Mùa thu là mùa thích hợp để dưỡng Phế, đặc biệt là đối với người già. Đây là bởi vì, sau khi vào thu, khí hậu dần dần khô táo, tạng Phế trở nên yếu đuối, nước ở da của chúng ta bốc hơi nhanh hơn, sẽ có hiện tượng da dẻ khô ráp, mũi khô, họng đau…
Không ít người già suốt ngày nói ‘xuân ô thu đống, không sinh tạp bệnh’. Đây là câu ngạn ngữ bảo vệ sức khỏe phòng bệnh, ý nghĩa của nó là khuyên người ta mùa xuân không nên gấp rút vội vàng cởi bỏ áo ấm, mùa thu cũng không nên gấp vội vừa thấy lạnh đã mặc quá nhiều, có thể ủ ấm một chút hoặc lạnh một chút, đối với sức khỏe là giúp ích.
Thanh niên có thể tiến hành ‘xuân ô thu đống’ vừa phải để nâng cao khả năng chịu rét, nhưng mà đối với người già và trẻ em mà nói lại là tuyệt đối không thể được. Đặc biệt là đối với người bị tiền sử bệnh đường hô hấp, chống rét giữ ấm tương đối quan trọng. Nhất định cần chú ý căn cứ theo biến hóa của nhiệt độ mà mặc thêm quần áo y phục, ra ngoài cố gắng đeo khẩu trang, để phòng không khí lạnh dẫn tới tái phát hoặc làm nặng thêm các bệnh hệ thống đường hô hấp như viêm khí phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…
Phế là một quân cờ domino đổ sụp đầu tiên
Trong trò chơi domino, khi quân cờ đầu tiên sụp đổ sẽ khéo theo các quân cờ còn lại sụp đổ theo. Phế được coi là quân cờ domino đầu tiên của cơ thể, là nơi giúp giao thoa khí của người với trời đất, nên đây là tạng đặc biệt trọng yếu của cơ thể.
Nhân thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua 3 đường phòng tuyến: da, niêm mạc ruột dạ dày và niêm mạc đường hô hấp. Tuy là vi sinh vật theo đường ăn uống mà vào đường dạ dày ruột rất nhiều, nhưng độ chua của acid dạ dày và độ kiềm của dịch ruột vốn có tác dụng diệt khuẩn. Do đó, đường phòng tuyến ruột và dạ dày này cũng khó mà công phá. Trong khi phòng tuyến đường hô hấp, đặc biệt là cứ điểm ở Phế này, càng dễ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, dễ bị nhiễm khuẩn, do đó, là yếu đuối nhất, dễ bị thất thủ nhất.
Phế thích thấp không thích táo
Đông y nhấn mạnh, phế thích nhuận mà sợ táo, mùa thu khí hậu khô táo, dễ tổn thương phế nhất. Vậy nên, mùa này đặc biệt cần chú ý bảo dưỡng Phế, phòng ngừa phế bệnh. Phế là cơ quan vô cùng yếu đuối, nó thích thấp không thích khô. Do đó, nhất định cần điều dưỡng từ nội bộ, cấp cho nó đủ nước.
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A và β-carotene: Nghiên cứu chỉ ra, trẻ em và người già thường xuyên nhiễm khuẩn đường hô hấp tái phát nhiều lần, khoảng 70% mức vitamin A trong huyết thanh thấp hơn tham số bình thường. Trong gan động vật, lòng đỏ trứng, các chế phẩm từ sữa hàm lượng vitamin A phong phú nhất. Tiền chất của vitamin A là β-carotene, tồn tại nhiều trong thực vật màu vàng cam như cà rốt, khoai lang ruột đỏ, ngô, hồng… Ngoài ra, trong rất nhiều rau màu xanh đậm như cải bó xôi, cải xoăn, tỏi tây, rau mầm cũng chứa lượng carotene tương đối phong phú. Cơ thể người sau khi lấy carotene từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật, tại tạng gan và niêm mạc ruột có thể chuyển biến thành vitamin A được cơ thể sử dụng.
Bổ sung thực phẩm tư âm nhuận phế
Người có nội nhiệt, dưỡng phế quan trọng cần thanh nhiệt hóa đàm giải độc. Có thể ăn chút đậu xanh, cần tây, mướp đắng, cải làn, cải thảo, củ cải để tả hỏa. Mà người âm hư bình thường hay gầy, dưỡng phế có thể ăn thêm chút ngân nhĩ, bách hợp, hạt sen, lê, củ sen, củ cải, mã thầy, sơn dược, sữa đậu nành, mật ong… vốn là các thực phẩm có tác dụng tư âm nhuận phế.
