Khi bắt đầu biết tin có bầu, các chị em phụ nữ sẽ được rất nhiều người quan tâm và cho những lời khuyên ‘rút ruột’ như: đừng ăn đào vì có thể khiến con bị câm điếc, đừng ăn dứa vì sẽ dễ sinh non, đừng ăn ốc vì con sẽ nhiều dãi…

Có kiêng có lành là đúng, nhưng nhiều lời khuyên chỉ mang tính truyền miệng từ người này sang người kia và được xem như ‘kiến thức chuẩn’ khiến các mẹ bầu nghe răm rắp nên có khi hại nhiều hơn lợi.

1. Mẹ bầu ăn đào sinh con dễ bị câm điếc?

Quả đào

Không chỉ có ngày xưa mà nhiều người hiện đại ngày nay cũng tin rằng bà bầu không được ăn đào, vì đây là một trong những thực phẩm dễ khiến mẹ bầu bị sảy thai (nhất là 3 tháng đầu), bé sinh ra có thể bị câm, điếc hoặc cơ thể sẽ có nhiều lông trên người (giống quả đào có lông).

Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định cho đến nay chưa có một bằng chứng khoa học nào khẳng định quan niệm trên là đúng. Hơn nữa, phụ nữ mang thai bị cấm ăn quả đào là sai lầm vì đã vô tình đã khiến chị em bỏ qua một loại quả rất tốt cho sức khỏe:

  • Ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh

Theo các chuyên gia, bà bầu ăn quả đào trong thai kỳ sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Các vitamin, khoáng chất và folate trong trái đào sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ khuyết tật ống thần kinh như tật nứt đột sống ở thai nhi. Ngoài ra, những dưỡng chất này cũng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của em bé.

  • Tăng cường sự phát triển của em bé

Quả đào là nguồn thực phẩm dồi dào chất xơ và vitamin C góp phần cho sự tăng trưởng và phát triển của em bé trong cơ thể mẹ. Các hàm lượng dinh dưỡng trong loại trái cây này cũng giúp cơ bắp và mạch máu thai nhi phát triển tốt. Ngoài ra, hàm lượng kali trong quả đào còn giúp ngăn ngừa chuột rút ở cơ bắp và tăng cường năng lượng cho mẹ khi mang thai.

Thậm chí, bài thuốc Đông y dùng trong các trường hợp động thai còn dùng quả đào phơi khô, sây khô có tác dụng chỉ huyết. Tuy nhiên đào nhân (nhân của hạt đào) thì lại có tác dụng phá huyết trừ ứ, dùng trong trường hợp thống kinh, bế kinh, đau bụng sau sinh thì phụ nữ có thai dùng sẽ không tốt.

Cách ăn đào an toàn cho mẹ bầu

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo, quả đào có vị ngọt, tính nóng nên nếu ăn nhiều đào, bà bầu dễ bị xuất huyết. Lông ở vỏ quả đào rất dễ gây ngứa, rát cổ họng. Vì vậy, mẹ bầu cũng phải có cách ăn hợp lý, khoa học để bảo vệ thai nhi.

  • Trước khi ăn đào phải gọt vỏ, tránh gây ngứa cổ họng.
  • Mỗi tuần mẹ bầu chỉ nên ăn khoảng 2-3 quả đào (cách 2 hoặc 3 ngày, bạn có thể ăn một quả đào) thì không gây hại gì.
  • Thai phụ mắc chứng tiểu đường nên hạn chế đào; bởi vì, quả đào chứa một lượng lớn đường.

2. Mẹ bầu ăn dứa gây sinh non?

Quả dứa

Quả dứa được xếp vào danh sách những món ‘cấm kỵ’ đối với mẹ bầu vì các mẹ cho rằng loại quả này có chứa chất làm co thắt tử cung, tăng nguy cơ sinh non.

Thực tế là dứa có chứa bromelain – một hoạt chất gây co thắt tử cung. Tuy nhiên, lượng bromelain trong một quả dứa không ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn. Trên thực tế, để tạo ra ảnh hưởng đến thai kỳ, bạn phải ăn từ 7-10 trái dứa cùng một lúc, và điều này hầu như không thể xảy ra đối với mẹ bầu.

Do vậy, bà bầu vẫn hoàn toàn có thể ăn dứa với mức độ vừa phải, như các loại trái cây sẽ không có tác động tiêu cực nào đối với em bé, đồng thời 2 mẹ con vẫn có cơ hội hấp thụ đầy đủ dưỡng chất dồi dào trong loại trái cây thơm ngon này.

3. Mẹ bầu ăn ốc khiến con bị nhiều đờm dãi?

Ốc luộc

Khi mang thai, các ông bà khuyên bà bầu không ăn ốc vì khi sinh con ra thường hay bị chảy nước dãi, gây mất vệ sinh và khó khăn trong quá trình nuôi con sau này.

Theo Đông Y, ốc có tính hàn, vị ngọt có tác dụng chữa trị bệnh hiệu quả như bệnh vàng da, thủy đậu, nhiễm trùng, trĩ, bệnh gan… lựa chọn ốc bổ sung thường xuyên giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Tuy nhiên, đối với bà bầu việc ăn ốc có mang lại lợi ích được như vậy không?

Thực ra, trong ốc chứa nhiều dinh dưỡng, các loại vitamin, chất béo, chất sắt, đặc biệt là canxi và chất đạm trong ốc có thể là nguồn dinh dưỡng tốt cho phụ nữ đang mang thai. Theo bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam, cứ 100g ốc bươu cung cấp được 84kcal; 11,2g chất đạm và 1.320mg canxi.

Quan niệm ăn ốc khi mang thai có thể khiến còn bị đờm dãi là do liên tưởng những con ốc thường xuyên tiết chất nhầy ở miệng chứ chưa có nghiên cứu nào khẳng định tính chính xác. Vì vậy các bà bầu vẫn có thể ăn món khoái khẩu này khi muốn.

Tuy nhiên, ốc là món ăn có tính hàn, nên khi ăn các mẹ cũng cần chú ý ăn ít một, đảm bảo vệ sinh không sẽ gây đau bụng, tiêu chảy.

Hoàng Kỳ t/h

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.