Trong quá trình chữa bệnh, Trương Trọng Cảnh không những ứng dụng phương pháp của người đi trước, mà còn mạnh dạn áp dụng cách thức chưa bao giờ được dùng. Câu chuyện sau đây là minh chứng cho điều đó.
Trương Cơ tự Trọng Cảnh (sinh khoảng năm 150, mất khoảng năm 219) là người Niết Dương quận Nam Dương, danh y nổi tiếng lỗi lạc cuối thời Đông Hán. Ông một đời vì dân chữa bệnh, luôn thương yêu mọi người, không những có y thuật cao minh mà còn có y đức cao thượng.
Trương Trọng Cảnh siêng học và hay suy nghĩ từ thuở bé. Chưa lên 10, ông đã đọc thông nhiều sách về y thuật. Thầy ông, Trương Bá Tổ, là một thầy thuốc Trung hoa danh tiếng thời đó.
Sau hàng chục năm miệt mài, Trương Trọng Cảnh đã viết tổng cộng 16 phần cuốn thương hàn tạp bệnh luận, một tài liệu y thuật dựa trên kinh nghiệm cá nhân và một lượng lớn những tri thức mà ông tập hợp được. Sách trình bày chi tiết có hệ thống những nguyên nhân, cơ chế bệnh lý, cũng như nguyên tắc trị liệu, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển các khoa lâm sàng trong tương lai
Những thang thuốc trong Thương hàn tạp bệnh luận, chẳng hạn như Ma Hoàng Thang, Quế Chi Thang, Sài Hồ Thang, Bạch Hổ Thang, Thanh Long Thang, Ma Hạch Thạch Cam Thang, qua hàng ngàn năm kiểm nghiệm trên lâm sàng được kiểm chứng có hiệu quả cao. Chúng là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các bài thuốc cổ Trung Hoa. Sau đó, Hoa Đà, một danh y nhà Hán đọc Thương hàn tạp bệnh luận, khen rằng “một cuốn sách có thể cứu người thần kỳ”. Thương hàn tạp bệnh luận của ông được coi là “ông tổ của các bài thuốc”
Trong quá trình chữa bệnh, Trương Trọng Cảnh không những ứng dụng phương pháp của người đi trước, mà còn mạnh dạn áp dụng cách thức chưa bao giờ được dùng. Câu chuyện sau đây là minh chứng cho điều đó.
Một lần nọ, có bệnh nhân bị bệnh táo bón không đi ngoài được đến tìm ông chữa bệnh. Sau khi thăm khám, ông xác định bệnh nhân này mắc bệnh Trường Minh, đó là một loại bệnh do sốt cao làm bí đại tiện.
Những thầy thuốc thời đó, hễ gặp trường hợp tương tự thường cho bệnh nhân uống thuốc tiêu chảy. Riêng ông, khi thấy bệnh nhân sức khỏe không tốt, suy nhược cơ thể, không chịu được thuốc tiêu chảy nên không áp dụng nó cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu không dùng thuốc này thì nhiệt tà trong người không tống được ra ngoài và bệnh cũng không thể chữa khỏi. Vậy nên làm thế nào để trị liệu?
Trương Trọng Cảnh suy nghĩ khá lâu, cuối cùng quyết định dùng phương pháp mà trước đây chưa ai dùng, để cho bệnh nhân có thể đi ngoài được mà lại không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ông lấy ra một ít mật ong rồi đem đun cho khô lại, nhân lúc mật ong còn nóng viên lại thành những viên dài và nhỏ, chờ cho mật ong thật khô, từ từ nhét vào hậu môn bệnh nhân. Phân bị táo bón khô cứng cùng với nhiệt tà được thải ra ngoài. Sau khi đi ngoài được, bệnh tình cũng khỏi ngay. Đó là phương pháp súc rửa ruột sớm nhất trong lịch sử y học Trung Quốc, nguyên lý y học của nó đến nay vẫn được áp dụng.
Trương Trọng Cảnh không chỉ là thầy thuốc Trung Hoa nổi tiếng, mà còn là người có y đức cao thượng, cứu người không kể giàu nghèo. Những bậc danh y thời cổ đại, họ không màng danh lợi, lập chí cứu người, không tham quan tước hay vinh hoa phú quý. Nơi nơi đều lưu lại dấu chân, họ không từ khó khăn, nhọc nhằn, bôn ba thiên sơn vạn thủy, mặc dù không có áo gấm ngọc thực, nhưng lại an ổn nơi thanh nhàn (bần), lấy việc cứu giúp người làm điều vui.
Kiên Định t/h
Loạt bài Kỳ y dị thảo, đành rằng trích dẫn từ sử sách xưa lưu lại, nhưng có thể có nhiều tình tiết mà độc giả khó lòng liễu giải, nhất là chiểu theo y học hiện đại. Thực ra, y lý thường phức tạp hơn những gì người ta có thể nhìn thấy ở bề mặt, hoặc đọc được trong sách. Thêm vào đó, y học dân gian thậm chí là Đông y có nền tảng lý luận khác nhau nhiều so với y khoa thực chứng. Do vậy có lẽ chúng ta cũng chỉ nên xem đây như những câu chuyện để tham khảo, nhất định không được thử làm theo.