Khoa Điều trị bỏng, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đã tiếp nhận nam bệnh nhân Nguyễn V. (17 tuổi, Hà Nội) bị bỏng mặt, lưng ngực, 2 tay diện tích 40% cơ thể. 

Theo An Ninh Nhân Dân, bệnh nhân V. cùng 3 người bạn nướng mực bằng cồn. Do ngọn lửa có màu xanh trong, bệnh nhân V. vội vàng cho thêm cồn vào khay khiến ngọn lửa bùng lên gây bỏng nặng và được đưa vào Khoa Cấp cứu. Ngày 24/6, các vết bỏng vẫn còn sâu rộng, có dấu hiệu hoại tử, băng thấm dịch.

Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận các bệnh nhân bị bỏng lửa do nướng mực. Các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng cồn để nướng mực là không an toàn, thậm chí để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhiều ca bỏng để lại di chứng nặng nề, bệnh nhân phải phẫu thuật ghép da vài lần mà không thể hết sẹo.

Cách xử lý khi bị bỏng cồn

– Đầu tiên phải đưa nạn nhân ra khỏi nơi bị nạn, loại bỏ tác nhân gây bỏng. Phải tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giày, ủng, vòng, nhẫn… trước khi vết bỏng sưng nề.

– Dội nước lạnh liên tục trong 20-30 phút.

– Để tránh nhiễm khuẩn, không được bôi dầu, mỡ… lên vùng bỏng; không làm vỡ các đám da phỏng nước; không được bóc da hoặc mảnh quần áo dính vào vết bỏng.

– Nên phủ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch.

Nam bệnh nhân ở Hà Nội bị bỏng nặng do nướng mực bằng cồn

– Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra. Nếu quãng đường đến viện xa thì có thể bù dịch cho bệnh nhân bằng uống nước orezon, nước chè đường để tránh sốc.

Lan Phương