Trần bì là vị thuốc làm từ vỏ quýt chín đã phơi hay sấy khô. Ngoài ra, vị thuốc này còn được dùng trong chế biến ẩm thực, trà đạo…

Vị thuốc có vỏ ngoài có màu cam hoặc vàng nâu, nhiều chấm sẫm màu (túi tiết); mặt bên trong xốp màu trắng ngà hay vàng nhạt. Theo kinh nghiệm dân gian, Trần bì để càng lâu năm càng tốt. Điều này cũng được chứng minh qua nghiên cứu của Wang F và cộng sự rằng, Trần bì sau khi để lâu năm trên bề mặt có một số loại nấm phát triển, trong đó chủ yếu là nhóm có lợi cho đường tiêu hóa như Aspergillus niger. Sự có mặt của loại nấm này cũng làm tăng hàm lượng flavonoid trong quá trình bảo quản.

Trần bì là vỏ quýt chín được bào chế theo phương pháp y học cổ truyền. (Ảnh: khoahocdoisong.vn)

Theo nghiên cứu dược học, tinh dầu trong Trần bì có tác dụng kích thích vị tràng, tăng tiết dịch tiêu hoá, trừ khí tích trong ruột. Chất hesperidin trong vị thuốc này có tác dụng trừ đàm và kéo dài tác dụng của chất corticoid, duy trì tính thẩm thấu của mạch máu một cách bình thường.

Đông y cho rằng, Trần bì có vị đắng cay, tính ấm, quy hai kinh Phế và Tỳ. Tác dụng lý khí kiện Tỳ, hoà Vị chỉ nôn, ráo thấp hoá đàm, trừ ho lợi tiểu…

Cuốn Thần nông Bản thảo liệt kê Trần bì vào vị trí thượng phẩm: “Quất bưởi vị khổ ôn…Đứng đầu là quất bì. Khí vị khổ tế bình, không độc. Chủ trị kết nhiệt trong ngực, khí nghịch, lợi thủy cốc. Uống lâu khu uế, hạ khí thông thần”.

Công dụng của Trần bì

Hành khí hoà vị: Dùng đối với đau bụng lạnh do lạnh, có thể phối hợp với Bạch truật, Can khương.

Chỉ nôn, chỉ tả: Dùng khi bụng ngực đầy trướng, ợ hơi buồn nôn.

Hoá đàm ráo thấp: Trị ho có đờm, chữa các chứng bí tích, bứt rứt, khó chịu trong ngực. Có thể dùng bài Nhị trần thang: Trần bì 8g, Bán hạ chế, Phục linh 12g, Cam thảo 4g sắc với 500ml còn 250ml chia 2 lần uống sau ăn.

Giải rượu: Trần bì 30g, Ô mai (loại bán ở hiệu thuốc bắc) 2 quả, Sinh khương 5g, tất cả đun cùng với 360ml trong 30 phút gạn bỏ bã uống khi còn ấm. Bài thuốc này giải độc rượu rất tốt, giúp kiện vận chức năng Tỳ Vị, bảo vệ gan.

Liều dùng Trần bì: Lấy 3 – 10g mỗi ngày dưới dạng hoàn tán, thuốc sắc hoặc hãm trà.

Cách làm vị thuốc Trần bì tại nhà

Quýt chín (mua được ở nơi có uy tín không có thuốc trừ sâu và chất bảo quản là tốt nhất) khía vỏ quả ra thành 4 – 5 mảnh tới gần cuống quả. Nếu để cùi trắng thì tác dụng lý khí kiện tỳ mạnh, bỏ cùi trắng thì khứ đờm chỉ ho tốt hơn. Xâu lại thành nhiều dây, buộc nơi mát, thoáng gió. Hoặc có thể thái sợi dàn đều trên nong phơi cho khô. Không phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, không phơi ở gác bếp vì Trần bì sẽ bị mất tinh dầu và nhiễm nhiều bụi bẩn.

Vỏ quýt chín khía là 4 -5 mảnh tối gần cuống. (Ảnh: Pixabay)

Trần bì sau khi phơi khô, để càng lâu năm càng tốt, có thể đem sao qua hoặc tẩm mật, tẩm muối rồi sao qua. Mục đích chế làm hoà hoãn dược tính và đưa dẫn vào các kinh mạch, tạng phủ cần điều trị. Ví dụ như Trần bì tẩm sao với mật có tác dụng dẫn thuốc vào tạng Tỳ nhằm lý khí kiện tỳ, hoá thấp hoà trung tiêu (*).

Lưu ý: Những người ho khan, âm hư không có đàm không nên dùng

Mộc Chi

Ghi chú:

(*) Trung tiêu thuộc hệ thống tam tiêu của Y cổ truyền, được tính từ tâm vị đến môn vị dạ dày bao gồm phủ Vị và tạng Tỳ.