Việc thừa lại đồ ăn sau mỗi bữa là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là cơm. Người Việt Nam vốn rất coi trọng hạt gạo vì thế thường có thói quen không bỏ cơm nguội mà giữ lại để sử dụng tiếp. Tuy nhiên nếu bạn không dùng đúng cách thì nguy cơ ngộ độc là hoàn toàn có thể.
Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết, việc hâm đi hâm lại hay rang cơm nguội không gây ra ngộ độc mà đúng hơn là do cách bảo quản cơm thừa không đúng nên cơm dễ thiu, đặc biệt vào mùa nóng, chỉ qua 1 đêm là cơm đã hỏng rồi.
1. Vì sao cần bảo quản cơm nguội đúng cách?
Trong gạo có một loại vi khuẩn tên là Bacillus cereus. Vi khuẩn này xuất hiện trong quá trình trồng trọt và thu hoạch lúa. Khi nấu chín gạo thành cơm, vi khuẩn này không bị tiêu diệt mà chuyển thành dạng bào tử – một cách “ngủ đông” – để tự bảo vệ.
Nếu chúng ta ăn cơm khi vừa nấu chín dưới 6 tiếng thì bào tử này sẽ không gây hại nhưng nếu để cơm nguội trên 6 tiếng mà không có phương pháp bảo quản thích hợp, các vi khuẩn có trong cơm sẽ hoạt động trở lại và gây hại cho hệ tiêu hóa.
Cơm để ở nhiệt độ phòng càng lâu, càng nhiều khả năng nhanh hỏng và gây ngộ độc.
2. Cách bảo quản
Tốt nhất, chỉ nên nấu cơm vừa đủ ăn bởi không chỉ riêng cơm mà bất cứ thực phẩm nào nếu để lâu ngoài môi trường, hâm đi hâm lại nhiều lần đều sẽ bị biến chất, hao hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nếu nhà bạn nấu cơm bằng nồi cơm điện thì đừng quên sử dụng chế độ “giữ nhiệt” (ký hiệu là “warm” hoặc “hâm”) – giúp duy trì nhiệt độ trong nồi luôn ở mức 60°C để ngăn chặn vi khuẩn Bacillus cereus phát triển trở lại cũng như không để xảy ra tình trạng hồ hóa tinh bột.
Nếu đã lấy cơm ra ngoài nồi cơm điện thì bạn nên dùng hết trong vòng 5 tiếng. Còn nếu muốn bảo quản cơm cho ngày hôm sau, bạn hãy áp dụng cách sau:
– Sau khi cơm chín, bạn hãy đặt nồi cơm ở nơi thoáng mát để nguội, không để các thực phẩm hoặc thức ăn khác dính vào cơm. Lưu ý: nên dùng rổ thưa và sạch thay vì dùng nắp đậy kín nồi cơm nóng vì sẽ khiến cơm nhanh bị thiu do hấp hơi nước.
– Khi cơm đã nguội, cho cơm vào hộp kín và đặt vào ngăn mát tủ lạnh.
– Sáng hôm sau, bạn chỉ cần lấy hộp cơm ra hấp lại là có thể sử dụng được ngay.
Lưu ý: Cơm đã để bên ngoài trên 6 tiếng hoặc bảo quản trong tủ lạnh hơn 24 tiếng thì không nên sử dụng. Không nên hâm, chiên hoặc làm nóng cơm quá 2 lần nếu không cơm sẽ bị hồ hóa và mất chất dinh dưỡng.
3. Lưu ý khi nấu cơm
Để cơm nấu được ngon và lâu thiu, các bạn cần lưu ý một số mẹo nhỏ sau:
– Nhớ rửa sạch nồi và nắp trước khi nấu cơm, chú ý rửa sạch cả những bợn cơm dưới đáy và nắp nồi.
– Cho thêm nhúm muối khi vo gạo. Nếu gạo bị mốc nên vo kĩ, tráng qua nhiều lần nước cho sạch.
– Bạn cũng có thể nấu cơm với một chút muối, tương tự như nấu xôi. Việc này không những giúp cơm thêm đậm đà mà còn bảo quản cơm lâu thiu hơn.
– Nếu không dùng muối, bạn có thể cho giấm vào nồi cơm khi nấu theo tỉ lệ 2 ml giấm cho 1.5 kg gạo. Đảm bảo cơm khi nấu xong sẽ trắng muốt và rất lâu thiu.
4. Cách hấp cơm
– Hấp cơm cũ với cơm mới: Không đảo trộn phần cơm hấp với cơm mới. Tốt nhất nên ăn hết phần cơm hấp sau đó mới xới đều phần cơm mới nên để ăn, nếu vẫn thừa thì tiếp tục hấp lại để đề phòng trường hợp cùng một lượng cơm hấp đi hấp lại nhiều lần.
Nếu chắc chắn sẽ dùng hết cả cơm cũ và cơm mới, khi nồi cơm mới cạn, khoét một chút cơm mới vừa bằng chỗ cơm nguội. Tiếp theo cho vào phần cơm nguội đã bổ sung thêm chút nước, rồi lấy cơm mới vùi lấp lại. Để cơm nhỏ lửa hoặc bật lại nấc nấu nếu là nồi cơm điện. Khi nào bốc hơi lên, nảy nấc là có được nồi cơm nguội vừa ngon vừa nóng hổi.
– Hấp bằng nồi cơm điện: Cho ít nước nóng vào nồi. Cơm nguội cũng cho vào nồi, đảo đều cơm với nước, bật nút nấu và chờ sau vài phút là ta đã có được nồi cơm nóng ngon như mới nấu.
– Hấp bằng lò vi sóng: Cho cơm nguội vào bát thủy tinh, lấy màng bọc thực phẩm bọc kín lại (không để màng bọc tiếp xúc trực tiếp với cơm) rồi cho vào nồi vi sóng, sau vài phút ta sẽ được bát cơm rất ngon mà không bị khô.
– Có thể cho cơm nguội vào xửng hấp bánh và đừng quên cho ít muối vào nước hấp là được.
– Ngoài ra, bạn có thể chế biến cơm nguội còn thừa thành món cơm chiên tỏi hoặc cơm chiên dương châu đầy hấp dẫn.
Hoàng Kỳ (T/h)
Xem thêm:
- Cụ bà trên 100 tuổi chia sẻ bí quyết trường sinh: yêu gia đình, lẩy Kiều, cơm nguội chan ‘canh chè xanh’
- Mách bạn 5 kiểu nấu cơm mới lạ cho người sành ăn, giàu dinh dưỡng phòng bệnh tật
- Lời tâm sự của một ni cô: Thần tích hiển linh tôi đã khỏi ung thư dạ dày kỳ diệu như thế nào?
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.