Ngày Tết mang lại cho người lớn tuổi cảm giác sum họp đầm ấm đồng thời cũng dễ gây ra nhiều xáo trộn trong sinh hoạt thường ngày, làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Cảm xúc lên xuống, các bữa ăn nhiều đạm kết hợp với rượu bia, ít rau…có thể là nguyên nhân dẫn đến táo bón, một trong những nổi khổ lớn đối với ông bà. Vì vậy, việc để ý lựa chọn một thực đơn Tết hợp lý như một món quà nhỏ giúp ông bà vừa thưởng thức được món ăn Tết cổ truyền vừa vui vẻ bên con cháu.
Dựa trên nguyên tắc ăn uống của người già, các món ăn Tết sẽ được chia nhỏ trong bữa ăn mỗi ngày để cơ thể hấp thu triệt để các chất dinh dưỡng, giúp giảm nhẹ gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, nước và chất xơ luôn phải được bổ sung đầy đủ để tránh ông bà bị táo bón nặng hơn trong dịp Tết.
Bữa sáng nhẹ nhàng
Sáng dịp Tết là cơ hội để cả nhà quây quần chúc tết và thưởng thức bữa sáng. Lúc này, bữa sáng với một tô cháo loãng thập cẩm ít thịt (có thể dùng thịt gà nạc) và đa dạng các loại rau củ (khoai tây, cà rốt, ngô, đậu Hà lan…) được nấu bằng nước súp gà, một ly nước lọc ấm với một vài lát chanh mỏng hoặc là chút gừng sẽ làm cho bao tử ông bà thảnh thơi để thưởng thức các món ăn Tết cùng gia đình vào bữa trưa.
Bữa trưa với các món Tết
Một tô súp rau củ, súp gà ngô non hay súp hải sản khai vị sẽ giúp kích thích vị giác giúp ông bà ăn ngon miệng, đồng thời giảm lượng thức ăn trong bữa chính nhằm giảm gánh nặng cho đường tiêu hóa. Tô súp khai vị còn bổ sung một lượng nước và chất xơ nhất định cho ông bà.
Món chính với thịt kho tàu, bánh chưng xanh, thịt gà, nem rán, giò chả,… là các món không thể thiếu trong dịp Tết của mỗi gia đình. Tuy nhiên, ông bà nên hạn chế lượng mỡ trong thịt kho và bánh chưng vì lượng mỡ quá cao sẽ gây trở ngại với khả năng hấp thu thức ăn trong đường tiêu hóa dẫn đến khó tiêu, cảm giác bụng nặng, mệt. Nên cho ông bà ăn chút thịt nạc là đủ để cung cấp protein cho cơ thể hoạt động. Hoặc một món cuốn bún, bánh canh thịt kết hợp với rau sống, miếng bánh chưng, dưa giá sẽ giúp ông bà thưởng thức trọn vẹn vị ngon của món ăn Tết. Các loại rau gia vị sống cũng rất tốt để kích thích ăn ngon miệng, bổ sung hoạt chất tinh dầu tự nhiên rất tốt cho cơ thể.
Canh khổ qua với vị đắng, hậu vị ngọt vừa ngon vừa cung cấp đầy đủ vitamin A, vitamin B1, B2, C, niacin và một số khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh đó, món ăn còn có tính mát với tác dụng giải nhiệt, giải độc và giúp bổ sung lượng nước vào cơ thể.
Hạn chế không cho ông bà dùng các loại nước giải khát có gas gây ảnh hưởng đến sức khỏe của ông bà, bia rượu gây hiện tượng mất nước. Thay vào đó, nên dùng các loại nước ép rau quả như: cam ép, cà rốt, bưởi, chanh giúp ông bà bổ sung vitamin và chất xơ cho cơ thể. Các loại nước ngọt có đường hay không có đường cũng không cần thiết.
Dưa hấu, bưởi là các món tráng miệng bổ dưỡng dành cho ông bà trong ngày Tết thay thế cho những bánh kẹo, mứt có lượng đường cao gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của ông bà, đặc biệt là những người già mắc bệnh tiểu đường..
Bữa tối thư giãn
Kết thúc bữa tối với một lượng ít những món ăn nhẹ nhàng hơn bữa trưa như món cá, tôm và một tô canh đậu hũ tươi, các loại rau cải xào sẽ thay thế cho những món thịt. Chúng cung cấp một lượng đạm vừa phải, đầy đủ vitamin và khoáng chất, ít chất béo sẽ làm cho ông bà cảm thấy dễ chịu trước khi đi ngủ. Hạn chế dùng món nhiều nước vào buổi tối để hạn chế việc dậy đêm đi tiểu, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Sau bữa ăn, có thể cho ông bà ngồi nhâm nhi một dĩa trái cây đủ loại: xoài, bưởi, đu đủ. 1 ly sữa vừa ấm trước khi đi ngủ sẽ làm cho ông bà ngủ ngon hơn.
Ngày Tết, nên chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng của các món ăn để ông bà có thể duy trì một sức khỏe tốt cùng đón năm mới với gia đình và con cháu. Một lượng lipid và protein hạn chế, thêm chút chất xơ và nước cùng với ăn uống đủ bữa, đúng giờ sẽ làm cho bữa ăn Tết của ông bà dễ chịu hơn.
Huy Hưng