Nhịp sống bận rộn, ăn uống nghỉ ngơi không điều độ làm người mắc các bệnh về dạ dày ngày càng ra tăng. Đầy bụng, khó tiêu, đau bụng tuy chỉ là những dấu hiệu nhỏ nhưng mang lại nhiều hệ lụy. Vậy nguyên nhân nào gây ra triệu chứng này?
Dấu hiệu đầy bụng, khó tiêu
- Ợ hơi, buồn nôn, ợ nóng ở cổ họng
- Thở mạnh, đi lại khó nhọc
- Xuất hiện những cơn đau bụng âm ỉ
- Chán ăn, sợ ăn, hoặc ăn nhưng có cảm giác nhanh no
- Mỗi khi ăn có thể thấy khó nuốt hoặc cảm giác vướng víu nơi cổ họng
- Bụng tức nặng ở phía trên, cảm giác óc ách như chứa đầy nước, đầy hơi
- Có thể xuất hiện tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy
Những nguyên nhân gây đầy bụng, khó tiêu
– Nguyên nhân từ các bệnh dạ dày : Hầu hết các chứng bệnh về dạ dày đều do sự tấn công của vi khuẩn Helicobacter pylori gây nên. Khi chúng tấn công và gây viêm nhiễm trên bề mặt của niêm mạc dạ dày, sẽ làm giảm khả năng co bóp và tiêu hóa. Khi đó các thức ăn có trong dạ dày sẽ nên men và sinh ra hơi và đầy bụng.
– Ăn nhiều tinh bột, chất béo, dầu mỡ từ các món chiên xào và sử dụng các loại chất kích thích đều làm dạ dày không có đủ men để chuyển hóa, từ đó dẫn tới chướng bụng, đầy hơi.
– Do thói quen ăn uống không lành mạnh như nhai vội, nuốt nhanh, vừa ăn vừa làm việc khác (xem tivi,…), ăn không đúng giờ, không đúng bữa, ăn trước khi đi ngủ, vận động ngay sau khi ăn,… cũng khiến thức ăn khó tiêu từ đó gây đầy bụng.
– Stress cũng là một trong những nguyên nhân chính gây đầy hơi, và khó tiêu. Tình trạng này kéo dài, sẽ tác động và làm tăng tiết dịch axit dạ dày dẫn tới xuất hiện các triệu chứng trên.
– Do tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng viêm, giảm đau, kháng sinh, tiểu đường, huyết áp, tránh thai,…
Làm thế nào khi bị đầy bụng, khó tiêu?
- Uống nước ấm pha với tinh dầu bạc hà cũng là một cách để loại bỏ tình trạng đầy hơi, khó tiêu hiệu quả
- Ăn tỏi tươi nướng cũng là cách hỗ trợ loại bỏ tình trạng này
- Dùng hỗn hợp nước cốt chanh đem pha cùng với mật ong và một vài lát gừng pha với nước ấm để uống sẽ giúp các bạn nhanh chóng lấy lại cảm giác nhẹ nhõm ở bụng
Ba loại thực phẩm tốt cho dạ dày
1. Bí đỏ
Theo y học cổ truyền, bí đỏ có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí, kiện tỳ, giải khát, nhuận tràng, điều trị hiệu quả chứng đau đầu chóng mặt, tiểu đường, hạ huyết áp, có lợi cho tim mạch, giúp làm sáng mắt, đặc biệt là hỗ trợ tiêu hóa và điều trị viêm loét dạ dày. Chính vì vậy mà nhiều bệnh nhân bị đau dạ dày cấp hay bị bệnh đại tràng thường được các bác sỹ khuyến cáo nên tích cực sử dụng loại quả này.
2. Khoai tây
Khoai tây có chứa hàm lượng tinh bột cao. Sau khi vào cơ thể, nó có thể được chuyển đổi nhanh chóng thành glucose, bảo vệ dạ dày của bạn và thúc đẩy nhu động dạ dày, đường ruột
3. Cà rốt
Theo Sách Dược tính chỉ nam “Hồ la bặc (củ cà rốt) vị ngọt tính ấm không độc, chủ trị hạ khí bổ trung tiêu, thông lợi được lồng ngực và trường vị, yên ngũ tạng, ăn ngon dễ tiêu, dùng nó tăng sức khỏe không có hại”. Theo y học cổ truyền, cà rốt có vị ngọt hơi ấm, có tác dụng bổ Tỳ, trợ Thận, dưỡng huyết, ích khí, cầm tả, trừ hàn thấp đặc biệt là dược liệu trị đau dạ dày, tiêu chảy cực hiệu quả. Nhiều tài liệu gần đây đã chứng minh loại củ này có tác dụng đào thải chất độc chống lão hoá, hạn chế phát triển của vi khuẩn có hại cho đường ruột, ngừa ung thư.
Phổ Nhĩ – trà cho người dạ dày không khỏe
Chè (trà) Phổ Nhĩ là một loại được làm từ trà đen, qua một quá trình lên men giúp cho các vi sinh vật có lợi phát triển, giống như rượu vang, càng để lâu thì chất lượng càng được nâng cao.
Công dụng giảm cân của trà Phổ Nhĩ đã được nhiều người biết đến, ngoài ra còn những công dụng sức khỏe khác như hạ mỡ máu, kiện vị, hạ huyết áp, chống ung thư, chống bức xạ, tăng thị lực. Đây là do trà Phổ Nhĩ làm kích thích nhu động đường ruột, rút ngắn thời gian thức ăn và chất béo tồn đọng, không chỉ giảm hấp thụ chất béo mà còn thúc đẩy sự bài tiết chất béo, khiến tỷ lệ bài tiết chất béo lên đến 66%.
Trà Phổ Nhĩ lên men có chứa nhiều vi khuẩn có lợi, không gây kích thích dạ dày, lại hình thành lớp màng bám trên bề mặt của tạng phủ này, có lợi cho bảo vệ dạ dày, uống đều đặn loại trà này mang lại hiệu quả điều dưỡng và bảo vệ dạ dày.
Ấn huyệt Trung quản mỗi ngày để bảo vệ dạ dày
Đây là huyệt Hội của mạch Nhâm với các kinh Tiểu trường, Tam tiêu và Vị. Huyệt có vị trí từ lỗ rốn thẳng lên 4 thốn hoặc lấy ở điểm giữa của đoạn thẳng nối rốn và đường gặp nhau của 2 bờ sườn.
Bệnh nhân bị đau dạ dày cấp tính có thể ấn huyệt Trung quản trong 10 giây, rồi buông tay ra. Sau đó lặp lại như vậy trong vòng 3 phút sẽ giúp giảm thiểu triệu chứng này. Bệnh nhân bị đau dạ dày mãn tính có thể ấn nhẹ huyệt Trung quản, dùng bàn tay xoa nhẹ, nhằm giúp tăng cường khả năng tiêu hóa, giảm dần triệu chứng đau.
Theo Kknews.cc
Kiên Định biên dịch