Người ta thường nghe nói nhiều đến vitamin A, B, C, D, E mà ít để ý đến vitamin K. Một khi thiếu vitamin này, cơ thể sẽ lâm vào tình trạng khẩn cấp và chỉ có thể tiếp tục duy trì các chức năng cấp thiết nhất để sống sót. Hậu quả là hàng loạt các chức năng khác sẽ bị trì hoãn, gây nên nhiều chứng bệnh nguy hiểm: yếu xương, ung thư, tim mạch…

Dinh dưỡng kém là một trong số những yếu tố góp phần gây ra tình trạng thiếu vitamin K. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu vitamin K như sử dụng kháng sinh dài ngày, các vấn đề về ruột ví dụ như mắc hội chứng viêm ruột mãn tính, đang dùng các thuốc hạ cholesterol.

Dễ bầm tím là một trong các triệu chứng thiếu vitamin K trong cơ thể. ảnh dẫn theo Internet

Các triệu chứng thiếu vitamin K có thể bao gồm như dễ bầm tím, xuất huyết đường tiêu hóa, chảy máu mũi, ra máu nặng trong chu kỳ kinh nguyệt, có máu trong nước tiểu… Người mắc một số bệnh sau sẽ dễ có nguy cơ thiếu vitamin K hơn những đối tượng khác: mắc bệnh celiac, viêm ruột mạn tính, xơ nang và ứ mật, bệnh còi xương, loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, bệnh về gan mật.

Các nguy cơ thường gặp khi thiếu vitamin K:

1. Loãng xương, xương yếu

Thiếu vitamin K dẫn đến loãng xương. ảnh dẫn theo youtube.com

Vitamin K đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện mật độ xương của cơ thể. Một khi cơ thể thiếu vitamin K sẽ hạn chế quá trình chuyển hóa canxi nên dễ dẫn đến tình trạng loãng xương.

Đặc biệt, nếu đang trong giai đoạn dậy thì mà bạn thiếu hụt vitamin K thì chiều cao sẽ phát triển rất hạn chế và nguy cơ loãng xương ở tuổi trưởng thành sẽ tăng cao hơn.

2. Máu khó đông

Mỗi khi bạn đứt tay, máu chảy ra một lúc thì đông lại và ngừng chảy, đó là do có sự tham gia của vitamin K với vai trò giúp cầm máu nhanh chóng. Do đó, nếu cơ thể bạn thiếu loại vitamin hữu ích này thì mỗi khi gặp vết thường hở máu sẽ chảy không ngừng dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.

Ngoài ra, khi thiếu hụt vitamin K nặng còn dẫn đến các triệu chứng liên quan đến máu khó đông như chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, chảy máu đáy mắt, rong kinh… Trong trường hợp nặng có thể sẽ chảy máu đường tiêu hóa hoặc có máu trong nước tiểu.

3. Bệnh tim mạch, đột quỵ

Vitamin K tham gia tích cực vào quá trình ức chế khả năng canxi hóa các thành mạch máu. Vì thế, nếu thiếu hụt vitamin K sẽ dẫn đến tình trạng tồn đọng quá nhiều canxi từ đó gây xơ cứng động mạch, nặng hơn có thể gây vôi hóa động mạch chủ. Đây đều là những nguy cơ tiềm ẩm dễ dẫn đến những cơn đau tim và đột quỵ bất ngờ.

Bổ sung vitamin K từ đâu?

Nguồn vitamin K dồi dào có trong rau xanh. ảnh dẫn theo tweetiz.com

Nguồn thực phẩm chứa vitamin K cũng khá dồi dào. Một số thực phẩm dưới đây có thể bổ sung vitamin K cho cơ thể khá hiệu quả.

  • Vitamin K chứa rất nhiều trong ác loại rau lá màu xanh đậm như cải xoăn, rau dền, rau ngót, ngò tây, húng quế, rau bina, xà lách, hành lá, cà rốt…
  • Trái cây sấy khô như mận khô, việt quất, đào, sung, nho… đều rất giàu vitamin K
  • Ngoài ra, vitamin K còn dễ tìm trong trứng, sữa lên men, đinh hương, dầu ô liu, ớt bột…

Lương y Cao Sơn t/h

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.