Theo một nghiên cứu mới đây, gần một nửa bác sỹ Mỹ cảm thấy kiệt sức và dẫn đến cứ 7 bác sỹ thì có một người mang ý định tự tử.

Theo khảo sát của trang Medscape, gần một nửa số bác sỹ muốn bỏ nghề vì quá mệt mỏi, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở các đồng nghiệp nữ.

“Thật đáng báo động”, bà Brunilda Nazario, giám đốc y khoa của WebMD, đơn vị sở hữu Medscape lên tiếng. Lý giải hiện tượng trên, bà Nazario cho biết hầu hết các bác sỹ nói rằng nguyên nhân là do mức độ công việc giấy tờ và việc nhập dữ liệu vào hồ sơ điện tử cho lần khám. Thực tế tại Mỹ, các bác sĩ phải bỏ ra 45 phút mỗi ca bệnh chỉ để đưa thông tin vào máy tính, do đó chỉ còn một ít thời gian trực tiếp làm việc với bệnh nhân.

“Họ tốn thời gian khổng lồ cho nhập dữ liệu”, bà Nazario nhận định. “Tôi biết rõ điều này bởi lần đi khám gần nhất, bác sĩ chỉ nhìn tôi không quá hai phút. Thời gian còn lại, ông ấy chăm chăm vào màn hình máy tính”.

Hệ quả là nỗi sợ hãi. “Tôi sợ đi làm”, một bác sỹ thần kinh nói. Một bác sỹ gia đình chia sẻ bị căng thẳng đến mức sảy thai tái diễn. Một bác sỹ gây mê kể lại căng thẳng khiến anh uống nhiều rượu và lười vận động.

Ảnh: Prezi.com

Trong số các chuyên ngành y khoa, bác sĩ tiết niệu có tỷ lệ kiệt sức và trầm cảm cao nhất, chiếm 54%. Tiếp đó là bác sĩ thần kinh với tỷ lệ 53%. Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến bác sĩ tiết niệu kiệt sức và trầm cảm nhiều nhất song bà Nazario cho biết bác sĩ càng làm việc quá giờ càng dễ rơi vào trạng thái này.

Phần lớn bác sĩ khẳng định trầm cảm không ảnh hưởng đến nhiệm vụ, 35% thừa nhận cảm thấy bực bội với bệnh nhân và 14% mắc những lỗi hiếm khi phạm phải.

“Tôi không nghĩ rằng các bác sĩ trách móc bệnh nhân”, bà Nazario bình luận. “Họ hiểu rõ rằng đây là vấn đề hệ thống”.

Tại Mỹ, trung bình mỗi ngày có 1 bác sỹ tự tử, cao hơn cả tỷ lệ tự tử trong ngành quân đội nước này. Các bác sĩ tự tử thường bị trầm cảm hoặc mắc các bệnh tâm thần khác mà không được điều trị. Ngoài Mỹ, nghiên cứu từ Phần Lan, Na Uy, Australia, Singapore và Trung Quốc đều cho thấy xu hướng lo âu, trầm cảm và ý muốn tự sát ở sinh viên y khoa cũng như chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Tại Việt Nam, nghiên cứu trên 2000 sinh viên y khoa ở 8 trường Đại học Y dược cho thấy gần một nửa có dấu hiệu trầm cảm, 8.7% sinh viên có ý nghĩ tự tử. Theo tác giả nghiên cứu GS. Michael P. Dunne thì tỷ lệ sinh viên Y khoa Việt Nam có các dấu hiệu trầm cảm cao hơn đáng kể so với nghiên cứu trên người trưởng thành ở Việt Nam và cao hơn so với nghiên cứu trên sinh viên Y khoa ở Mỹ.

Đại Hải
(Tổng hợp)