Chiều 16/4, Bộ Y tế thông tin, từ tháng 6, vắc-xin ComBE Five, Ấn Độ sẽ được đưa vào tiêm chủng trên toàn quốc thay thế Quinvaxem.
Theo VnExpress, từ tháng 4/2018, 11.000 điểm chích ngừa trong dự án tiêm chủng mở rộng tại 4 tỉnh Hà Nam, Bình Định, Đồng Tháp, Kon Tum đã sử dụng ComBE Five.
ComBE Five là vắc-xin phối hợp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Thành phần của ComBE Five tương tự thành phần vắc-xin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất.
Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ với Tuổi Trẻ, tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin mới tương tự như các vắc-xin 5 trong 1 có cùng thành phần.
Năm 2016, vắc-xin mới đã được sử dụng thực địa tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam. Kết quả, sau tiêm chủng chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm gồm phản ứng tại chỗ tiêm đau, quầng đỏ với tỷ lệ 5-15%; khoảng 34-39% bé bị sốt sau tiêm. Những chỉ số này tương tự các vắc-xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Ngành y tế không ghi nhận bất kỳ phản ứng nặng nào ở trẻ sau tiêm chủng vắc-xin mới.
Lịch tiêm chủng đối với vắc-xin ComBE Five không thay đổi so với lịch tiêm Quivaxem hiện tại. Trẻ dưới một tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Trẻ đã được tiêm một hoặc 2 mũi vắc-xin Quinvaxem thì tiếp tục tiêm ComBE Five liều tiếp theo theo đúng lộ trình 5 mũi.
Chương tình được triển khai tiêm miễn phí tại tất cả trạm y tế xã, phường trên toàn quốc và một số điểm tiêm chủng dịch vụ.
Trên thế giới có 6 loại vắc-xin 5 trong 1 (thành phần ho gà toàn tế bào) đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới, trong đó có 2 loại của Hàn Quốc, 4 loại của Ấn Độ. Có 2 loại đã đăng ký lưu hành tại Việt Nam là vắc-xin Quinvaxem (của Hàn Quốc, ngừng sản xuất tháng 12/2016) và ComBE Five (của Ấn Độ). Vắc-xin ComBE Five cũng nằm trong hệ thống cung ứng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.
Vắc-xin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất và được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ. Trong năm 2013, có 3 ca tử vong sau tiêm chủng khiến dư luận e ngại vắc-xin Quinvaxem. Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy nguyên nhân là do tiêm nhầm thuốc khác thay vì tiêm vắc-xin viêm gan B, không hề liên quan đến Quinvaxem. Tiếp sau đó, có hơn mười ca tử vong khác sau khi tiêm Quinvaxem khiến Bộ Y tế phải tạm ngưng tiêm vắc-xin này và báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). |
H.H