Đổng Phụng không chỉ được người dân ca ngợi về y thuật siêu phàm cũng như y đức cao thượng, mà còn là bậc cao nhân tu thành đắc đạo. Có thể ‘chữa bệnh’ cho hổ và sai khiến trông coi vườn hạnh.
Thời Tam Quốc, có 3 vị danh y tiếng tăm lừng lẫy, được gọi là “Kiến An tam thần y”. Đó là Hoa Đà, ông tổ của ngành phẫu thuật ngoại khoa. Người thứ hai là Trương Trọng Cảnh, tác giả cuốn Thương hàn tạp bệnh luận được các thế hệ Trung y sau này coi là cuốn sách cơ bản cần học khi nhập môn. Cùng với hai vị “thánh y” trên còn một người cũng có biệt tài không kém tên Đổng Phụng.
Đổng Phụng ((200 -280) tự Quân Dị, hiệu Bạt Càn, Hạnh Lâm, là người thôn Đổng Càn huyện Hầu Quan (Nay là thôn Thanh Sơn, trấn Cổ Hòe, khu Trường Lạc thành phố Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến), là danh y nổi tiếng cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc.
Y thuật cao siêu cứu người chết sống lại
Tương truyền, Đổng Phụng từ nhỏ đã tu đạo, luyện thành thuật trường sinh bất lão, có người nhìn thấy ông trải qua hơn 50 năm mà dung nhan không hề thay đổi chút nào. Trong “Thần Tiên truyền” của Cát Hồng sống vào triều Tấn có ghi chép câu chuyện về y thuật cao siêu của ông.
Một năm nọ, bạn ông là Thứ sử Giao Châu Đỗ Tiếp trúng độc chết. Ba ngày sau, ông mới nghe tin và tới hỏi thăm. Tới nơi, sau khi khám nghiệm ông bèn lấy 3 viên thuốc bỏ vào miệng người chết, sau đó bảo người nhà đỡ dậy, lắc lắc phần đầu để thuốc xuống bao tử. Thật kỳ lạ, không lâu sau bạn ông mở mắt, tay chân bắt đầu hoạt động, sắc da dần hồi phục hồng hào, chưa đến nửa ngày đã có thể đi lại, ba bốn ngày sau hoàn toàn bình phục.
Đỗ Tiếp nhớ lại tình hình lúc chết, bảo rằng: “Lúc ấy tôi như đang nằm ngủ, thì thấy có đến mấy chục người mặc áo đen kéo tôi lên xe đưa đến một một nơi xa lạ, đi mãi rồi tiến vào đại hồng môn, sau đó trực tiếp đưa tôi đến ngục. Trong ngục có nhiều phòng nhỏ khác nhau, mỗi người một phòng, chật đến nỗi chỉ chứa được một người. Căn phòng tôi ở, cửa lớn cửa sổ đều phong kín, nhìn không thấy bất cứ thứ gì bên ngoài.
Bỗng có một người tự xưng là sứ giả được phái đến và bảo tôi đi theo. Tôi liền theo ông ta ra ngoài, đi được một lúc mới nhìn thấy một chiếc xe ngựa có lọng đỏ, có 3 người ngồi trên xe. Một người tay cầm roi kêu tôi lên xe. Khi đến cửa thì tôi tỉnh dậy”. Câu chuyện này khiến người đời sau ca tụng Đổng Phụng là người có thuật cải tử hoàn sinh.
Chữa bệnh và sai hổ trông coi vườn hạnh
Đổng Phụng là nhà y học trứ danh thời Tam Quốc, được nhân dân Giang Tây, nơi ông hành nghề, ca tụng là thần y, là danh y tài đức song toàn có thể ‘chữa bệnh’ cho cả hổ. Một ngày nọ, ông gặp một con hổ nằm trong bụi cỏ, ngẩng đầu há miệng, thở hổn hển, chảy nước mắt và nhìn ông với dáng vẻ rất đau khổ. Ông nhìn nó với vẻ thăm dò một hồi rồi nói: “giờ này ngày mai, hãy đến đây đợi, ta sẽ giúp người chữa bệnh’, chỉ thấy con vật gật gật đầu rồi bỏ đi. Hôm sau, ông dùng một chiếc vòng sắt để ngang giữa miệng cọp phòng bị cắn, rồi cho tay vào cổ họng nó móc ra một cái xương chắn ngang bên trong. Sau khi hồi phục, nó tự nguyện trông coi vườn hạnh giúp ông để báo ân.
