, trà để ăn

Trà đã được ông Thomas Garraway bán lần đầu tiên tại London vào năm 1657, trong một cửa hàng nằm ở trung tâm thành phố. Lúc ấy, trà được coi là một thứ hàng hóa xa xỉ. Ngoài ra, mua trà được coi là một hành vi khoe mẽ và không phải ai cũng biết nên làm gì với trà.

Có những nguồn sử liệu cho thấy một số người Anh đã ngâm lá trà để ăn, hoặc phết lên bánh mì nướng bơ.

4. Một người Anh đã biến Ấn Độ thành nước xuất khẩu chè lớn nhất

Người Anh đã nhập khẩu trà từ Trung Quốc cho đến thế kỷ XVII, khi xảy ra việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này, dẫn đến đình chỉ thương mại.

Tại thời điểm đó, Công ty Đông Ấn đang kiểm soát toàn bộ thương mại quốc tế về trà, đã thuê Robert Fortune, một huyền thoại về săn lùng các loại trà làm nhân viên. Fortune được giao chuyên về khám phá các giống trà trên thế giới để bán cho tầng lớp quý tộc.

Ông cũng được giao nhiệm vụ buôn lậu cây chè từ Trung Quốc sang Ấn Độ, để bắt đầu một ngành công nghiệp song song ở đất nước này, là thuộc địa của Đế quốc Anh.

Sau khi thực hiện thành công sứ mệnh – đem được khoảng 20.000 cây chè đến Darjeeling –  Fortune đã phát hiện ra, trên thực tế, trà đã phát triển một cách tự nhiên ở Ấn Độ.

Ấn Độ đã trở thành nước xuất khẩu trà lớn nhất nhờ các hoạt động bí mật của Robert Fortune.

Thành phố Madras, Ấn Độ, do Công ty Đông Ấn thành lập. (Hulton Archive)

5. Lý do tại sao người Anh cho sữa vào trà

Khi trà bắt đầu được nhập khẩu từ Ấn Độ vào thế kỷ XVII, chúng bắt đầu thay đổi một số thói quen của người Anh.

Giống trà phổ biến nhất ở Ấn Độ khi đó là một loại được gọi là Camellia Sinensis Assamica.

Trà Assamica là loại trà đen đậm hơn so với trà xanh, vì quá trình oxy hóa làm đen lá trà đồng thời làm mất tông màu hoa và làm cho trà có vị đậm.

Vì vậy, khi người Anh nhận những sản phẩm đầu tiên của loại trà “Buổi sáng Anh quốc” (English Breakfast) có chứa Assamica, một cách tự nhiên, họ đã thêm sữa vào. Ngày nay truyền thống này vẫn tiếp tục.

Ngược lại, ở Châu Âu lục địa, trà có nguồn gốc từ Hà Lan, được nhập khẩu từ Indonesia, thì có hương vị nhẹ hơn và không cần đến sữa.

Đó là lý do tại sao người Anh là những người Châu Âu duy nhất tiếp tục uống trà với sữa.

Xuân Hà biên dịch

Xem thêm: