Gan suy “sắp chết” nhờ trị liệu và dinh dưỡng mà tái sinh nguyên vẹn, tóc cắt đi rồi mọc tiếp, vết thương mất miếng thịt sẽ tự đầy theo thời gian… Khả năng cơ thể tự chữa lành giống như anh chàng người Sói Wolverine trong phim Logan dường như là sự thật. Vấn đề chúng ta là làm thế nào để phát huy?
Nói đến khả năng tự lành, người ta hay liên tưởng đến những cảnh trong phim người Sói, tuy nhiên trong thực tế, một số loài vật tự hồi phục siêu đẳng, tiềm năng tái tạo đáng nể. Ví như sa giông và kỳ nhông Mexico, chúng có khả năng tự mọc lại một chân đã bị gãy, hay thậm chí có thể tự thay thế những cơ quan nội tạng cực kì quan trọng như tim hay não.
Tiến sĩ Christopher Allan đã dẫn chứng về trường hợp của một bé 7 tuổi trong bài viết của mình trên tạp chí HSNewBeat của Đại học Washington. Theo đó, cô bé đã bị mất phần đầu ngón tay khi đưa tay vào những nan hoa xe đạp đang xoay của người anh trai. Các bác sỹ đã phẫu thuật để gắn lại ngón tay cho cô bé. Tuy nhiên, 8 tuần sau, phần thịt đầu ngón tay đã rời hẳn ra. Tưởng chừng cô bé sẽ vĩnh viễn có ngón tay không lành lặn thì điều kì lạ đã xảy ra: đầu ngón tay đã mọc trở lại.
Gan tự tái tạo
Gan là nhà máy hóa sinh của cơ thể, là cơ quan giải độc, chuyển hóa các chất cùng nhiều chức năng khác. Có lẽ chính vì đóng vai trò quan trọng mà tạo hóa ban cho gan khả năng tái tạo mạnh mẽ nhất. Trong khi ở hầu hết các cơ quan khác, những mô tế bào tổn thương bị thay bằng sẹo xơ thì tại gan, các tế bào mới sẽ xuất hiện. Quá trình này cũng diễn ra rất nhanh. Thậm chí khi lấy đi 70% khối gan, gan vẫn có thể tái tạo lại chỉ trong vòng 2 tuần.
Biểu mô ruột tự tái tạo
Hàng ngày, ruột non và ruột già đều phải vất vả tiêu hóa thức ăn. Lớp biểu mô ruột (lớp trên cùng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn) hoạt động như một hàng rào, vừa lọc bỏ độc tố, vừa hấp thu dưỡng chất. Nếu mất lớp này, vi khuẩn sẽ dễ dàng tràn vào trong ruột và tấn công cơ thể. Chính vì đảm nhiệm chức năng quan trọng và vất vả như vậy, những tế bào biểu mô cũ sẽ liên tục rơi rụng và thay thế bằng tế bào mới. Trung bình quá trình tái tạo hoàn toàn mất 5 – 7 ngày.
Xương tự mọc
Lớp màng bọc quanh xương đóng vai trò quan trọng giúp xương tự tái tạo. Trong vòng vài giờ sau chấn thương, cơ thể khởi động quá trình sửa chữa xương gãy bằng các hình thành cục máu đông. Sau một đến hai tuần, cơ thể sẽ thay thế cục máu đông bằng can xương mềm cấu thành từ collagen. Khoáng chất lắng đọng tại can xương khiến chúng trở nên rắn chắc và trở thành xương mới sau ba tuần. Tuy nhiên phải từ 3 – 9 năm sau, xương mới trở về hình hài như ban đầu.
Làn da liên tục thay cũ đổi mới
Không chỉ khi bị thương da mới tự tái tạo và sửa chữa, mà điều này diễn ra liên tục để làm mới làn da. Da người cấu thành từ nhiều lớp, trong đó có 18 – 23 lớp bao gồm những tế bào chết thực sự. Có khoảng 30.000 đến 40.000 tế bào da chết đi mỗi ngày và được thay thế bằng tế bào mới. Chỉ một tháng sau tính từ thời điểm này, tất cả những tế bào bạn có thể thấy sẽ bị bong tróc đi và tế bào mới sẽ thay thế vị trí đó.
Vết xước giác mạc tự lành
Giác mạc, lớp ngoài cùng của hai nhãn cầu, cũng liên tục tự thay cũ đổi mới. Thông thường cần từ 7-10 ngày để một giác mạc khỏe mạnh tự tái tạo và loại bỏ tế bào cũ bằng nước mắt. Nếu giác mạc bị xước, thì chỉ cần 1-3 ngày là vết xước sẽ biến mất nhờ quá trình tự tái tạo nhanh chóng.
Phổi tự lành sau bỏ thuốc
Phổi bạn có cơ chế tự làm sạch và thải độc hữu hiệu, tuy nhiên cơ chế này bị vô hiệu hóa nếu bạn hút nhiều thuốc lá, khiến chất độc tích tụ dần dần trong phổi mà không được đào thải ra ngoài. Bởi vậy chỉ sau một tuần bỏ thuốc, cơ chế thải độc sẽ được phục hồi, phổi người từng hút sẽ bắt đầu thải độc thông qua ho khạc đờm. Phổi cũng giảm sưng nề và người bỏ thuốc sẽ cảm thấy dễ thở, đường thở thông thoáng hơn trong vòng hai tuần.
Liên kết mới hình thành trong não
Trước đây khá lâu, các nhà khoa học từng nghĩ rằng não bộ sẽ ngừng phát triển sau thời thơ ấu, tức là khi lên đến đỉnh điểm, bộ não không thể tiếp tục sản sinh thêm tế bào. Nhưng tuyên bố cách đây 20 năm đã làm thay đổi quan điểm trên. Các nhà khoa học khám phá ra “tính mềm dẻo của não”, cho phép não tái tạo lại đường dẫn truyền thần kinh, từ đó tạo nên vòng dẫn truyền thần kinh mới. Chẳng hạn, khi vùng não liên quan chức năng ngôn ngữ bị tổn thương, phần não khác sẽ tái tạo lại đường dẫn truyền thần kinh mới và đảm nhận chức năng ngôn ngữ, do vậy bệnh nhân tổn thương não sẽ nói trở lại được.
Để xây dựng và sửa chữa một ngôi nhà, hay một cỗ máy, người ta cần biết rõ bản thiết kế chi tiết. Cơ thể người được tạo thành chỉ từ trứng của người mẹ phối hợp với tinh trùng của người cha, có thể nói là gần như từ KHÔNG thành CÓ, các bộ phận phát triển tuần tự, kích thước vừa đủ và cân đối đến mức hơn cả hoàn hảo.
Vậy bản thiết kế của cơ thể người ở đâu, “Ai” nắm giữ và thi công khi cần thiết?
Trên thực tế cơ thể người có vô vàn bí ẩn và điều diệu kỳ chưa được khám phá hết, trên đây chỉ là một vài minh chứng nhỏ nhoi mà chúng ta quan sát được. Dù vậy, chỉ với hiểu biết nhỏ bé hiện nay cũng đủ khiến các nhà khoa học cảm thán, càng khám phá càng thấy mình quá nhỏ bé trước TỰ NHIÊN.
Theo RD
Đại Hải