Vào cuối đời, ông ở ẩn sống dưới chân núi, không trồng trọt, hàng ngày trị bệnh cho dân không lấy tiền. Nhưng ông có một quy định, những bệnh nhân nặng khi được chữa khỏi phải trồng năm cây hạnh trong rừng cho ông; bệnh nhân nhẹ sau khi hồi phục thì phải trồng một cây. Cứ như thế, sau một vài năm, ngọn núi nơi ông ở đã được trồng hơn 10 vạn cây, và trở thành một rừng hạnh lớn.
Đổng Phụng dùng trái hạnh đổi lấy lương thực, xây một cái kho bên cạnh. Ông dùng lương thực do bán hạnh có được để cứu giúp người nghèo làm không đủ ăn, những người qua đường cơ nhỡ, hoặc không may bị hết lộ phí. Hai cụm từ “Hạnh lâm xuân noãn” và “Dự mãn hạnh lâm” đã được nhân dân đặt ra để mãi mãi nhớ tới công đức của ông. Và “Hạnh lâm” là từ dùng để ca ngợi y đức cao thượng của người thầy thuốc xưa.
Tác dụng của Hạt hạnh nhân theo Đông y
Hạnh nhân tức là hạt khô của quả của cây mơ, có nhiều loại có tên thực vật học khác nhau, như cây sơn hạnh, Hạnh Siberia, Hạnh đông bắc. Hạnh nhân còn có tên là Ô mai, Hạnh, Khổ Hạnh nhân, Bắc Hạnh nhân, Quang Hạnh nhân, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh.
Theo y học cổ truyền, Hạnh nhân vị đắng hơi ôn, có độc ít, quy kinh Phế, đại tràng. Thành phần chủ yếu: trong 100g hạnh nhân có 100g dinh dưỡng; 575 cal; 21g Protein; 22g Cacbonhydrat; 3.9g đường. Tác dụng dược lý: Hạnh nhân có tác dụng chỉ khái bình suyễn, nhuận tràng thông tiện. Chủ trị các chứng ho do phong hàn hoặc phong nhiệt, ho suyễn do phế nhiệt, táo bón do tràng táo.
Bài thuốc trị viêm phế quản mạn tính từ hạt hạnh nhân
Trị ho lâu ngày: Dùng hạnh nhân có vỏ giã nát nấu thành bột, trộn cùng đường phèn hoặc mật ong. Sáng tối mỗi lần uống 10g; ngày 3 lần, 10 ngày là một liệu trình.
Chua me đất 5g, Lá chanh 4g, Cam thảo dây 5g, Lá tre 8g, Tô mộc 8g, Gừng sống 2g, Ô mai 4g, nước 500ml sắc còn 250ml chia 2 lần uống trong ngày. Trị ho lâu ngày khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.
Hạnh tô tán (ôn bệnh điều biện) : Khổ hạnh nhân 6g, Tô diệp, Cát cánh, Chỉ xác, Quất bì, Pháp Bán hạ, Sinh khương đều 6g, Phục linh, Tiền hồ đều 10g, Đại táo 2 quả, sắc uống.
Hạnh nhân tiễn: Hạnh nhân ngọt (Điềm hạnh nhân) 100g, nước gừng tươi 150g, Tang bì, Bối mẫu, Mộc thông đều 40g, Tử uyển, Ngũ vị tử đều 30g, sắc cô thêm mật ong thành cao, mỗi lần uống 1 thìa canh, ngày 2 lần. Trị ho lâu ngày khàn giọng.
Theo Secretchina
Kiên Định