Vào năm Khang Hy đời nhà Thanh, ở huyện Thái Bình tỉnh An Huy có vị danh y tinh thông y thuật, đạo đức cao thượng, được người dân trong vùng tôn là thần y. Từng có câu chuyện trị bệnh rất thú vị bằng con cua của ông.
Có một thanh niên nọ, sau ngày cưới không lâu đột nhiên nổi mẩn ngứa toàn thân to như hạt đậu, người nhà thấy vậy lo lắng đưa tới nhờ thầy thuốc kê đơn. Sau khi thăm khám, thấy mụn ngừa nổi như bệnh đậu mùa nên kê đơn bốc thuốc theo bệnh. Chẳng ngờ, sau khi uống vào không những không thấy có kết quả ngược lại còn sưng tấy khắp người, đầu sưng to như cái đấu. Vị thầy thuốc nọ thấy vậy không dám tiếp tục.
Người nhà chú rể thấy vậy càng lo lắng đi khắp nơi tìm danh y. Có người kê thuốc tiêu sưng, nhưng bệnh tình không khỏi; lại có người chẩn đoán là đậu mùa kê đơn thuốc khác cũng không hiệu nghiệm. Lại có người yêu cầu chú rể không được ở cùng cô dâu, thậm chí không cho bệnh nhân ăn uống để trị liệu nhưng vẫn không hiệu quả. Người nhà lo lắng tìm hỏi khắm nơi cuối cùng tìm tới nhờ Thôi Mặc Am trị bệnh.
Khi trị bệnh, Thôi Mạc Am có một thói quen, nếu mãi không tìm ra nguyên nhân bệnh sẽ lưu lại nhà bệnh nhân vài ngày, theo dõi bệnh tình cho tới khi tìm ra mới thôi. Trong quá trình trị liệu cho bệnh nhân, thấy lục mạch của bệnh nhân vân bình hòa, chỉ hơi có chứng hư, nên không tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Thôi Mặc Am ngồi kiệu từ xa tới thăm bệnh, đói không chịu nổi nên xin người nhà dọn cơm trước giường bệnh nhân mà ăn. Bỗng nhiên thấy bệnh nhân dùng tay cố kéo mí mắt lên, nhìn vào mâm cơm của ông một cách thèm thuồng. Thấy vậy, ông hỏi bệnh nhân: ‘Anh có muốn ăn cơm không? ‘, bệnh nhân đáp: Tôi rất muốn ăn, nhưng các thầy thuốc đều dặn dò không được ăn mà không biết lý do.’ Thần y nói với bệnh nhân: “Bệnh này làm sao gây trở ngại tới ăn uống được chứ?”. Nói rồi lấy cơm cho bệnh nhân ăn không kiêng cữ bất kỳ thứ gì.
Lấy làm kỳ lạ, Thôi Mặc Am lại thăm khám cho bệnh nhân lại lần nữa rồi tỉ mỉ quan sát rất lâu mọi vật xung quanh. Hồi lâu sau đó, ông phát hiện, bàn ghế giường tủ trong phòng bệnh nhân toàn bộ là mới, sáng bóng còn dậy lên mùi sơn, mùi gỗ. Ngẫm nghĩ hồi lâu rồi kêu lớn: “Tôi hiểu rồi, biết lý do tại sao rồi’, và bảo bệnh nhân dọn tới ở một phòng khác, lại sai người mua 2 cân cua sống, giã nát và đắp lên người bệnh nhân. Một ngày sau bệnh nhân tiêu sưng và không còn ngứa ngày, hoàn toàn khỏi bệnh. Hóa ra, nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó của anh ta bởi anh ta dị ứng sơn, đây là điều mà các thầy thuốc trị bệnh trước đó hoàn toàn không ngờ tới.
Người nhà bệnh nhân vui mừng dập đầu cảm tạ ông và gọi ông là thần y, nhưng ông chỉ khiêm tốn mỉm cười mà đáp: ‘Tôi chẳng qua chỉ nhờ vào hai cân cua mà thôi’
(Theo Quảng dương tạp ký của Lưu Hiến Đình đời Thanh)
Theo zhengjian.org
Kiên Định biên dịch
Loạt bài Kỳ y dị thảo, đành rằng trích dẫn từ sử sách xưa lưu lại, nhưng có thể có nhiều tình tiết mà độc giả khó lòng liễu giải, nhất là chiểu theo y học hiện đại. Thực ra, y lý thường phức tạp hơn những gì người ta có thể nhìn thấy ở bề mặt, hoặc đọc được trong sách. Thêm vào đó, y học dân gian thậm chí là Đông y có nền tảng lý luận khác nhau nhiều so với y khoa thực chứng. Do vậy có lẽ chúng ta cũng chỉ nên xem đây như những câu chuyện để tham khảo, nhất định không được thử làm theo.