Chủ động uống nước: Chủ động uống nước đối với phòng ngừa bệnh đường hô hấp là rất quan trọng. Tốt nhất mỗi ngày chủ động uống 6 – 8 cốc nước. Trong đó, một cốc lúc sáng sớm khi mới thức dậy là quan trọng nhất. Bởi vì qua một đêm ngủ, bài tiết qua nước tiểu, da bốc hơi và hô hấp bằng mũi miệng… đều làm không ít nước hao mất. Cơ thể đã trong trạng thái mất nước, dịch đờm trong tiểu khí quản biến thành đặc dính không dễ khạc ra, thậm chí tắc nghẽn, từ đó dẫn tới phổi và phế quản bị viêm. Buổi sáng uống nước có thể hoãn giải tình trạng mất nước đường hô hấp rất tốt. Buổi sáng uống nước tốt nhất là nước trắng, cũng có thể thêm chút mật ong.
Người già cảm mạo tốt nhất đừng gắng sức
Người già khi trời lạnh rất dễ cảm mạo, nếu không cẩn trọng, trên cơ sở nhiễm virus, rất nhanh có thể bội nhiễm vi khuẩn, cực dễ phát sinh viêm phổi nặng. Bác sĩ khoa hô hấp nói nhiễm trùng đường hô hấp là một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới tử vong ở người già, tỉ lệ người già tử vong do bệnh viêm phổi đạt đến 42.9% – 50%. Do người già khi phát bệnh thường có triệu chứng không điển hình, có thể không sốt hoặc chỉ có sốt nhẹ, ho ít, đờm không nhiều, không đau ngực, cũng có thể đột nhiên sợ lạnh, phát sốt, thần chí không tỉnh táo, nhịp hô hấp tăng nhanh, huyết áp giảm (có thể thấp hơn 90/60mmHg), xuất hiện sốc do nhiễm trùng. Vì vậy, người già một khi cảm mạo nên lập tức đến bệnh viện khám, tuyệt đối không gắng sức chịu đựng.
Ngăn ngừa cảm mạo phát sinh, trước tiên cần bảo trì giấc ngủ đầy đủ, chăm rèn luyện, trong phòng bảo đảm thông gió thoáng khí, ăn uống cân bằng, căn cứ biến hóa khí hậu kịp thời mặc thêm y phục, đồng thời tạo lập thói quen vệ sinh cá nhân tốt. Ví dụ: Khi ho hay hắt hơi cần dùng tay che miệng, thường xuyên rửa tay, đồng thời lựa chọn nước rửa tay hoặc bọt khử trùng có cồn, hiệu quả sát khuẩn hoặc tiêu diệt virus vô cùng tốt. Tỏi, hành… có chứa kháng sinh thực vật, cũng có thể có hiệu quả sát khuẩn diệt virus, đặc biệt là tỏi sống, hành sống, bao gồm hành tây hiệu quả càng tốt.
Ngoài ra, mỗi ngày sớm tối dùng dấm ăn chưng cho bay hơi trong phòng. Phương pháp cụ thể là: Đổ 50ml – 100ml dấm ăn vào ấm, cho lên bếp đun, làm cho khí hơi của dấm bốc mù mịt dày đặc khắp phòng, thì có thể tiêu diệt bệnh khuẩn và virus trong phòng.
Các phương pháp đề xuất bảo về tạng Phế
Chúng ta nên bảo vệ tạng Phế yếu đuối như thế nào đây? Các chuyên gia y khoa đã đưa ra kiến nghị:
Cảm mạo kịp thời điều trị: Rất nhiều người viêm phổi là cảm mạo không kịp thời điều trị, hoặc trị liệu không triệt để, nghỉ ngơi không đủ mà dẫn tới, do đó, sau khi cảm mạo nhất định cần nghỉ ngơi, ho nhiều nhất định cần đi khám.
Tập các loại hình vận động giãn nở khoang ngực: Nên đặc biệt chú ý rèn luyện hệ thống hô hấp. Đề xướng phương pháp hô hấp dùng bụng: duỗi mở rộng hai cánh tay, cố gắng mở rộng lồng ngực, sau đó dùng phần bụng điều khiển hô hấp, có thể gia tăng dung tích Phế, đặc biệt có lợi cho sự hồi phục bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và khí phế thũng. Không nên suốt ngày ngồi ở nơi ấm cúng, mà nên chịu kích thích nóng lạnh một chút.
