Ở Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng và đang có xu hướng trẻ hóa. Phần lớn, những người mắc ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn, tỷ lệ tử vong cao.
Theo VnExpress, tại diễn đàn chuyên gia ung thư các nước Đông Dương, ngày 20/4, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia, đặc biệt với các nước nghèo, đang phát triển.
Ở Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng. Ước tính mỗi năm có thêm hơn 126.000 ca mắc ung thư mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc chữa gặp khó khăn, tốn kém.
Hiện, tỷ lệ chữa khỏi ung thư (sống trên 5 năm) ở nước ta rất thấp so với các nước phát triển. Ở nam giới đạt 33%, nữ khoảng 40%, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này lên tới 70-80%. Nguyên nhân là do 70% bệnh nhân ung thư ở nước ta được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.
Hút thuốc lá cũng gây nên 30% các bệnh ung thư, trong đó 90% người ung thư phổi là do hút thuốc lá. Cùng với đó, nước uống, thực phẩm bẩn; dinh dưỡng không hợp lý; khẩu phần ăn nhiều chất béo, ít rau xanh và hoa quả cũng có thể gây ung thư đường tiêu hóa, đại tràng, dạ dày…
Ngoài ra, sống và làm việc trong môi trường độc hại, không khí ô nhiễm, bệnh nhiễm trùng.. cũng là các yếu tố gây nên bệnh ung thư.
Trao đổi với Pháp luật Plus, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, ung thư có thể phòng ngừa, chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. 80% nguyên nhân gây ung thư là do môi trường sống, còn lại do yếu tố bên trong như di truyền, nội tiết.
Một số bệnh ung thư phổ biến ở nước ta:
Ung thư vòm họng: Sử dụng các đồ ăn lên men, thực phẩm bị nấm mốc, có tồn dư hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu là nguyên nhân chính gây ung thư vòm họng.
Ung thư dạ dày: Một số chất hóa học được dùng trong chăn nuôi hoặc dùng để tẩy trắng, bảo quản thực phẩm có thể gây hại cho đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến tình trạng viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt, chúng có thể gây bệnh ung thư dạ dày.
Ung thư đại trực tràng: Những thực phẩm muối lên men, chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản như dưa cà muối, thịt muối, cá muối, thịt hun khói, xúc xích… làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Ung thư gan: Các hóa chất độc hại, vi khuẩn, virus, nấm mốc… có trong thực phẩm bẩn khi vào cơ thể khiến gan bị nhiễm độc, gây viêm, và phá hủy tế bào gan gây bệnh ung thư.
Ung thư tủy: Ăn nhiều thịt lợn có dư lượng cao thuốc an thần sẽ khiến lượng thuốc này bị tích lũy và tồn đọng lâu ngày trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ cao gây mục xương, ung thư tủy và giảm hồng cầu.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thường xuyên khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư để được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, mọi người cần lưu ý:
– Không nên hút thuốc lá, thuốc lào, dùng các chất kích thích, gây nghiện.
– Chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường ăn rau củ quả…
– Gìn giữ môi trường sống sạch sẽ.
– Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.
– Tiêm vắc-xin phòng viêm gan B, HPV…
– Rèn luyện thân thể khỏe mạnh.
Dương Uyên