“Bấy giờ thì dáng ngồi của cha không còn được vững chãi. Hai gối cha run lẩy bẩy và đôi cánh tay gác gối cũng run lẩy bẩy. Hai mắt cha mờ đục, cha không nhìn bằng mắt nữa mà nhìn bằng tim”…

Mỗi sẩm tối, khi mẹ lạch cạch dọn bát đũa rồi bưng mâm ra vại nước ngồi rửa thì cha đứng dậy đi uống nước. Xong rồi vẫn quần cụt, mình trần cha kéo đòn ngồi góc sân nhìn ra. Cha nhìn gì? Ngoài đó là cánh đồng, xa xa là làng xóm tre pheo…

Cha gầy teo tóp, da đen nhăn nheo, lẳng khẳng chân tay, sống lưng gồ lên một đường kéo dài trông rõ từng đốt. Dưới mông chỉ là cái đòn thấp nên trông cha như đang ngồi xổm. Hai chân cha khép gập vào người, hai bàn chân tòe ngón bám chặt xuống nền sân như những rễ cây chui sâu vào đất. Hai cánh tay xương xẩu đặt duỗi thẳng trên hai gối, mắt cha cứ nhìn thẳng dõi mãi về phía chân trời… Dáng điệu như thể cha có thể ngồi thế mãi, ngồi mãi…

Mắt cha cứ nhìn thẳng, dõi mãi về phía chân trời… (ảnh minh họa: Starwow).

Tôi nhớ cái dáng ngồi ấy của cha, cái dáng ngồi cứ găm mãi trong hồn tôi qua bao tháng bao năm.

Cha mất đã mười mấy năm rồi.

Mười mấy năm, bao sự đã đổi thay. Mười mấy năm không còn trên thế gian nên thế sự đổi thay cha không thể biết. Cha không thể biết rằng từ đói nay đã sang no, từ thiếu đã sang đủ, từ rách đã sang lành… Mười mấy năm từ nhà tranh nhiều người đã sang nhà ngói, từ nhà vôi đá sang nhà gạch, từ nhà trệt lên nhà tầng… Mười mấy năm làng đã lên phố, xanh đỏ tím vàng thay cho xám nâu buồn tẻ. Nhưng cũng mười mấy năm cha không thể biết đất nhà rộng rãi nay con cháu đã bán, rừng đã hết cây, núi đã dần hết đá, và suối đã cạn dòng, trong xanh trở nên tanh tưởi và rác bẩn chất đống đầu làng, vương vãi cuối xóm… Mười mấy năm ô tô, xe máy ngập tràn, đường sá dày như mạng nhện và mặt đường không ngày nào không loang máu người. Cái chết luôn rình rập con người trên mọi nẻo đường kiếm miếng cơm manh áo… Mười mấy năm để trai làng xiêu bạt xứ người và con gái từng đoàn dạt vào nhà nghỉ, lấy thân xác mua vui cho những kẻ lắm bạc nhiều tiền.

Mười mấy năm… Hình như cuộc đời sấp ngửa hơn, con người trở nên mưu mô hơn, tham lam hơn, vô cảm hơn và… Khoảng cách giàu nghèo là một hố thẳm khó bề san lấp. Đồng tiền trở thành sức mạnh vô biên, dìm chết lương tâm, coi thường đạo lý…

Cha cứ cứ ngồi như thế, bình lặng như vô tâm, thanh thản mà day dứt.

Cha ngồi trông mưa. Lúa mùa đang trỗ bông, khoai đang làm củ.

Cha ngồi mong tin con. Đứa con đó là anh tôi đang phương trời xa đánh giặc.

Rồi tới ngày tôi cũng lên đường. Nửa đêm gà gáy, chia tay bạn bè trở về, nơi thềm sân, lần này thì nơi thềm sân, tôi bắt gặp dáng ngồi ấy của cha. Cha như hóa đá giữa đêm đen… Cha ngồi canh bát cháo đặt trên mâm gỗ, chờ tôi.

“Sao cha chưa ngủ?” Tôi hỏi mà lòng nghẹn ứ.

“Cha thức để đợi con”. Cha bảo: “Ăn đi con. Ăn rồi còn đi cho kịp”…

Bát cháo cha dành phần con… (ảnh minh họa: Việt Báo).

Bát cháo tôi ăn có vị mặn của sự thương cha. Tôi đã lén gạt nước mắt ra đi. Ra đi, tôi mang theo hình bóng cha với dáng ngồi kiên nhẫn như một gốc cây khô kiên gan trước nắng mưa gió bão. Và từ những nơi xa ngái, từ trong khói lửa đạn bom… tôi biết cha vẫn ngồi như thế mỗi chiều để ngóng tin tôi, để gửi tới phương trời nào đó sự khắc khoải âu lo cho một phần máu thịt của cha.

Rồi cũng tới ngày tôi trở về. Tôi về khi tóc cha đã bạc, da cha đã mồi và chiều chiều cha lại kê đòn ngồi nơi góc sân ngày xưa ấy. Mắt cha hướng về phía cuối đường, nơi mà mẹ theo tàu đi mua đậu mua khoai cứu đói về muộn có thể xuất hiện.

Bấy giờ thì dáng ngồi của cha không còn được vững chãi. Hai gối cha run lẩy bẩy và đôi cánh tay gác gối cũng run lẩy bẩy. Hai mắt cha mờ đục, cha không nhìn bằng mắt nữa mà nhìn bằng tim. Cha hỏi bà đã về chưa, mấy đứa đi học đã về chưa. Cha hỏi bữa chiều nhà còn gạo không. Cha hỏi…..

Suốt cuộc đời cha lo lắng.

Suốt đời cha thắc thỏm…

Thế rồi cha mất.

Gần một thế kỷ cha hiếm hoi những ngày vui. Cha thanh thản ra đi khi đã ngoài tuổi chín mươi.

Cha nằm ngửa, hai chân cha co gập. Tôi thường nhắc rằng cha ơi, cha duỗi chân cho khỏe… Cha như không nghe, hai đầu gối nhọn hoắt cứ vẫn chống lên cho đến lúc tắt thở.

Để đưa thi hài vào áo quan người ta đã phải dùng sức kéo duỗi chân cha. Hóa ra chân cha đã bị co rút… Cha ơi, phải chăng do nhiều ngày trông đợi nên hai chân cha đã quen như thế? Gân chằng kéo níu giữ chân cha đã kiệt khô.

Duỗi thẳng chân ra đi cha ơi, con muốn khi đã yên nghỉ ngàn thu cha không còn phải lo lắng đợi trông gì nữa hết. Dáng ngồi của cha đã tạc giữa đời rồi.

Những ngày thương nhớ cha, tháng 6 năm 2012

Nguyễn Ngọc Lợi

Tiêu đề do ĐKN đặt. Vui lòng đọc bài viết gốc tại đây.

Video xem thêm: Trên thế gian này, người cô độc nhất là cha, được ca tụng ít nhất cũng là cha

videoinfo__video3.dkn.tv||865360c62__