Câu chuyện cảm động về cô bé Hải An 7 tuổi ở Hà Nội hiến giác mạc sau khi qua đời vì bệnh ung thư não đã lay động hàng triệu trái tim mọi người. Chỉ trong thời gian ngắn, tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội đã có gần 650 người đến đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.
Chỉ 10 ngày sau khi bé Hải An hiến giác mạc, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) đã có gần 650 người đến đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, tiếp nối sự sống cho nhiều người khác.
Theo VOV, bà Nguyễn Thị Minh Tâm ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đăng ký hiến tạng cho biết: “Hộp bánh ăn xong rồi còn cái vỏ vứt đi thì phí, con người mình cũng vậy, nếu chôn hoặc thiêu xác thì phí quá trong khi mình vẫn có thể giúp ích được cho bao nhiêu con người đang cần. Chính vì vậy, tôi cũng đã quyết định sẽ hiến tặng mô, tạng. Lúc đầu tôi nghĩ chỉ hiến tặng một vài bộ phận trên cơ thể thôi nhưng sau tôi nghĩ nhiều người cũng cần và da thì những người bỏng cũng cần vậy tại sao mình không hiến nốt và bộ xương cũng có thể làm giáo cụ cho sinh viên y khoa học tập. Sau 2 hôm đấu tranh tư tưởng, tôi đã quyết định đăng ký hiến tất cả các bộ phận trên cơ thể mình”.
Câu chuyện của bé Hải An lan tỏa trong cộng đồng cũng đã thôi thúc anh Nguyễn Quang Tiến ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, thực hiện tiếp ước nguyện của người cha đã quá cố. Anh Quang Tiến kể lại, người cha đã căn dặn lại các thành viên gia đình là sau khi qua đời có mong muốn hiến xác cho y học. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ước nguyện của người cha đã không được thực hiện.
Anh Quang Tiến cho biết đã đi đăng ký xin hiến mô tạng sau khi qua đời: “Khi bố tôi mất, ông cũng mong muốn làm được điều gì cho đời nhưng tôi đã mắc nợ ông điều đó. Sau khi có trường hợp của bé Hải An, tôi đã đến đăng ký hiến tất cả các bộ phận trên cơ thể. Tôi sẽ thực hiện tâm nguyện thay bố tôi”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, sau câu chuyện của bé Hải An khiến nhiều người từng có ý định đăng ký hiến mô tạng không còn lý do để chần chừ nữa.
“Tất cả những người đăng ký hiến tặng mô, tạng thực sự cảm thấy tự hào về việc làm của mình. Họ hạnh phúc vì không chỉ nắm trong tay cơ hội sẽ trao lại món quà sự sống, một món quà vô giá cho bất kỳ một người nào ngay khi họ qua đời mà họ hạnh phúc ngay trong chính giây phút hiện tại. Họ đã vượt qua được chính sự sợ hãi về cái chết để đối diện với nó. Và khi người nào đối diện với sự sợ hãi và vượt qua được nó thì trong họ lúc đó chỉ còn lại là niềm vui và hạnh phúc lan tỏa”.
Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, tính đến thời điểm này, số người đăng ký hiến mô, tạng trong 10 ngày qua tăng gấp 100 lần so với ngày thường. Tại Tp.HCM, TS BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy cho hay, gần 4 năm từ ngày phát hành thẻ đầu tiên (28/10/2014) tới nay, đã có 5.000 trường hợp đăng ký hiến tặng mô tạng tự nguyện khi qua đời, theo Vietnamnet.
Tại Việt Nam hiện hơn 10.000 người suy tạng cần ghép, khoảng 300.000 người bị bệnh lý giác mạc mà không có giác mạc thay thế.
Vì thế, việc những bệnh nhân chết não, tim ngừng đập hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp và cần được nhân rộng. Hiến tạng- cho đi là còn mãi!
Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não. Hiện có hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời là Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). |
Phương Nam