Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 200.000 ca ung thư mới, trong đó có 75.000 ca tử vong khiến Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ ung thư ở mức báo động. Hầu hết các ca tử vong đều là khi phát hiện ra bị ung thư thì đã ở giai đoạn cuối. Vậy vì sao người Việt hay phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn.
Nói tới ung thư ai trong chúng ta đều thấy sợ hãi, kỳ thực có rất nhiều loại ung thư là tự bản thân chúng ta tìm tới chúng. Hiện nay không khó để có thể tìm hiểu những kiến thức cơ bản về căn bệnh nguy hiểm này tuy nhiên tỷ lệ ung thư hằng năm ở nước ta vẫn ngày một tăng cao là tại sao? Một trong những nguyên nhân chủ yếu là có rất nhiều người chỉ biết nói về những kiến thức phòng ngừa ung thư nhưng thực sự không thực hiện.
Nghe có đôi chút sáo rỗng và quen thuộc tuy nhiên phương pháp điều trị ung thư tốt nhất là “ngăn ngừa để không mắc bệnh”. Tinh thần, ăn uống và cách sinh hoạt đều có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe chúng ta.
Theo giáo sư Lý Bội Văn chuyên gia đầu ngành trong điều trị ung thư bằng Đông Tây y kết hợp, người đã có hơn 30 năm công tác trong điều trị các loại ung thư của Trung Quốc: Ung thư là “tích lũy” mà ra; bệnh là tự mình “tìm” đến
1. Ung thư là “tích lũy” mà ra
Có ba yếu tố tác động đến ung thư là di truyền, môi trường sống ô nhiễm và chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học. Trong đó chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học đóng vai trò rất quan trọng.
Chế độ ăn nhiều thịt, nhiều mỡ động vật ít chất xơ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại – trực tràng và ung thư vú. Ngược lại, chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau, hoa quả và các ngũ cốc dạng nguyên hạt, có thể làm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư.
Các chất bảo quản thực phẩm, các chất nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học, các chất trung gian chuyển hóa và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc, lên men là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại tràng… Ước tính yếu tố này gây ra đến 35% trong tổng số các loại ung thư.
Thịt hun khói, cá muối, các loại mắm và dưa muối, cà muối, nhất là dưa khú có nhiều muối nitrat, nitrit và nitrosamine là các chất gây ung thư thực quản và dạ dày.
2. Bệnh đều là tự mình “tìm” đến
Trong cuốn “Tây phương khảo” cuốn sách cổ thư của Trung y có câu: “Tình chí quá cực, phi dược khả y” tạm dịch: Những cảm xúc tiêu cực của tự thân, nghiêm trọng hóa phóng đại sẽ làm cơ thể suy sụp càng nhanh, cuối cùng tự mình làm hại chính mình không thuốc gì chữa khỏi.
Có một nghiên cứu được thí nghiệm trên động vật, nhóm nghiên cứu đồng thời tiêm tế bào ung thư lên hai đàn chuột, một đàn chuột nhốt một con mèo bên cạnh còn một đàn thì không. Qua một thời gian kết quả kiểm tra cho thấy tế bào ung thư ở trên những con chuột có nhốt mèo phát triển nhanh hơn rõ rệt so với đàn kia. Nguyên nhân có sự khác biệt này là bởi những con chuột bị sợ hãi gây khủng hoảng tinh thần dẫn tới rối loạn nội tiết và làm rối loạn chức năng hoạt động của các cơ quan nội tạng gây suy giảm hệ miễn dịch.
Trong cuộc sống hằng ngày khó tránh khỏi những khó khăn và mệt mỏi áp lực về thể xác cũng như tinh thần. Sinh lão bệnh tử đó là quy luật tự nhiên, có tiền cũng không tránh khỏi quỷ môn quan bởi vậy hãy trân quý bản thân trân quý sinh mệnh và có nhìn nhận đúng đắn về mọi việc xung quanh. Đừng quá quan trọng hóa phóng đại mọi việc hãy học cách bình thản đón nhận mọi khó khăn khổ nạn và nên nhớ rằng trên thế giới này không có việc gì là không thể giải quyết. Khi tư tưởng thông suốt thì không có thuyền độc mộc nào là không thể vượt qua.
3. Ăn “chất xơ” là điều cần thiết
Người dân Nga thường nói: “Cho dù đất nước tôi có thay đổi hết đời lãnh đạo này tới đời lãnh đạo khác nhưng có một thứ không thay đổi đó là bánh mì đen”
Tại sao lại như vậy? Vì họ biết lúa mì nghiền cả vỏ có thể giảm nguy cơ mắc ung thư, giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Hiện nay người ta đã thấy rõ vai trò của chất xơ đối với việc làm giảm nguy cơ đối với ung thư đại tràng thông qua các vi khuẩn có lợi tại ruột tạo ra các chất ức chế sự phát triển của tế bào ung thư và giúp tăng bài xuất các chất có khả năng gây ung thư ra khỏi cơ thể. Đồng thời người ta còn thấy tác dụng của chất xơ đối với giảm nguy cơ ung thư vú do làm giảm lượng estrogen trong máu.
Tại sao có rất nhiều loại bệnh ung thư khi phát hiện đã ở vào giai đoạn cuối?
