Theo Đông y, Bạch chỉ vị cay, tính ấm, quy kinh Phế, Vị, Đại Trường. Có tác dụng tán phong trừ thấp, thông khiếu, giảm đau, tiêu thũng trừ mủ. Cũng như nhiều thảo dược khác, đằng sau tên gọi của nó là câu chuyện khá thú vị.

Cây bạch chỉ còn có tên gọi khác là bách chiểu, chỉ hương, cửu lý trúc căn, đỗ nhược, hòe hoàn, lan hòe, linh chỉ, ly hiêu, phương hương,… Cây cao khoảng 1m hay hơn, sống lâu năm. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ, thường gọi là Bạch chỉ, vị thuốc thường thu hoạch vào mùa thu đông. Theo nghiên cứu dược lý, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, tán phong trừ thấp, thông khiếu, giảm đau, tiêu thũng trừ mủ,… Thường được dùng làm thuốc giảm đau, chữa cảm mạo, viêm xoang, viêm mũi, mụn nhọt sưng đau, viêm tuyến vú, thông kinh nguyệt. Cũng như nhiều vị thuốc khác, đằng sau tên gọi của nó là một câu chuyện khá thú vị.

Nguồn gốc vị thuốc Bạch chỉ

Chuyện rằng, xưa kia không ai biết Bạch chỉ là một vị thuốc, cả đến nhiều danh y cũng chưa biết đến công dụng của dược thảo này. Có vị tú tài nọ một ngày bỗng nhiên cảm thấy đầu nặng và hơi đau. Ban đầu, nghĩ vì làm việc mệt nhọc mà sinh bệnh nên coi thường. Nhưng càng ngày tình trạng càng nặng hơn làm anh đau không chịu nổi, mặt tái mét, đằng sau gáy và hai cánh tay toát mồ hôi. Người nhà mời hết thầy nọ tới danh y kia nhưng đều không hiệu quả.

Theo y học cổ truyền, bạch chỉ có mùi thơm hắc, vị cay hơi đắng. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Sau nhiều ngày hỏi thăm gia đình cậu được một người bạn giới thiệu gần núi Vu Sơn tỉnh Hồ Bắc có vị danh y chuyên trị bệnh đau đầu. Sau vài ngày đi ngựa, tú tài đến được nhà thầy lang nọ, vào tới nơi thì đau tới ngã nhào xuống đất, đầu óc đau như bổ, mặt mày tái xanh không còn chút khí lực xin nhờ cứu mạng. Sau khi thăm khám và hỏi tình hình bênh, ông đồng ý điều trị và cho cậu ở lại với điều kiện, cậu chỉ biết uống thuốc không được hỏi tên và cách chữa trị, hay điều gì khác. Sau khi khỏi phải lập tức rời đi.

Đầu đang đau như búa bổ chỉ mong nhanh chóng được khỏi bệnh nên cậu thanh niên đồng ý. Vị thầy lang lấy trong tủ ra một viên thuốc to bằng đầu ngón tay, bảo cậu dùng trà Kinh Giới uống. Viên thuốc nhai nát ra có mùi vị đặc biệt, cũng có vị ngọt của mật ong nên không khó nuốt. Trưa hôm sau, sắc mặt cậu đã tươi tỉnh lên nhiều. Khi bệnh tình đã đỡ, chàng thanh niên thấy tò mò muốn tìm hiểu vị thuốc nhưng đã trót hứa nên không dám hỏi han gì. Càng tò mò, cậu càng nấn ná giả vờ chưa khỏi mong có cơ hội tìm ra bí mật.

Một sáng nọ, thầy lang dặn cậu ở nhà tĩnh dưỡng và ông lên núi hái thuốc. Ở nhà một mình, cậu đi dạo quanh vườn và thấy có một kho chứa thuốc tường vách vững chắc rộng rãi. Ngó vào trong cậu thấy có nhiều loại thảo dược xếp chồng chất lên nhau một cách quy củ gọn gàng, cửa kho then cài chặt.

Cậu thẫn thờ bước ra vườn sau bỗng thấy xa xa một giàn phơi ẩn hiện trước mắt, bèn vội vàng chạy nhanh tới. Trên đó chất đầy một thứ dược thảo già non lẫn lộn, củ, rễ màu trắng, còn lẫn lộn một vài cành lá chưa khô. Loại thảo dược lá màu tím, to độ 2, 3 ngón tay, hoa trắng, nhụy vàng có chấm nhỏ li ti. Cậu lấy vài rễ cây đưa lên mũi ngửi, một mùi thơm đặc biệt ngào ngạt xông lên. Cho lên miệng nhai thử một ít rễ thấy đúng là mùi vị của thứ thuốc được dùng để chữa trị cho câu. Chiều tối, vị thầy lang và các đồ đệ gánh thuốc hái được trên núi trở về, trông thấy cậu Tú đứng trước cửa liền hỏi xem cậu ra sao. Cậu cho hay mình đã khỏe hẳn và cũng định rời đi. Tối hôm đó, sau khi ăn tối ai lo việc người đó. Chàng thanh niên đang ngồi đọc sách trong phòng thì nghe tiếng cối giã thuốc lẫn tiếng côn trùng vọng lại.Tò mò, chàng thanh niên men theo hành lang tới kho thảo dược nơi mọi người đang giã thuốc. Qua khe hở, cậu thấy thầy thuốc và mấy học trò đang giã thuốc trong cối đá. Khi đã nhuyễn thành bột, ông đổ mật ong vào đó. Nhìn kỹ, cậu nhận ra đó là dược thảo có rễ màu trắng sáng nay. Sau khi cho mật ong, thuốc được đóng lại thành viên và mang vào phòng sấy đợi khô.

