Mùa hè đến rồi, cha mẹ hãy cùng con tạo nên những hoạt động ý nghĩa, bổ ích. Dưới đây là 7 hoạt động “chơi mà học” giúp trẻ có cảm xúc tích cực, phát triển thể chất và gia đình thêm gắn kết.

1. Đạp xe

Đạp xe không chỉ là một hình thức vận động thể chất giúp con rèn luyện sức khỏe mà còn là loại hình giải trí khá thú vị. Bạn có thể khuyến khích trẻ đạp xe bằng việc ra giải thưởng nếu con đạp xe được một khoảng cách nhất định hay để trẻ đạp xe cùng bạn bè để tạo cảm hứng. Bạn tuyệt đối không để trẻ đua xe cùng bạn bè vì sự phấn khích đôi khi có thể làm hại chúng.

Tuỳ từng hoàn cảnh mỗi gia đình mà có thể chọn thời gian phù hợp để đạp xe: sáng sớm, chiều hay buổi tối. Đạp xe dạo quanh khu phố quen thuộc hay len lỏi trong những con hẻm nhỏ… rồi cùng trò chuyện với con về cuộc sống là một việc khá thú vị phải không?

2. Dã ngoại

Những chuyến đi dã ngoại đưa các con tách khỏi cuộc sống thường nhật nơi thành phố và đem lại rất nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Có nhiều bài học về những kỹ năng xã hội, đặc biệt là cách làm việc nhóm, hợp tác, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau. Bạn hãy cùng con tổ chức nhiều trò chơi, tạo ra nhiều ‘nhiệm vụ’ thú vị.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là da-ngoai-3.jpg

Đi dã ngoại cho con cơ hội để học tập được những điều mới lạ, qua đó có thể giúp con khám phá ra tiềm năng và thấu hiểu tính cách của bản thân. Trước khi đi, các thành viên trong gia đình cần có kế hoạch, phân công nhiệm vụ, chia sẻ công việc với nhau. Những chuyến đi được thiết kế với những chỉ dẫn và phương tiện cần thiết để con phát huy khả năng về thể thao, nghệ thuật, khám phá và vui hết mình…

Những hoạt động giải trí xen lẫn với bồi dưỡng kiến thức thường phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc, nên sẽ tạo điều kiện giúp con xác định những gì bản thân cảm thấy yêu thích và hứng thú. Từ đó cũng có thể phần nào định hướng cho con đưa ra lựa chọn phù hợp trong tương lai.

Những chuyến leo núi, khám phá đồi thông, tìm hiểu thế giới thực vật, vui cùng cỏ cây hoa lá thật tuyệt vời! Con sẽ được mở rộng tầm mắt, chiêm ngưỡng nhiều vẻ đẹp đa dạng và kỳ thú. Qua các chuyến dã ngoại, trẻ sẽ thêm yêu thiên nhiên, có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, say mê lao động, cũng như biết trân trọng thành quả lao động của người khác.

3. Cắm trại và ngắm sao

Cắm trại cũng là một hoạt động khá thú vị, đặc biệt, cắm trại sẽ cho bạn nhiều trải nghiệm hơn khi đêm xuống. Bạn có để ý thấy đôi khi trẻ khá thích thú với việc thức khuya không? Dù không thường xuyên nhưng đôi khi bạn nên cùng con làm một chuyến đi xa cắm trại để tăng sự trải nghiệm cho bé. Điều này không hoàn toàn xấu.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là cam-trai-ngam-sao.jpg

Một chuyến đi xa khỏi thành phố đến một vùng quê yên tĩnh hay nếu gia đình có sân thượng thì tại sao bạn không tận dụng khoảng không gian này. Vào cuối tuần, hãy chuẩn bị một ít thức ăn nhẹ, dựng lều lên và cùng bé ngắm những ngôi sao.

Bạn chuẩn bị những câu chuyện, nguồn gốc của những vì sao, các chòm sao cho trẻ, rồi hỏi ” tại sao mặt trăng lúc tròn lúc khuyết?”, “con có nhìn thấy cây đa ở mặt trăng không?”… Điều này sẽ khơi gợi sự tò mò tìm hiểu của bé và đảm bảo rằng con sẽ hỏi bạn ngàn lẻ một câu hỏi thú vị đấy!

Đừng quên một điều là bôi thuốc hoặc kem chống côn trùng cho trẻ nhé. Nhờ vậy, buổi cắm trại vui vẻ sẽ không bị phá rối bởi những “kẻ” không mời mà đến.

4. Đi bơi

Trong tiết hè nóng nực như hiện nay, việc cho trẻ đi bơi là một trong những hoạt động rất bổ ích, nó không chỉ làm giảm bớt cái nóng của mùa hè, mà còn là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe.

