Xu hướng ăn chay để bảo vệ sức khỏe và giảm tác động tới môi trường đang dần phổ biến trên thế giới, tuy nhiên cũng gây tranh cãi không nhỏ trong cộng đồng các chuyên gia.

Nhu cầu thịt có nguồn gốc động vật tăng vọt

Zing đăng tải, “thịt giả” – làm từ thực vật đang trở nên phổ biến tại các nước châu Âu và Mỹ. Theo hãng nghiên cứu Jefferies, thị trường “thịt thay thế” toàn cầu dự kiến đạt quy mô 240 tỷ USD trong vòng 20 năm tới khi công nghệ thực phẩm mới phát triển và người tiêu dùng thay đổi cách ăn uống.

Theo AFP, Ngân hàng JPMorgan Chase, có trụ sở tại New York (Mỹ), ước tính thị trường ‘thịt chay’ có thể đạt con số 100 tỉ USD (hơn 2,32 triệu tỉ đồng) trong vòng 15 năm tới, còn Ngân hàng Barclays (Anh) nhận định sản phẩm này có thể chiếm khoảng 10% toàn bộ thị trường thịt thế giới trong 10 năm nữa.

Đùi gà “chay” (ảnh: Em Vào Bếp).

Thịt giả ngày càng “giống thật”

Hồi tháng 4, hãng đồ ăn nhanh Burger King đã bắt đầu thử nghiệm phiên bản bánh burger whopper dùng thịt nhân tạo trong khi đối thủ của họ, McDonald’s cũng công bố loại burger “thịt mà không phải thịt” tại Đức. KFC cũng đang nghiên cứu bước đi tương tự để phục vụ nhu cầu của khách hàng. “Giống y chang thịt bò”, Đài NBC News dẫn lời một khách hàng ở New York khẳng định. Ông cho hay đã ăn thử các món burger thịt nhân tạo nhiều lần và đến nay vẫn chưa tìm ra được sự khác biệt nào.

Tờ Nhân Dân thông tin, ngày 28/10, các nhà khoa học tại Đại học Harvard đưa ra báo cáo rằng họ đã tìm được cách bắt chước ngày càng giống hơn hình dạng và hương vị của thịt thật, bằng cách phát triển các tế bào cơ của bò và thỏ trên “giàn giáo” gelatin. Nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí Science of Food.

Người đứng đầu nghiên cứu Luke MacQueen, Đại học Harvard, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng việc tạo cơ cho thịt nhân tạo có thể được thực hiện. Bây giờ chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện các phương pháp của mình, tinh chỉnh các loại sợi giàn giáo để thử các kết cầu thịt phức tạp hơn để đáp ứng thị hiếu và dinh dưỡng”.

Việc tinh chỉnh kỹ thuật có thể giúp con người và cả động vật ăn thịt coi thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm như một sự thay thế bền vững cho thịt giết mổ, Tiến sĩ MacQueen nói.

Bên trong một xưởng làm thịt từ đậu phụ ở Quý Châu, Trung Quốc (ảnh: Getty).

“Thịt giả” nguy hại không kém đồ giả

Tuy nhiên, lãnh đạo một số công ty thực phẩm truyền thống cảnh báo trên thực tế thịt làm từ thực vật không thực sự tốt cho sức khỏe như quảng cáo và đi ngược lại với xu hướng tiêu thụ thực phẩm toàn phần (không qua chế biến) và không biến đổi gen.

CEO của các tập đoàn thực phẩm lớn như Whole Foods hay Chipotle cho rằng thịt từ thực vật bị chế biến quá nhiều. “Tôi không nghĩ ăn những thực phẩm được chế biến quá nhiều là tốt cho sức khỏe”, CEO John Mackey của Whole Foods nói với CNBC.

“Người dùng thích ăn thực phẩm toàn phần hơn. Vì sức khỏe, tôi sẽ luôn nói không với thực phẩm được chế biến quá nhiều”, ông Mackey nhấn mạnh.

Trên tờ Tầm Nhìn thông tin, các luồng tranh cãi rơi vào 4 ý kiến chính: Thịt nhân tạo bị xử lý quá nhiều; chứa sinh vật đột biến gen (GMO); không thực sự tốt, thậm chí còn gây hại cho sức khỏe; và không đem lại cảm giác hấp dẫn như thịt thật.

Theo cây bút khoa học Ryan Mendelbaum, nếu muốn có một bữa ăn giàu dinh dưỡng và tốt cho tim mạch, chúng ta có thể, và nên ăn các loại rau, ngũ cốc nguyên hạt và hoa quả (thay vì burger thịt nhân tạo).