Sáng sớm hôm sau thầy thuốc tới giường nhờ tú tài đặt tên cho vị thuốc của mình. (Ảnh: bgushi.com)

Sáng hôm sau, khi cậu còn đang nằm trên giường đã thấy thầy thuốc đứng cạnh giường. Cậu định vùng dậy thì ông vỗ vai cậu ngồi xuống nói: “Chắc cậu đã biết giống thuốc dược thảo rồi nhỉ? Vì thế tôi không cần dấu diếm gì nữa. Ông mỉm cười một cách hiền từ và cất giọng đều đều: Bài thuốc này là tổ tiên tôi truyền thụ lại. Điều đặc biệt nó không cần đi chung với thảo dược khác cũng có thể trị bệnh. Nếu được chế luyện với mật ong thì sức thuốc làm bớt đau càng mạnh.

Dược thảo này chưa có tên, nên ban đầu tôi bảo cậu đừng hỏi tên là vì thế. Trên đời không có y sư nào lại không biết tên thuốc mình dùng phải không? Cậu là một người đã đỗ Tú Tài, là một danh sĩ, chắc có thể đặt cho dược thảo này một cái tên xứng đáng. Tôi đến đánh thức cậu dậy sớm thế này vì không muốn cậu ngại ngùng hối hận. Nếu không nói trước, hôm nay cậu về nhà thì hết cơ hội”.

Chàng thanh niên cảm động nắm chặt tay thầy thuốc mà đáp: “Thưa cụ, con đã thấy thảo dược này phơi sau vườn, nên đoán biết được nó chính là vị thuốc trị đau đầu. Con rất vinh hạnh được đặt tên cho nó. Con thực cũng không biết tên goi của loại thảo mộc này, hay gọi nó là Hương Bạch chỉ được không ạ? Hương là mùi thơm, Bạch là rễ cây màu trắng, Chỉ là ý nói rễ non vừa mọc”. Vị thầy thuốc gật đầu bằng lòng. Cũng từ đó bài thuốc “Hương Bạch Chỉ trấn thống” chuyên trị các chứng đau nhức ra đời làm vùng Vu Sơn nổi tiếng khắp nơi.

Bài thuốc chữa bệnh từ Bạch chỉ

Bạch chỉ có thể chữa các bệnh như ra mồ hôi, nhức đầu, đau răng, các bệnh về đầu, mặt, xích bạch đới, thông kinh nguyệt. (Ảnh: shenfuwang.com)

Chữa cảm lạnh: Bạch chỉ 3g, đậu khấu 3g, Cam thảo 3g, Sinh khương 5g, Thông bạch 3g, Đại táo 6g. Sắc uống cho ra mồ hôi thì thôi.

Chữa viêm mũi sinh đau đầu: Bạch chỉ 9g, Thương nhĩ tử 9g, Tân di 9g, Bạc hà 4,5g. Tán mịn, mỗi lần uống 3g, ngày 2 – 3 lần. Dùng 3 – 5 ngày.

Chữa mụn nhọt đau nhức, mưng mủ, nhưng chưa vỡ: Bạch chỉ 3g, Thanh bì 3g, Đương quy 4g, Tạo giác thích 2g, Xương truật 3g, Ý dĩ 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng 3 ngày.

Chữa đau bụng kinh: Bạch chỉ 8g; Ngưu tất, Đan sâm, mỗi vị 12g; Quế chi, Can khương, Bán hạ chế, Uất kim, mỗi vị 8g. Sắc uống trong ngày. Dùng 5 ngày trước kỳ kinh.

Chữa bế kinh do ứ trệ máu: Bạch chỉ 8g; Đan sâm, Ngưu tất, mỗi vị 12g; Xuyên khung 10g; Quế chi, Tía tô, Uất kim, Nga truật, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang. Dùng 5 – 7 ngày trước kỳ kinh.

Trị hôi miệng: Bạch chỉ 30g, Xuyên khung 30g. Tán bột, trộn mật làm viên to bằng hạt ngô, ngày ngậm 2 – 3 viên.

Chú ý: Người có âm hư hỏa uất, nhiệt thịnh không nên dùng.

Theo 630302.com
Kiên Định biên dịch