Đi bơi vào buổi tối cũng là một trải nghiệm thú vị cho trẻ mà bạn nên cho con thử. Bơi lội vào buổi tối có một số ưu điểm như: ít xảy ra các nguy cơ như bị đột quỵ hay cháy nắng. Với hoạt động này, bạn có thể khuyến khích con mình thi bơi cùng các bạn. Để trẻ đi bơi an toàn phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Luôn để mắt đến trẻ trong quá trình bơi.
  • Không cho trẻ bơi quá lâu, đối với người lớn tối đa 1 tiếng, với trẻ nhỏ chỉ khoảng 30 phút, tùy theo độ tuổi.
  • Trước khi đi bơi, mẹ nên chuẩn bị cho bé đầy đủ như mũ bơi, kính bơi để tránh các bệnh lây nhiễm.
  • Bôi kem chống nắng cho bé, kiểm tra nhiệt độ nước trước khi cho bé bơi để đảm bảo nước không quá lạnh, nếu nước lạnh mẹ nên làm ướt bé từ từ, không nên cho bé xuống hồ bơi luôn để cơ thể bé thích nghi với nhiệt độ nước.

5. Làm máng cho chim ăn

Cái nóng khắc nghiệt mùa hè không chừa một ai, kể cả động vật. Trong tiết trời khắc nghiệt ấy, những chú chim phải phơi mình dưới ánh nắng gay gắt để kiếm ăn hoặc phải di trú từ nơi này sang nơi khác với một hành trình dài. Trong hành trình ấy, chúng phải dừng lại kiếm ăn rất nhiều lần.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là cho-chim-an.jpg

Bạn hãy tranh thủ dịp hè này dạy con bài học về lòng trắc ẩn bằng việc hướng dẫn bé làm một máng cho chim ăn. Bạn và bé hãy tận dụng những mảnh gỗ nhỏ, lon sữa, lon đồ hộp hay chai nhựa… để làm máng ăn cho chim. Bạn có thể để vật dụng này bên cửa sổ phòng ngủ của bé hay trên sân thượng… nhắc con luôn cho thức ăn và nước vào thường xuyên.

Dù hoạt động này không mấy phổ biến ở Việt Nam nhưng đây cũng là cách hay để bé con nhà bạn sống gần gũi với thiên nhiên hơn, biết yêu thương động vật. Không chỉ thế, hoạt động này cũng gián tiếp giúp dạy con về sự tỉ mỉ cũng như khơi mào khả năng sáng tạo riêng của trẻ.

6. Đánh hoặc bắt cầu lông

Để có thể tham gia hoạt động này, bạn cần phải huy động cả gia đình, chia thành hai đội rồi chơi một trận cầu lông thật thú vị.

Việc tham gia những trò chơi như đánh cầu lông cũng là cách để gia đình gắn kết với nhau. Ngoài đánh cầu lông, bạn cũng có thể biến tấu thành trò bắt cầu lông. Một người sẽ phát cầu và một người bắt. Gia đình bạn có thể chơi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, miễn là sắp xếp cho phù hợp hoàn cảnh.

Cũng giống như việc cắm trại ngắm sao, bạn cũng cần chú ý thoa kem chống muỗi cho trẻ nếu chơi ở khu vực có nhiều muỗi. Ngoài chơi cầu lông, cả gia đình bạn có thể đá banh, đá cầu, nhảy dây cùng nhau.

7. Trò trốn tìm, bịt mắt bắt dê

Trẻ tham gia trò chơi này sẽ học được tính kiên nhẫn, kích thích sự nhạy bén trong việc tìm kiếm người chơi. Trốn tìm, bịt mắt bắt dê là những trò chơi kinh điển, đã gắn bó với tuổi thơ biết bao thế hệ. Một người tìm trong khi vài người đi trốn, một người bịt mắt bắt những người còn lại cũng khá thú vị đúng không nào?

Nhưng lưu ý rằng nên đảm bảo để trẻ chơi đùa trong tầm quan sát của mình. Đừng để trẻ đi quá xa so với khu vực xung quanh nhà, không chơi ở những nơi nguy hiểm (gần cống rãnh, có chó dữ, nhiều bụi cây…).

Chơi trốn tìm vào buổi tối sẽ làm tăng thêm phần thú vị của trò chơi. Nhưng bạn đừng dọa khiến con sợ mà không muốn chơi nữa nhé!

Với trẻ nhỏ, vui chơi đúng cách, đúng thời gian, đúng độ tuổi cũng là một cách “học” bởi vì nó đem lại lợi ích lớn cho sự phát triển thể chất, kỹ năng và tâm lý.

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Video xem thêm: Chính quyền Trung Quốc lan truyền tin đồn nhảm liên quan đến virus corona

videoinfo__video3.dkn.tv||6c092fe4e__