Thời tiết giao mùa và biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, ho lâu ngày, ho khan… Với vài thủ thuật đơn giản giúp bạn yên tâm hơn để chăm sóc con trẻ.
Theo y học cổ truyền có 2 nguyên nhân chính khiến trẻ dễ bị ho: Do ngoại cảm hoặc do âm hư.
1. Ho do ngoại cảm
Biểu hiện: Ho, chảy nước mũi loãng ngạt mũi, tức ngực, tiếng nói nặng.
Điều trị: Giải biểu, chỉ ho (ngừng ho)
Thủ thuật và huyệt: Day tiểu thiên tâm, day dương trì, thanh bàn môn, thanh thiên hà thủy, vận nghịch nội bát quái, thanh phế kim
Day Tiểu thiên tâm
Vị trí: Ở chỗ lõm trên nếp gấp cổ tay giữa mô cái và mô út.
Thủ thuật: Bấm 5-20 lần, day 50-100 lần.
Tác dụng riêng: Chữa kinh phong, động kinh, mờ mắt, đau mắt, lác mắt.
Day Dương trì
Vị trí: Bàn tay để úp, huyệt ở chỗ lõm khoảng giữa khớp cổ tay phía mu tay.
Thủ thuật: Bấm 3-5 lần; day 50-100 lần.
Tác dụng riêng: Chữa váng đầu, đau đầu, kinh phong, táo bón.
Thanh Bàn môn
Vị trí: Ở mô ngón tay cái chỗ tiếp giáp da gan tay và mu tay.
Thủ thuật: Đẩy 50-100 lần.
Tác dụng riêng: Đẩy tiến lùi để thanh vị nhiệt (đẩy tiến để làm hết nôn, đẩy lùi để chữa tiêu chảy).
Thanh Thiên hà thủy
Vị trí: Đường giữa cẳng tay để ngửa từ tiểu thiên tâm lên khúc trì.
Thủ thuật: Đẩy từ cổ tay lên tới khúc trì 100-300 lần.
Tác dụng riêng: Chữa những bệnh nhiệt, bồn chồn không yên, kinh phong, hen, ho đờm.
Vận nghịch Nội bát quái
Vị trí: Gan (lòng) bàn tay.
Thủ thuật: Đẩy vận ngược chiều kim đồng hồ gọi là vận nghịch.
Tác dụng riêng: Vận nghịch có thể làm cho giáng để làm hết nôn.
Thanh phế kim
Vị trí: Mặt phía gan tay đốt thứ 3 ngón tay đeo nhẫn.
Thủ thuật: Đẩy lùi từ trong ra đến đầu ngón tay 100-150 lần.
Tác dụng riêng: Chữa cảm mạo, ho, tức ngực, hen, mặt xanh xao thiếu máu. Phần lớn dùng phép thanh phế kim.
Tác dụng chính của các huyệt: Day tiểu thiên tâm, day dương trì để giải biểu.
Thanh bàn môn, đẩy thiên hà thủy để thanh nhiệt. Vận nghịch nội bát quái để kiện vị tiêu thực. Thanh phế kim để thuận khí, hóa đờm thanh phế chỉ khái.
2. Ho do âm hư
Biểu hiện: Ho lâu ngày, ho khan, người hâm hấp nóng, cơ thể gầy còm.
Phép trị: Tư âm, chỉ ho
Thủ thuật và huyệt: Xoa bổ tỳ thổ, đẩy bổ thận thủy, bấm nhị phiến môn, vận nghịch nội bát quái, day dương trì, thanh bàn môn, thanh thiên hà thủy.
Xoa bổ Tỳ thổ
Vị trí: Bờ ngoài ngón tay cái phía xương quay.
Thủ thuật: Đẩy vào trong (tiến) là bổ (phép bổ cần làm chậm rãi)
Tác dụng riêng: Chữa tỳ vị hư, ăn uống kém, ỉa chảy.
(Lưu ý: Trẻ em do thể chất yếu, chính khí bất túc lúc bị sởi có thể đẩy bổ Tỳ thổ làm cho sởi dương ra ngoài. Thủ thuật cần làm nhanh có sức, có nghĩa là có tả trong bổ).
Đẩy bổ Thận thủy
Vị trí: Mặt phía sau tay đốt thứ 3 ngón tay út.
Thủ thuật: Đẩy từ đầu ngón tay đến cuối ngón tay 100 – 300 lần.
Tác dụng riêng: Chữa tiên thiên bất túc, ốm lâu ngày, người hư nhược, ỉa chảy sáng sớm, đái dầm, ho hen, mặt đỏ đau răng.
Bấm Nhị phiến môn
Vị trí: Ở khe giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa và giữa ngón tay giữa và ngón tay đeo nhẫn.
Thủ thuật: Bấm 5-10 lần hoặc day 50-100 lần.
Tác dụng: Chữa kinh phong co giật, sốt cao không có mồ hôi (cảm hàn), hen suyễn, thở khó.
Chú ý: Tác dụng làm ra mồ hôi khá nổi bật.
Với 4 thủ thuật: Vận nghịch Nội bát quái, day Dương trì, thanh Bàn môn
thanh Thiên hà thủy (thao tác như phần 1).
Tác dụng chính của các huyệt: Bổ Tỳ thổ, day Dương trì để kiện Tỳ ôn trung hóa đờm. Vận nghịch Nội bát quái để hoà trung lợi cách, giải tức ngực, ăn ngon, tăng cường tiêu hóa. Bổ Thận thủy, thanh Bàn môn để tư âm thanh hư nhiệt. Thanh Phế kim, bấm Nhị phiến môn, đẩy Thiên hà thủy để thuận khí hóa đờm, thanh nhiệt, chỉ khái, lợi thấp và lợi tiểu.
Những điều cần chú ý khi làm xoa bóp cho trẻ em
- Trước khi làm xoa bóp, người thực hiện phải rửa tay sạch và cắt móng tay.
- Trời lạnh phải xoa hai tay cho nóng hoặc ngâm tay cho ấm, để tránh trẻ bị lạnh.
- Tư thế của trẻ phải thoải mái không gò bó.
Sau khi xoa bóp cho trẻ cần chú ý
- Sau khi xoa bóp dễ gây mệt mỏi về tinh thần nên cần im lặng tránh ồn ào.
- Trong phòng cần giữ ấm nhất là mùa đông, không để gió lùa vào dễ làm cho trẻ cảm mạo, vào mùa hè cần thoáng mát.
- Sau khi xoa bóp không nên cho trẻ ăn ngay, song có thể uống nước.
Đợt chữa bệnh và thời gian một lần xoa bóp
Đợt chữa bệnh
- Mỗi đợt chữa bệnh thường từ 7 – 12 lần.
- Với chứng cấp tính (bệnh mới và nhanh) mỗi ngày có thể làm 1 – 2 lần.
- Với chứng mạn tính (bệnh lâu ngày) thường cách 1 ngày làm 1 lần hoặc 1 tuần 2 lần.
Thời gian 1 lần xoa bóp
- Nếu xoa bóp toàn thân thì thường từ 30 – 40 phút.
- Nếu xoa bóp các bộ phận của cơ thể thường từ 10 – 15 phút.
- Ở trẻ từ 1 – 3 tuổi mỗi huyệt xoa bóp từ 1 – 3 phút, trẻ trên 3 tuổi mỗi huyệt xoa bóp 2 – 3 phút.
(Còn tiếp)
Lê Thắng