Ẩm thực thanh đạm: Bớt ăn thực phẩm kích thích nếu không có lợi cho phục hồi chứng viêm, đặc biệt là thời gian nhiễm khuẩn đường hô hấp, kiêng ăn ớt, thì là, mù tạt. Ăn lượng thích hợp thực phẩm tư âm nhuận phế như lê, Bách hợp, Tỳ bà diệp, hạt sen, củ cải…, có thể kiện Tỳ hóa đàm. Ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, khi đờm nhiều nên ngừng các thực phẩm hàm lượng dầu mỡ cao. Bình thường cần tạo thói quen uống nước.
Dọn vệ sinh sạch sẽ nơi sống: Chỗ ở, đặc biệt là của người già cần giữ gìn sạch sẽ, đầy đủ ánh sáng, định kỳ khử trùng, nhà thường mở cửa sổ. Thường tới những nơi có không khí trong lành tập luyện và chơi, không nên chơi cờ, đánh bài bên lề đường có nhiều xe đi lại, ở đó không khí ô nhiễm nghiêm trọng nhất, đối với phổi là đe dọa cực lớn.
Giảm thiểu kích thích: dưới tình hình ngày gió to, khói mù không khí bẩn, cố gắng không ra ngoài. Hydride, sulfur dioxide trong sương mù, cát bụi, khói xe, khói bụi, xung quanh nhà máy mỏ… đối với đường hô hấp cực có hại. Nếu phải ra ngoài cũng cố gắng đeo khẩu trang.
Cai thuốc lá: Hút thuốc đối với phổi tổn hại rất lớn, có thể làm lông mao biểu mô đường hô hấp bị tổn hại, những lông mao này là ‘phu dọn đường’ đường hô hấp, một khi bị hỏng, tác dụng bảo vệ có thể kém đi rất nhiều.
Cười có thể tuyên phế: Trong rất nhiều phương pháp dưỡng Phế, cười có thể là một loại phương pháp có hiệu quả mà chẳng mất tiền mua. Đặc biệt đối với hệ thống hô hấp mà nói, cười to có thể làm phổi khuếch trương, trong khi cười còn có thể tiến hành hô hấp sâu mà không tự biết, làm sạch và thông suốt đường hô hấp, cải thiện chức năng phổi.
Một số lưu ý
- Những bệnh nhân trên nền viêm phế quản mãn, phế khí thũng, phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim – phổi…, nên theo chỉ dẫn của bác sĩ mà dùng kháng sinh, thuốc giãn phế quản cho tới thuốc tiêu đờm hợp lý. Khi thiếu oxy, suy hô hấp nên tiến hành thở oxy tại nhà theo phác đồ của bác sĩ, tránh do trường kỳ thiếu oxy mà tạo thành biến chứng nghiêm trọng.
- Tiến hành tập luyện hồi phục phổi, có thể căn cứ tình hình cá thể mỗi ngày tiến hành tập luyện hít thở bằng bụng vài lần. Trong một ngày thời gian dưỡng phế tốt nhất là buổi sáng khoảng 8 giờ. Lúc này, tập luyện vận động như đi bộ, chạy chậm, Thái cực quyền…, có thể đảm bảo tăng cường sự đàn hồi của phế nang, cải thiện chức năng phổi.
- Nếu ho có đờm, khó thở nặng hơn so với bình thường hoặc lượng đờm tăng nhiều hoặc thành đờm vàng, nên phải tới bệnh viện khám.
Thời gian Phế yếu nhất là buổi tối 21 – 23 giờ, sau cơm tối miệng ngậm miếng lê, đến trước khi đi ngủ lúc đánh răng nhổ ra, có thể tư nhuận tạng phế. Trong cả năm mùa dưỡng Phế tốt nhất là mùa thu, tức Lập thu đến Lập đông. Do đó mùa thu lượng nước bổ sung cần nhiều hơn, mỗi ngày nhất định đảm bảo uống khoảng 2 lít nước, mới có thể bảo đảm phổi và đường hô hấp được nhuận hoạt, làm tạng phế vượt qua mùa đông cách an toàn.
Theo jingyan.baidu.com
Liên Hoa biên dịch