Thực phẩm chức năng ngày nay đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Thực tế, chúng có lịch sử lâu đời từ hàng nghìn năm trước, khi mà chưa có thuốc tây dược hiện đại thì trong dân gian đã biết dùng thực phẩm để phòng chữa bệnh.
GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe cán bộ Trung Ương, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho hay thực phẩm chức năng (TPCN) có lợi ích nhất định cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã quảng cáo quá đà về công dụng của chúng khiến người mua kỳ vọng quá nhiều vào khả năng hỗ trợ điều trị mà TPCN mang lại.
Nguồn gốc, công dụng của thực phẩm chức năng
Theo định nghĩa của Bộ Y tế, “thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học”.
Ý tưởng về khả năng chữa bệnh của thực phẩm được Hippocrates, cha đẻ của y học phương Tây, nhắc đến qua câu: “Hãy để thức ăn là thuốc cho bạn” vào năm 431 trước Công nguyên. Thổ dân Bắc Mỹ, người Ai Cập, Trung Quốc, Sumeria và y học dân gian nhiều nơi trên thế giới đã chứng minh câu nói này: thức ăn có thể được dùng như thuốc để chữa và phòng bệnh. Hệ thống chữa bệnh Ayurveda của thổ dân da đỏ có từ cách đây 5.000 năm tuổi, sử dụng các thuộc tính của thực phẩm để trị liệu.
Nhiều tài liệu cho thấy các dân tộc đã tận dụng khả năng điều trị của thực phẩm trong hàng nghìn năm, như dùng muối có i-ốt để chữa bướu cổ hay ăn cà rốt giúp sáng mắt. Tại Việt Nam, người dân vẫn sử dụng các loại rau, gia vị để làm món ăn đồng thời phòng và trị bệnh.
TPCN là sản phẩm xuất hiện đầu tiên tại Nhật Bản vào những năm 80 của thế kỷ XX. Người Nhật Bản tạo ra những sản phẩm ăn nhưng dinh dưỡng cao hơn thực phẩm hàng ngày. Trong quá trình bào chế, thực phẩm sẽ được chọn lọc các chất cần thiết để bổ sung cho cơ thể giúp nâng cao sức khỏe.
“Cần phải hiểu đúng bản chất của TPCN không thể thay thế hoàn toàn thuốc chữa bệnh. Nó là sản phẩm bổ sung những chất còn thiếu cho cơ thể trong quá trình chuyển hóa, giúp cải thiện tình trạng bệnh”, GS. Khải nói.
Theo GS Khải, TPCN có thể được phân chia ra làm nhiều nhóm khác nhau:
– Nhóm thức ăn có nguồn gốc động vật (chế phẩm từ sữa, thịt, cá…) và thức ăn có nguồn gốc thực vật (tương, rau củ, hoa quả tươi…). Những thực phẩm này được chế biến giữ lại các dưỡng chất quan trọng và loại bỏ những dưỡng chất không cần thiết, có thể dùng chung cho mọi người.
– Nhóm thành tố của thức ăn chia ra làm 6 loại: chất xơ dinh dưỡng, đường đa phân tử (oligosaccarid), axit amin, peptid và protein, vitamin và khoáng chất, vi khuẩn sinh axit lactic, axit béo. Sản phẩm này được sản xuất ra cho một nhóm đối tượng đặc biệt cần tới nó.
Phân biệt thực phẩm chức năng và thuốc
Cũng không có ranh giới rạch ròi giữa TPCN và thuốc. Trong một số trường hợp cụ thể, TPCN cũng có thể gọi là thuốc. Người bị chuột rút do thiếu canxi và vitamin D3, chỉ cần bổ sung vitamin D3 và canxi là đủ. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý khác, bổ sung TPCN lại ít hoặc không có tác dụng.
Khác với TPCN, thuốc chữa bệnh có vai trò tham gia vào các hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Nó làm thay đổi cấu trúc sinh lý hoặc bệnh lý của cơ thể để sửa chữa những tổn thương trong cơ thể, giúp tiên lượng bệnh tốt hơn. Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng, phục hồi và điều chỉnh các chức năng của cơ thể.
Thuốc là những chất dưới dạng đơn chất hoặc hỗn hợp có nguồn gốc rõ ràng được chiết xuất nguồn gốc tự nhiên hoặc thông qua hoá tổng hợp, chế phẩm sinh học. Kỹ thuật điều chế TPCN không cần quá cao thì điều chế thuốc có một quy trình chặt chẽ và kỹ thuật phức tạp, quy trình sản xuất phải đạt chuẩn GMP (Good Manufacturing Pratice) – Tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt. Tổ chức FDA (Mỹ) quy định thuốc đăng ký chỉ có giá trị độc quyền tối đa trong 10 năm. Khi gần hết hạn, thuốc sẽ được thử nghiệm lâm sàng để đánh giá tác dụng, hiệu quả.
“Thuốc là kết quả và sản phẩm của y học cần phải dựa trên bằng chứng không phải dựa trên sự suy luận. Còn công dụng của TPCN đều dựa trên giá trị tiềm năng từ sự suy luận. Một sản phẩm TPCN khi lưu hành được vô hạn giá trị độc quyền về thời gian và cũng không có thử nghiệm lâm sàng sau 10 năm sử dụng”, GS. Khải cho hay.
Gần đây, các nghiên cứu về hiệu quả của thực phẩm chức năng ngày càng được thực hiện nhiều, và loại thực phẩm này đã trở thành một phần được công nhận và coi trọng trong việc bảo vệ sức khỏe con người. Doanh thu của thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu đạt 142,1 tỷ USD vào năm 2011, và được dự đoán sẽ cán mốc 204,8 tỷ USD vào năm 2017.
Hoàng Kỳ
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.