Theo ông Tôn Yến bác sĩ chủ nhiệm khoa nội u bướu viện u bướu thuộc viện khoa học Trung Quốc, các loại bệnh ung thư được phát hiện khi đã ở vào giai đoạn cuối bởi ba nguyên nhân sau đây:
1. Đầu tiên là tâm lý “che dấu” bệnh tật của bệnh nhân, có bệnh cũng chủ quan coi nhẹ không kiểm tra
2. Những triệu chứng của một số loại ung thư thời kỳ đầu giống với các bệnh thông thường nên dễ bị coi nhẹ không đi khám
3. Nguyên nhân quan trọng thứ ba và cũng là quan trọng bậc nhất đó là coi nhẹ cách ăn uống sinh hoạt phòng ngừa ung thư
Để có thể tránh xa ung thư hãy thực hiện tốt 7 điều sau đây:
1. Không tức giận
Đông y cho rằng: trong 7 trạng thái cảm xúc thì tức giận là có hại cho gan nhất. Tức giận có thể làm cho gan bài tiết thất thường, gây ra gan khí ứ trệ, thời gian lâu dài sẽ “nhiễm” các bệnh về gan. Nếu tâm trạng “bực bội” sẽ làm cho hormone trong cơ thể bài tiết mất cân bằng, gây ra trở ngại cho tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho gan, tích tụ lâu dần có thể dẫn tới ung thư.
2. Chế độ ăn uống hợp lý chống ung thư
Một chế độ ăn uống hợp lý có thể phòng ngừa ung thư hiệu quả. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, chế độ ăn nhiều thịt đỏ tăng nguy cơ nhiều loại bệnh ung thư.
Chế độ ăn nhiều rau ít thịt ngày càng trở nên quan trọng là bởi các hợp chất có trong rau quả có tác dụng trung hòa, ức chế các chất gây ung thư trong thịt. Đặc biệt, khi thịt được chế biến theo các phương pháp hun khói, nướng, chiên có thể dẫn đến sự hình thành các chất gây ung thư, gây tổn hại ADN, khiến cho các tế bào ung thư lây lan.
Quan trọng hơn, một số hợp chất trong rau quả có tác dụng kích thích các enzym ức chế các chất gây ung thư này không hoạt động, sau đó đào thải ra ngoài cơ thể.
3. Thường xuyên về nhà ăn cơm
Ăn uống không điều độ và thường xuyên ăn ngoài cộng thêm rượu bia thuốc lá sẽ làm hư tổn tới dạ dày đại tràng, nếu còn bị béo phì và tiếp tục kéo dài tình trạng này sẽ dẫn tới ung thư.
4. Hạn chế ăn thực phẩm chiên nướng
Nướng, rán là làm thực phẩm chín nhờ nhiệt độ cao. Thực phẩm nướng, rán vừa chín mềm, lại thơm ngon và là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người.
Tuy nhiên, gần đây các nhà khoa học nghiên cứu cho biết, nếu thực phẩm nướng, rán đạt đến trên 200 độ C, thì chỗ trực tiếp với ngọn lửa, cá, thịt… phát sinh những hợp chất amin dị vòng là những chất được biết có khả năng gây ung thư.
Thực phẩm chiên làm gia tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là khi chúng chứa các loại dầu hydro hóa – chất béo transfat. Quá trình chiên kỹ hoặc chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ tạo ra sản phẩm phụ gọi là acrylamide. Đây là một chất độc thần kinh mạnh, có tác dụng phụ không chỉ trên não, mà cả đối với hệ thống sinh sản.
Các loại thực phẩm carbohydrate cao như khoai tây dễ dàng sản sinh acrylamide trong quá trình chiên rán. Điều này là lý do tại sao khoai tây chiên, đặc biệt là khoai tây chiên kiểu Pháp bị coi là món ăn nằm trong danh mục các thực phẩm dễ gây ung thư…
5. Cai thuốc lá, rượu bia, trầu cau
Hút thuốc lá và uống rượu là những nguyên nhân chính gây ra các ung thư đầu cổ trong đó có ung thư khoang miệng. Thói quen ăn trầu thuốc và vệ sinh răng miệng không tốt có thể gây nên những tổn thương cơ học trong khoang miệng tạo điều kiện thuận lợi cho ung thư phát triển.
Theo thống kê có khoảng 3% bệnh nhân ung thư bị tử vong là có liên quan tới rượu, bia và chất có chứa cồn. Uống quá nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng, ung thư vòm họng và ung thư thực quản.
6. Học cách luôn lạc quan vui vẻ
Với kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị phong phú lâu năm viện sĩ Tôn Yến phát hiện, những bệnh nhân ung thư đều có cùng một nguyên nhân phát bệnh như nhau đó là: Áp lực lớn, thường xuyên uất ức, lo lắng quá độ, lục đục căng thẳng. Một nghiên cứu cho thấy những cảm xúc tiêu cực lâu dài có thể gây ra phản ứng căng thẳng trong cơ thể con người, phản ứng căng thẳng quá mức có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và tạo cơ hội cho các tế bào ung thư phát triển. Học cách luôn lạc quan vui vẻ trở thành một người “không có tim không có phổi” sẽ tốt cho sức khỏe của bạn.
7. Khống chế cân nặng để không bị béo phì
Bị đói còn tốt hơn quá no, người gầy đương nhiên tốt hơn béo. Người càng gầy cơ hội mắc ung thư càng nhỏ, đây là nội dung đầu tiên trong 10 nội dung đề xuất phòng ngừa ung thư được đưa ra bởi 21 nhà khoa học trên toàn thế giới sau 5 năm nghiên cứu về nhóm người bị mắc ung thư và nhóm người khỏe mạnh.
Theo soundofhope
Kiên Định