Thường xuyên bị khụt khịt mũi, tưởng cảm cúm nên người phụ nữ đã tự mua thuốc về uống. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc mũi càng ngạt và khó chịu hơn, người phụ nữ đã quyết định đi khám và được các bác sỹ chẩn đoán ung thư vòm họng.

Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca vào năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào năm 2020. Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư.

Theo số liệu từ viện K Trung ương, ung thư vú chỉ có 50% ca bệnh phát hiện sớm. Còn ung thư đại trực tràng tỷ lệ này khoảng 32%. Đặc biệt, một số bệnh ung thư có tỷ lệ phát hiện muộn cao như ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư vòm họng…

Tưởng cảm cúm hóa ra ung thư

Theo Infonet, trường hợp của bệnh nhân Bùi Hà Minh trú tại Thanh Trì, Hà Nội chết điếng vì bác sỹ bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương nghi ngờ sùi ở vòm họng, theo dõi ung thư vòm họng. Kết quả nội soi kèm theo sinh thiết niêm mạc khẳng định ung thư vòm họng.

Ngạt mũi kéo dài, coi chừng ung thư vòm họng
Ảnh minh họa.

Theo lời kể của chị Minh, kể khoảng 3 tháng nay chị bị khụt khịt mũi. Thời gian đầu, chị tưởng cảm cúm nên mua thuốc cảm về uống rồi chuyển sang ngạt mũi, mũi lúc nào cũng khụt khịt khó chịu. Chị Minh tự mua thuốc nhỏ mũi về nhỏ nếu khó thở. Cách đây 2 năm chị cũng bị triệu chứng như trên nên chị cứ nghĩ đó là viêm mũi do thời tiết vì nóng, lạnh thất thường.

Gần đây, tình trạng ngạt mũi nặng hơn, đi đánh răng khạc nhổ chị Minh thấy có kèm máu nhầy nên đi kiểm tra sức khoẻ nào ngờ bệnh đã ở giai đoạn tiến triển.

Cũng chủ quan giống chị Minh, anh Vũ Văn Hoàn ở Hà Nam, 31 tuổi được bác sỹ chẩn đoán anh bị ung thư vòm họng. Anh Hoàn kể không có triệu chứng gì đặc biệt ngoài biểu hiện ù ù 1 bên tai. Những lúc ngồi chơi anh cảm giác trong tai có gì kêu ro ro, một bên mũi hay bị ngạt nhưng anh chủ quan vì nghĩ mấy triệu chứng của cảm cúm, thay đổi thời tiết.

Trong đợt công ty kiểm tra sức khoẻ, bác sỹ nội soi mũi họng thấy vòm họng của anh có nhiều giả mạc, kèm theo sùi sùi nên bác sỹ khuyên anh kiểm tra lại vùng vòm. Tại Bệnh viện Bạch Mai bác sỹ chẩn đoán ung thư vòm họng.

Ung thư vòm họng nguy hiểm thế nào?

Ung thư vòm họng là bệnh đứng đầu trong các loại ung thư vùng đầu – mặt – cổ, diễn biến nhanh, tỉ lệ tử vong cao. Đây là 1 trong 10 loại ung thư phổ biến trên thế giới. PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết: “Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào ở vùng vòm họng – phần cao nhất của hầu họng, ngay phía sau của mũi. Ðây là loại ung thư thường gặp hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ và đứng thứ 4 trong các loại ung thư nói chung”, theo Infonet.

Khi mới hình thành, ung thư vòm họng thường có dấu hiệu của nhiều bệnh liên quan đến tai mũi họng như cảm cúm hoặc bệnh nội khoa về thần kinh, mạch máu. Người bệnh thường chủ quan bỏ qua các triệu chứng sớm của bệnh vì cho rằng chỉ mắc chứng cúm thông thường.

Ung thư vòm họng thường được phát hiện muộn do bệnh tiến triển âm thầm, các triệu chứng của bệnh không đặc thù, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Hơn nữa, vùng vòm ở sâu, là khu vực không dễ tiếp cận để thăm khám đối với các bác sỹ không chuyên khoa.

Triệu chứng ung thư vòm họng

Các triệu chứng của bệnh hầu hết là các triệu chứng “mượn” của các cơ quan lân cận và thường biểu hiện ở một bên:

– Biểu hiện ở mũi: Ngạt tắc mũi, chảy mủ mũi, chảy máu mũi, nói giọng mũi.

– Biểu hiện ở tai: U làm tắc vòi tai gây viêm tai giữa biểu hiện đau tai, ù tai, chóng mặt, nghe kém, có thể chảy mủ tai.

– Biểu hiện ở mắt: Khu u lan rộng vào nền sọ, gây liệt các dây thần kinh chi phối hoạt động mắt biểu hiện lác mắt, lồi mắt, sụp mi, giảm thị lực…

Ngạt mũi kéo dài, coi chừng ung thư vòm họng
Ngạt mũi kéo dài, coi chừng ung thư vòm họng

– Hạch cổ: Là dấu hiệu thường gặp, gặp ở 60-90% các trường hợp.

Ngoài ra còn có các biểu hiện toàn thân khác thường gặp như đau đầu nhiều, gầy sút cân trong thời gian ngắn, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân… cũng cần phải được lưu ý.

Phòng tránh bệnh ung thư vòm họng

Bệnh ung thư vòm họng phát sinh ở người không có yếu tố nguy cơ rõ ràng, do đó chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu. Tuy vậy, để phòng bệnh điều quan trọng vẫn là tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ.

Không nên hút thuốc lá. Các nhà khoa học đã chứng minh những người đang hút thuốc mà từ bỏ được thì sau 5-6 năm nguy cơ mắc ung thư vòm họng sẽ giảm xuống giống như những người không hút thuốc.

Hạn chế uống rượu, bia và các chất có cồn gây hại cho cơ thể. Hạn chế ăn thịt muối, cá muối và các thức ăn lên men (dưa muối, củ muối).

Đi khám bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng hoặc chuyên khoa ung bướu khi có các triệu chứng bất thường về tai mũi họng kéo dài mà điều trị thông thường không khỏi.

Bổ sung các loại trái cây, rau củ vào khẩu phần ăn uống. Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý, luyện tập thể lực để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Phương Nam