Mùa nhãn, vải sắp tới cũng là khi mà loài bọ xít sinh sôi. Chúng thường đậu và đẻ trứng trên quần áo, khăn mặt… Nếu không để ý kỹ, khi mặc lên người những chất dịch từ bọ xít bám vào cơ thể có thể gây viêm ra, hỏng mắt.
Bọ xít đẻ trứng, bám vào quần áo phơi ngoài sân
Mới đây, một chủ tài khoản Facebook đã đăng tải những hình ảnh của một tổ trứng bọ xít bám trên quần áo khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Chủ bài viết chia sẻ, ban đầu không để ý, rút quần áo phơi khô về mặc bình thường, ngồi một lúc thấy lộm cộm liền vạch ra để kiểm tra thì thấy cả ổ trứng bọ xít bên trong quần áo.
Đây là loại bọ xít gây hại cho cây nhãn, vải rất phổ biến ở Việt Nam. Loại bọ xít này thường hay đậu vào quần áo phơi ngoài sân, nơi gần cây cối. Chúng thường đẻ nhiều trứng thành cụm dính chặt lên quần áo, khăn lau…
Bọ xít tiết ra chất dịch cực độc có thể gây viêm da, mù mắt
Chia sẻ với Helino, bác sĩ Nguyễn Thành, nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết sắp đến mùa nhãn vải, rất nhiều người thường bị viêm da do tiếp xúc chất kích ứng từ côn trùng, đặc biệt là độc tố từ chất dịch do bọ xít tiết ra. Bác sĩ Thành khẳng định bọ xít được liệt kê vào danh sách những loại côn trùng nguy hiểm nhất ở nước ta.
Sau khi nở, những con bọ xít non sẽ đậu lên khắp nơi, không chỉ quần áo mà còn trên khăn mặt, khăn tắm… Khi chạm vào, chúng sẽ tiết ra chất dịch gây viêm da, bỏng da, thậm chí bỏng mắt dù không chủ động tấn công. Khi giặt đồ, bọ xít có thể chết nhưng chất dịch của chúng sẽ vô tình bám khắp quần áo, khăn lau… dẫn đến kích ứng da toàn bộ cơ thể.
Triệu chứng thường gặp của viêm da do chất dịch từ bọ xít là bề mặt da đỏ rát, phù nề, các bọng nước nhỏ nằm rải rác, có thể lan ra khắp cơ thể nếu bọ xít bò sâu vào quần áo.
Đặc biệt, có thể nguy hiểm đến tính mạng khi bị bọ xít hút máu. Theo những nghiên cứu trước đây, bọ xít hút máu người có thể truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi vào cơ thể qua những vết đốt, gây nên bệnh “Chaga”. Khi mắc phải bệnh này, nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ và mất khả năng miễn dịch. Khi trở thành mãn tính, bệnh có thể gây nghẽn mạch máu dẫn đến tử vong.
Biện pháp phòng tránh bọ xít
Để tránh tiếp xúc với các chất dịch từ bọ xít, các chuyên gia khuyến cáo sau khi rút quần áo phơi khô về, cần cẩn thận kiểm tra kỹ mặt trong, mặt ngoài của từng chiếc quần, áo, khăn mặt, khăn tắm… để phát hiện và loại bỏ kịp thời trứng bọ xít.
Nếu thấy bọ xít, tuyệt đối không đập chết bằng tay mà cần dùng tấm giẻ to, ẩm chụp bắt, sau đó lấy một tấm giẻ ướt khác lau hết chất dịch còn sót lại.
Nếu chẳng may tiếp xúc với chất dịch bọ xít, để tránh lây lan ra các vùng da khác, người bệnh không nên sờ tay vào chỗ phù nề rồi lại chạm vào vùng da khác. Thay vào đó, nên nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước xối mạnh, có thể rửa bằng xà phòng diệt khuẩn. Sau đó, người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị, tránh vết thâm, sẹo để lại.
Trong trường hợp chất dịch bọ xít bắn vào mắt gây bỏng rát, tuyệt đối không được tự ý lấy tay dụi mắt vì sẽ làm đau và xước niêm mạc. Nên nhỏ nước muối sinh lý nhiều lần và dùng khăn sạch để thấm cho hết sạch dịch. Nếu mắt có hiện tượng mờ đi, sưng đỏ hay xung huyết, cần được các bác sĩ chuyên khoa mắt khám chữa kịp thời, tránh biến chứng gây ảnh hưởng tới thị lực.
Lan Phương