Thiếu vitamin D dường như đã trở thành vấn đề toàn cầu mặc dù mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 15 phút dưới ánh nắng tự nhiên là đã có đủ lượng cần thiết cho cơ thể!

Khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, cơ thể sẽ tổng hợp ra loại vitamin này. Nhiều nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng thiếu vitamin D có thể dẫn đến các vấn đề tim mạch chứ không chỉ là gây còi xương ở trẻ em, nhuyễn xương, loãng xương ở người trưởng thành như nhiều người từng biết.

Thiếu vitamin D thời thơ ấu có thể dẫn đến xơ vữa động mạch lúc trưởng thành

Khi câu truyện huyền thoại về “cholesterol gây xơ vữa động mạch” đang dần lùi vào quá khứ, thì một nghiên cứu mới đây xuất bản trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism  đã tiết lộ cho chúng ta một trong những nguyên nhân chủ yếu hơn của bệnh tim hiện đại: thiếu vitamin D. Các nhà nghiên cứu tại Phần Lan đã phát hiện ra rằng ở những người có lượng vitamin D thấp hơn bình thường khi đang ở độ tuổi thanh thiếu niên có nhiều khả năng bị xơ cứng động mạch và mắc bệnh tim khi trưởng thành.

Tiến sĩ Markus Juonala là một chuyên gia trong lĩnh vực nội khoa và nội tiết tại trường đại học Turku. Ông đã nghiên cứu hơn 2.100 người Phần Lan, đánh giá lượng vitamin D của họ ở khoảng thời gian từ 3-18 tuổi. Sau đó ông so sánh lượng vitamin D này với tỉ lệ mắc bệnh xơ cứng động mạch ở độ tuổi 30-45, và tìm kiếm mối liên quan giữa lượng vitamin D và bệnh tim.

Sau khi đã tính đến các yếu tố nguy cơ khác như huyết áp cao, hút thuốc, chế độ ăn nghèo nàn, ít vận động và béo phì, Tiến sĩ Juonala cùng các đồng nghiệp đã phát hiện ra mối tương quan trực tiếp giữa lượng vitamin D thấp khi còn trẻ và nguy cơ mắc bệnh tim tăng lên khi trưởng thành, do xơ cứng động mạch.

Ông cho biết: “Mối liên hệ [này] là độc lập đối với các yếu tố nguy cơ tim mạch thông thường, bao gồm có nồng độ lipid máu, huyết áp, hút thuốc, chế độ ăn, hoạt động thể chất, chỉ số béo phì, và tình trạng kinh tế xã hội”.

Các nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng vitamin D có tác dụng ức chế vôi hóa mạch máu.

Thiếu vitamin D đang trở thành “đại dịch”

Ước tính trên toàn thế giới có khoảng 1 tỉ người thiếu vitamin D. Ngay ở những nước nhiệt đới, tỉ lệ thiếu vitamin D cũng không hề thấp. Một nghiên cứu tại Việt Nam tiến hành trên 382 học sinh tiểu học cho thấy có đến gần 50% trẻ thiếu vitamin D. Ở Thái Lan và Malaysia cũng có tình trạng tương tự như Việt Nam, cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%!

Một nghiên cứu tại Việt Nam tiến hành trên 382 học sinh tiểu học cho thấy có đến gần 50% trẻ thiếu vitamin D.

Tình trạng thiếu vitamin D hiện đang được coi là đại dịch toàn cầu, bởi những nghiên cứu trong nhiều năm gần đây đã khiến chúng ta phải nhìn nhận lại vai trò và tầm quan trọng của loại vitamin này.

Thiếu vitamin D không chỉ làm tăng nguy cơ bị loãng xương, mà là yếu tố nguy cơ của nhiều căn bệnh mãn tính nguy hiểm khác như bệnh tim, ung thư, đa xơ cứng, đái tháo đường và các căn bệnh nhiễm trùng, như lao.

Hầu như mọi căn bệnh mãn tính thường gặp đều có liên quan với vitamin D. Trong một hội nghị quốc tế về vitamin D, một chuyên gia hàng đầu cho rằng nền y học đang ở trong “kỷ nguyên vitamin D”. Đáng buồn là đến nay, nhiều người, ngay cả các nhân viên y tế, vẫn chưa đặt vitamin D vào đúng vị trí của nó.

Vì sao thiếu vitamin D?

Thông thường, cơ thể chúng ta nhận được vitamin D chủ yếu từ hai nguồn: thực phẩm và khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên lượng vitamin D hấp thu từ thức ăn chỉ chiếm một tỉ lệ thấp, chỉ khoảng 10% nhu cầu cơ thể. Thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày chứa rất ít vitamin D. Các loại cá như cá hồi, cá tuyết, cá thu, cá trích có lượng vitamin D cao hơn những cá khác. Nấm phơi khô cũng chứa nhiều vitamin D. Có đến 90% nhu cầu vitamin D của cơ thể được tổng hợp chủ yếu khi da tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên. Vào mùa hè, chỉ cần phơi nắng trong vài phút (10-20 phút), lúc đó cơ thể chúng ta đã sản xuất được trung bình 20.000 IU vitamin D (cơ thể người cần 3000-5000 IU/ngày), chỉ đơn giản như vậy, vitamin D quả là món quà trời ban.

Vậy tại sao tỉ lệ thiếu vitamin trên toàn thế giới vẫn cao? Thực tế, cuộc sống hiện đại khiến con người ít tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên hơn, đặc biệt trẻ em thời nay đang ngày càng dành ít thời gian vui chơi ngoài trời.

Ở Việt Nam, một nước nhiệt đới được ban cho ánh nắng mặt trời “sung túc” thì vẫn có rất nhiều người bị thiếu vitamin D. Phái nữ thường muốn giữ làn da trắng nên thường che kín mít tay, chân, mặt để… chống nắng, nên đã vô tình từ chối nhận của “trời cho”.

Một yếu tố nữa không thể không kể đến là do nhiều người dân, thậm chí ngay cả các nhân viên y tế cũng chưa hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng và mức độ thiếu hụt vitamin D.

Để giảm thiểu gánh nặng y tế và các vấn đề sức khỏe trong dân chúng thì đã thông điệp này cần được phổ biến rộng rãi. Hãy dành vài phút mỗi ngày để phơi nắng, tốt nhất là nắng sáng sớm hoặc chiều muộn, kết hợp với đi bộ được thì càng tuyệt với. Chỉ một chút lưu tâm nhỏ, có thể bạn đã bỏ qua nhiều căn bệnh mãn tính rồi!

Đại Hải

Tham khảo:

(1) Bài viết “Tỷ lệ thiếu Vitamin D và một số yếu tố liên quan ở trẻ em 1 đến 6 tháng tuổi tại Hà Nội” trên trang viendinhduong.vn

(2) Bài viết “Hơn 50% học sinh tiểu học thiếu vitamin D” trên trang dantri.com.vn

(3)  http://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/vitamin-d/

(4) http://www.sciencedaily.com/releases/2015/02/150210141736.htm

Xem thêm: