Đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, từ tháng 9/2018, vắc-xin bại liệt tiêm IPV sẽ được áp dụng trong tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ 5 tháng tuổi trên toàn quốc.
Trước đó, Việt Nam vẫn duy trì tỷ lệ uống 3 liều vắc-xin bại liệt OPV cho trẻ dưới 1 tuổi.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho Báo Phụ nữ Việt Nam biết, trong tháng 6 và tháng 7/2018, vắc-xin tiêm IPV đã được triển khai thành công tại 4 tỉnh: Điện Biên, Phú Yên, Gia Lai và Vĩnh Long cho khoảng 4.364 trẻ 5 tháng tuổi.
Trong đợt 1 (3/2018), Tổ chức Liên minh toàn cầu vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) sẽ cung ứng cho Việt Nam 835.000 liều và hơn 1 triệu liều trong đợt 2 (8/2018).
Vắc-xin bại liệt tiêm IPV là vắc-xin bất hoạt, chứa các tuýp virus bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng vắc-xin tiêm. Tiêm 1 mũi vắc-xin IPV có chứa cả 3 tuýp kháng nguyên bại liệt tuýp 1, 2 và 3 giúp tăng cường miễn dịch đối với tuýp 1 và tuýp 3; đồng thời gây miễn dịch phòng bệnh đối với tuýp 2 cho trẻ sử dụng 3 liều bOPV.
Loại vắc-xin này được sử dụng trong chương trình TCMR là vắc-xin của hãng Sanofi, do Pháp sản xuất. Vắc-xin do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ và được cung ứng bởi Quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF).
Vắc-xin này đã được đăng ký lưu hành sử dụng tại Pháp từ năm 1982 và sử dụng tại 111 quốc gia, với 540 triệu liều. Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành vaccine bại liệt tiêm IPV từ năm 2015.
Trên thế giới, vắc-xin đã được sử dụng trên 540 triệu liều tại 111 quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, các quốc gia đang sử dụng vắc-xin bại liệt uống bOPV, cần sử dụng thêm 1 liều vắc-xin bại liệt tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi trong lịch tiêm chủng thường xuyên.
Lưu ý
Các bác sĩ khuyến cáo, trong quá trình tiêm chủng, gia đình trẻ cùng cán bộ y tế theo dõi trẻ trong 30 phút tại điểm tiêm chủng.
– Thông báo cho cán bộ y tế nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe: Khóc, bứt rứt, khó chịu, nôn, trớ, tại vết tiêm quầng đỏ lan rộng, nổi ban …
– Đồng thời khuyến cáo, sau tiêm chủng trẻ có thể có một số biểu hiện thông thường như sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc… Các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng kéo dài trên 1 ngày.
– Khi trẻ sốt cao các bà mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.
– Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái… các bà mẹ cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế.
Phương Nam