Rau má còn gọi là tích huyết thảo. Đây là loại rau quen thuộc được sử dụng để ăn sống hoặc chế biến các món ăn trong bữa cơm của các gia đình. Không chỉ vậy rau còn là một vị thuốc tốt được sử dụng trong điều trị một số bệnh và công dụng điều trị sẹo nổi bật.
Theo Đông y, rau má vị ngọt hơi đắng, tính bình. Toàn thân khi tươi có vị đắng, hăng hơi khó chịu. Khi khô thì chỉ còn mùi cỏ khô, được thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc sao vàng. Có tính chất giải độc, giải nhiệt, thông tiểu dùng chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư bạch đới, thiếu sữa, viêm họng, nhọt độc, dị ứng, mẩn ngứa, bỏng…
Một số nghiên cứu cho rằng hợp chất trong rau má có chứa các saponin (axit asiatic, axit brahmic), có cấu trúc tri – tecpen, tác dụng lên mô liên kết, giúp cho các mô tái tạo nhanh chóng do đó làm cho vết thương mau lành và lên da non. Khi điều trị bằng rau má, sự liền sẹo được kích thích bằng việc sản xuất ra các chất keo loại I. Việc điều trị này cũng cho thấy sự giảm sút đáng kể của các tác động viêm nhiễm và việc tạo ra các nguyên bào sợi.
Sau đây là một số kinh nghiệm dùng rau má làm thuốc:
- Chữa đau bụng, tiêu chảy, lỵ: Rau má (lấy toàn bộ cây) rửa sạch, thêm ít muối, nhai sống. Ngày ăn khoảng 30 – 40 g. Hoặc luộc lên ăn.
- Chữa phụ nữ kinh nguyệt đau bụng, đau lưng: Rau má hái lúc ra hoa, phơi khô, tán nhỏ. Ngày uống 1 lần buổi sáng, mỗi lần uống 2 thìa cafe gạt ngang.
- Chữa rôm sẩy, mẩn ngứa: Hàng ngày ăn rau má trộn dầu dấm. Hoặc rau má (khoảng 30 – 100g) rửa sạch, giã nát vắt lấy nước (hoặc dùng máy xay sinh tố), thêm đường vào uống.
- Cảm nắng bị nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn: Lấy 1 nắm rau má tươi rửa sạch, giã nhuyễn lấy nước cốt pha loãng, thêm vài hạt muối uống. Bã đắp lên trán và thái dương lấy khăn buộc lại.
- Táo bón: Rau má 30g giã nát đắp uống nước, bã đắp lên rốn.
- Trẻ biếng ăn, còi cọc, đi ngoài phân sống: Rễ rau má 1 nắm to rửa sạch để cho thật ráo nước, sao khô, tán bột cho vào cháo hoặc nấu chung với bột gạo thành cháo. Có thể phối hợp bột củ mài.
Ngoài những lợi ích trên thì rau má còn có tác dụng trị sẹo rất tốt. Nếu sử dụng trong quá trình đang lên da non thì hiệu quả biểu hiện tốt hơn.
1. Trị sẹo lõm
Rau má rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng trong vòng 15 phút, vớt ra để ráo. Lấy một nửa xay uống, thêm một ít đường vào cho dễ uống. Nửa còn lại giã nát đắp lên mặt khoảng 15 – 20 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
2. Trị sẹo lồi
Bạn cần chuẩn bị rau má, cùng với mật ong. Sau đó bạn hãy rửa sạch, giã nát rau má, lọc lấy nước hòa đều với mật ong. Bôi hỗn hợp lên vùng da bị sẹo lồi, massage nhẹ nhàng và rửa lại bằng nước ấm sau 30 phút. Cách này không những loại bỏ vết sẹo mà còn giúp da được dưỡng ẩm, tái tạo làn da, giúp da trẻ trung hơn.
3. Trị sẹo thâm
Rau má rửa kỹ, ngâm nước muối rồi vớt ra. Nghiền nát rau má thành dạng mịn. Tiếp theo, bạn cần vệ sinh vết sẹo thật sạch sau đó lấy rau má đã nghiền đắp vào chỗ sẹo, ngày đắp 2 lần. Kiên trì thực hiện liên tục trong 4 tháng. Chúng sẽ làm mờ hầu hết các vết sẹo lâu năm.
Lưu ý: tránh lạm dụng rau má khi cơ thể ở trạng thái hư hàn (người sợ lạnh, chân tay lạnh, mệt mỏi, ngại nói…), đang bị đau bụng đi ngoài do hàn.
Yến Dương