Đau bụng dữ dội nhưng người đàn ông nghĩ do dạ dày nên chỉ uống thuốc giảm đau rồi tiếp tục ăn nhậu. Tuy nhiên, khi đau không thở được, người đàn ông đã được người nhà đưa tới viện cấp cứu.
Sau chầu nhậu với bạn bè trong dịp nghỉ tết, ông Nguyễn Sinh, 56 tuổi, Tp.HCM thấy đau vùng trên rốn, khó chịu, theo Vietnamnet.
Nghĩ chỉ bị đau dạ dày, ăn uống khó tiêu, ông tự mua thuốc giảm đau, thuốc dạ dày để uống và tiếp tục tham gia những bữa nhậu khác.
Qua ngày thứ 5, khi vùng bụng đau dữ dội, đến mức như lời ông Sinh “thở thôi cũng đau”, ông được người nhà đưa tới bệnh viện Bình Dân cấp cứu.
Bệnh nhân được các bác sĩ thực hiện các xét nghiệm sinh hóa mấu, kết quả chỉ số men tụy của ông tăng gấp 20 lần so với mức bình thường. Hình ảnh siêu âm, CT-scan cho thấy vùng thận hoại tử.
Trao đổi với Vietnamnet, BS Lê Hữu Phước, Phó trưởng khoa gan-mật-tụy BV Bình Dân, ngay tại thời điểm nhập viện, người bệnh đã có dấu hiệu suy thận, vô niệu và cần hồi sức tích cực, bồi hoàn nước điện giải, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.
Người bệnh sau đó phải chạy thận, lọc máu, kết hợp điều trị ức chế men tụy mới qua cơn nguy kịch.
Dịp nghỉ tết, BV đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho 30 trường hợp viêm tụy cấp, cao gấp 6 lần bình thường – BS Phước nói và cho biết, một số người bệnh có nguy cơ hoại tử tụy với diễn biến phức tạp cần phải hồi sức tích cực.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm tụy là do sỏi đường mật, uống rượu bia. Viêm tụy cũng có thể xuất hiện do dùng thuốc, bệnh lý tự miễn, nhiễm trùng, chấn thương, rối loạn chuyển hóa và tổn thương tụy sau phẫu thuật ổ bụng.
“Hơn 70% người bệnh viêm tụy mạn tính là do rượu. Do đó, nếu có triệu chứng đau bụng cấp sau khi ăn nhậu, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị sớm”, BS Phước khuyến cáo.
Việm tụy cấp nguy hiểm thế nào?
Tuyến tụy vừa có chức năng nội tiết, tiết hormone insulin và glucagon để giữ ổn định lượng đường trong máu, vừa là cơ quan ngoại tiết, tiết ra các men tiêu hóa thức ăn.
Tình trạng viêm tụy xảy ra khi các men này hoạt hóa trước khi được đổ vào ruột non. Lúc này men tụy sẽ tấn công chính tuyến tụy, gây tổn thương, viêm hoại tử và có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Viêm tụy cấp là một cấp cứu cần được can thiệp gấp vì có thể tạo điều kiện cho các cytokine tràn ra ngoài tụy và đổ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng và lan sang các bộ phận khác. Chất độc cũng có thể đi vào máu gây hạ huyết áp, nhiễm trùng huyết, tổn thương các cơ quan bên ngoài ổ bụng.
Các bệnh do uống rượu gây ra
– Viêm gan: Gan là bộ phận bị tác động nhiều nhất do bia rượu. Càng uống nhiều rượu và càng uống lâu dài thì càng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho gan.
Viêm gan do rượu là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài 1-2 tuần. Triệu chứng: chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Bệnh có thể diễn tiến đến xơ gan do tế bào gan bị tổn thương thường xuyên.
– Bệnh phổi: Khoảng 5% lượng cồn trong máu sẽ nhanh chóng khuếch tán vào trong các túi nằm trong phổi. Các túi phổi sẽ làm ấm dung dịch cồn, chuyển chúng thành dạng hơi mà khi chúng ta thở ra, các phân tử hơi này sẽ là tiêu chí để đo lượng cồn trong hơi thở.
Nếu uống rượu trong một thời gian dài, các chất cồn sẽ làm mất đi một chất chống oxy hoá quan trọng trong phổi, từ đó phổi bị tổn thương vĩnh viễn và vô hình trung đặt cơ thể bạn trước nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như viêm phổi, cũng như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
– Bệnh gút: Lượng cồn nhiều là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh gút. Ban đầu, các chất cồn dư thừa, tích tụ lại sau nhiều lần “quá chén” sẽ gây ra những trục trặc cho quá trình trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng.
Sự tích tụ chất này trong các ổ khớp sẽ dẫn đến bệnh gút, hay còn gọi là bệnh thống phong, phá huỷ mạn tính khớp, gây nên các cơn viêm khớp thống phong cấp với các biểu hiện sưng đỏ và đau nhức. Mỗi lần uống liên tục nửa lít rượu mạnh sẽ làm gia tăng lượng acid uric trong máu.
– Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng: Sau khi được đưa vào cơ thể, dạ dày là “trạm dừng chân” đầu tiên của cồn. Chỉ trong vòng 5 phút, 20% quân số sẽ lập tức xâm nhập vào máu bằng cách trượt đi giữa các tế bào biểu mô sản xuất chất nhầy. Tại đây, cồn sẽ làm suy yếu các biểu mô bảo vệ dạ dày, do đó tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, ợ nóng, viêm loét và chảy máu.
– Bệnh tiểu đường: Rượu, bia khi uống vào cơ thể được chuyển hóa thành acetaldehyde và các gốc tự do gây hại cho tế bào. Về mặt tự nhiên, cơ thể có thể tự chuyển hóa các độc tố này thành những chất vô hại và thải ra ngoài.
Tuy nhiên, đối với người thường xuyên sử dụng rượu, bia vượt ngưỡng cho phép, cơ thể sẽ không tự đào thải được và acetaldehyde cùng các gốc tự do có hại sẽ tham gia phá hủy cấu trúc bình thường của các tế bào, dẫn đến gây viêm, gây xơ tế bào, làm loạn chức năng tế bào, trong đó có tế bào tụy.
– Giảm khả năng sinh sản: Cồn thuộc các chất có tác dụng độc hại đến tinh hoàn và tinh trùng. Nam giới uống rượu trước khi sinh hoạt tình dục không những làm tăng khả năng sẩy thai ở phụ nữ, mà còn có thể ảnh hưởng đến việc phát triển của đứa con sinh ra. Người mẹ uống rượu trong thời gian mang thai dễ sinh ra những đứa con bị khuyết tật về trí tuệ.
Phương Nam