Trầm cảm nói riêng và các bệnh tâm thần nói chung đang trở nên phổ biến do áp lực của cuộc sống hiện đại. Đó là những căn bệnh mà y học phương Đông gọi là bệnh tình chí bị rối loạn. Ngay từ thuở xưa, các nhà y học đã đề ra những phương cách trị liệu rất độc đáo, xin đưa ví dụ qua vài câu chuyện vui.
Trong Đông y, “thất tình” được sử dụng để chỉ 7 loại “tình chí” (tình cảm, tinh thần) – có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật.
“Thất tình” gồm: Hỷ – Nộ – Ưu – Tư – Bi – Khủng – Kinh. “Hỷ” là vui vẻ, sung sướng; “nộ” là tức giận; “ưu” là u sầu, buồn bã; “tư” là tư lự, lo nghĩ, “bi” là đau buồn, đau thương; “khủng” là sợ hãi; “kinh” là kinh hãi, sửng sốt quá mức.
“Thất tình” là phản ứng tâm lý có tính bản năng, nói chung không có hại đối với sức khỏe. Nhưng theo học thuyết âm dương, khi thất tình biến động quá kịch liệt hoặc kéo dài quá lâu, thì có thể gây nên bệnh tật do mất cân bằng âm dương.
Cũng theo quan điểm “Hình thần hợp nhất” của Đông y, hệ thống Tạng phủ trong nhân thể không chỉ đảm nhiệm các chức năng sinh lý, mà còn chi phối các hoạt động tình chí. Mỗi loại tình chí thông ứng với một Tạng nhất định: “Kinh” và “Hỷ” thông ứng với tạng Tâm; “nộ” ứng với tạng Can, “tư” ứng với tạng Tỳ; “bi” và “ưu” ứng với tạng Phế; “khủng” ứng với tạng Thận.
Nói cách khác, tình chí là biểu hiện bên ngoài của hoạt động Tạng phủ; tựa như là chiếc “phong vũ biểu”, phản ánh tình trạng hoạt động của Tạng phủ bên trong cơ thể. Tạng phủ kiện toàn thì tinh thần sáng suốt, tâm trạng thoải mái. Và ngược lại, tình chí điều hòa, tâm trạng ổn định thì nội tạng cũng sẽ kiện toàn.
Thất tình gây bệnh, ngoài cường độ và thời gian tác động, còn phụ thuộc vào tính chất của từng loại tình chí. “Hỷ” là loại tình chí ít gây bệnh nhất, “nộ” gây bệnh tương đối nặng, “kinh” và “khủng” gây bệnh nhanh nhất, “ưu” và “tư” gây bệnh tương đối chậm nhưng khó chữa.
Ngoài ra, thất tình còn có xu hướng gây tổn thương đối với Tạng thông ứng với nó. Ví dụ: hỉ thương tâm, nộ hại thương can (vui quá tổn thương tim, tức giận hại gan). Nên muốn chữa được “tâm bệnh” này cũng cần “tâm dược”, người thầy thuốc giỏi phải có nghệ thuật y học (tâm thuật), thậm chí chấp nhận mang tiếng “lang băm”.
1. Hoa Đà kê đơn thuốc bằng lời lăng mạ, dùng thuật “kích nộ” để chữa bệnh
Một viên Quận thú mắc nhiều bệnh, lâu ngày tư lự, nghĩ ngợi liên miên, chẳng còn thiết gì đến ăn uống, nên cơ thể ngày càng suy kiệt… Chỉ còn cách tìm đến thần y Hoa Đà. Sau khi xem mạch, Hoa Đà thấy rằng, chỉ dùng “tâm thuật” mới có thể chữa khỏi được bệnh… Thế là, hàng ngày đòi chủ nhà phải cung phụng đủ thứ rượu ngon, sơn hào hải vị và đòi tiền thù lao rất cao. Ngày này qua ngày khác, Hoa Đà chỉ ăn uống vui chơi, chẳng kê đơn thuốc hay châm cứu.
Quận thú rất tức giận. Mấy ngày sau, bỗng Hoa Đà bỏ đi, không thèm cáo từ, còn để lại một bức thư nhục mạ thậm tệ. Quận thú nổi trận lôi đình, liền sai gia nhân đuổi theo bắt giết. Gia nhân trở về báo không đuổi kịp, nhưng kỳ thực đã được Hoa Đà căn dặn. Quận thú tức giận, thổ ra một đống máu đen… Thế nhưng lạ thay, sau đó bệnh giảm dần sức khỏe ngày càng tăng tiến…
Sau này, Hoa Đà mới giải thích: Quận thú bị bệnh lâu ngày, tư lự quá độ, “tư tắc khí kết” (tư lự quá độ khiến khí cơ uất kết), khí kết thì huyết sẽ bị ứ đọng (huyết ứ). Chỉ có cách “kích nộ”, “nộ tắc khí nghịch”, tức giận kích thích khí vận hành ngược lên. Khí hành, thì huyết cũng hành. Huyết ứ sẽ theo khí nghịch lên, thổ ra ngoài và bệnh sẽ khỏi.
2. Đàn ông mang bầu, dĩ hỷ thắng ưu
Sách “Cổ kim y án” có chép câu chuyện như sau:
Một chàng trai vừa thi đỗ tú tài, đột nhiện vợ chết, ưu sầu than khóc suốt ngày, lâu ngày sinh bệnh. Thầy mời đến đã nhiều, thuốc uống đã đủ loại, mà bệnh không đỡ. Sau được danh y Chu Đan Khê xem mạch và bảo: “Mạch của anh là “hỷ mạch” (mạch phụ nữ mang thai), xem chừng đã được vài ba tháng …”
Chàng trai liền ôm bụng cười và nói: “Ông được tiếng là danh y mà không hiểu, nam và nữ có chỗ khác nhau sao? Thật chẳng khác gì bọn lang y tầm thường!” Sau đó, mỗi lần nghĩ đến chuyện này, chàng trai lại khoái chí cười vang, thường lấy đó làm trò tiêu khiển cùng bằng hữu. Ngày tháng trôi qua và bệnh khỏi lúc nào không biết.
Khi ấy, Chu Đan Khê mới giảng giải cho chàng tú tài kia cái nguyên lí “dĩ hỷ thắng ưu” – lấy vui thắng buồn, cũng là lấy hành Hỏa để khắc chế hành Kim vậy.
3. Phụ nữ bị trầm cảm: Vua bỏ ngai vàng đóng giả kẻ bán hàng rong để làm mỹ nữ cười
Video: Chuyện cổ tích “Lọ nước thần”
Sau khi nhà Vua chiếm được người đẹp nhưng nàng vẫn nhớ thương người chồng thuở hàn vi mà không nói không cười. Vua bèn hạ lệnh cho rao trong dân chúng hễ ai có cách gì làm cho nàng cười nói lên được, thì sẽ ban thưởng cho quan cao lộc hậu.
Nghe tin này, có nhiều người, từ những vai hề nổi tiếng, những ông trạng cười cho đến các bậc lương y, các pháp sư phù thủy v.v… đua nhau trẩy kinh hy vọng dùng tài phép làm cho người đàn bà phải buột miệng nói cười để mong ân thưởng. Nhưng chưa một ai thành công, không ai động đến tâm can của nàng. Vinh hoa phú quý cũng không làm nàng vui vẻ nơi chốn cung đình hoa lệ.
Mãi cho đến khi anh chồng biết tin quẩy gánh hành khổng lồ đến hoàng cung và rao:
“ Dọc bằng đòn gánh
Củ bằng bình vôi
Ai mua hành tôi
Thì thương tôi với!”
Cô đã cười và nói trở lại. Nhà vua lại nghĩ rằng tình tiết kỳ lạ này làm cho cô gái vui nhưng không biết cô đã nhận ra giọng của người chồng cũ mà vui mừng.
Cũng có ý rằng: phải gặp thầy gặp thuốc, bắt đúng bệnh thì mới có thể khỏi được.
Hoàng Kỳ t/h
Xem thêm:
- Sự việc mẹ dìm con trai 33 ngày tuổi trong chậu nước: Trầm cảm hay loạn thần sau sinh?
- Tinh hoa Đông y: Trị bệnh tận gốc phải trị từ tâm
- Tinh hoa dưỡng sinh của Hải Thượng Lãn Ông: Dưỡng tâm là đệ nhất (P1)
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.