Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Thông thường, bệnh xuất hiện nhiều ở trẻ em từ 1 – 4 tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị hàng chục ca sởi trong độ tuổi 25 – 40, trong đó có cả phụ nữ đang mang thai.

Theo VNExpress, chỉ trong 2 ngày vừa qua, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị 8 bệnh nhân sởi, phần lớn là phụ nữ và nhiều bà bầu.

Thai phụ 24 tuổi ở Hà Nội mang thai tuần thứ 25 đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Tuần trước, chị đột ngột sốt cao, nổi ban khắp người. Bác sĩ chẩn đoán chị mắc sởi, phải điều trị nội trú.

Cũng đang điều trị sởi tại khoa Truyền nhiễm, một nữ nhân viên y tế 37 tuổi cho biết gia đình chị không có ai mắc sởi. Chị nghi mình bị nhiễm sởi do tiếp xúc với bệnh nhân tại bệnh viện. Chị có các triệu chứng ho, sốt cao thông thường, sau đó xuất hiện các nốt phát ban trên mặt và người.

Bác sĩ đang thăm khám bệnh nhân sởi trên cơ địa mang thai. (Ảnh: Lê Nga/ VNExpress)

Phó giáo sư Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết 3 tháng gần đây khoa liên tục tiếp nhận bệnh nhân sởi đến khám, nhập viện. “Vài tháng trước, trung bình mỗi tháng Khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân sởi thì chỉ trong hai ngày qua đã có 8 ca. Một số bệnh nhân mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt là có thai, phổi mạn tính”, ông Cường nói.

Theo các chuyên gia, điều kiện thời tiết đông – xuân như hiện nay rất dễ bùng phát virus sởi. Không ít trường hợp chẩn đoán nhầm dị ứng (vì nổi ban như dị ứng thuốc) hay sốt do virus, rubella.

Với thai phụ mắc sởi, ông Cường cảnh báo nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm bởi suy giảm miễn dịch hơn người khác. Hiện chưa có bằng chứng khoa học cho thấy thai phụ bị bệnh sởi sẽ gây dị tật thai nhi.

Như vậy, diễn biến lâm sàng bệnh sởi đã mở rộng lan ra và phát triển ở người lớn nhiều. Không như dịch tễ thường xuất hiện ở trẻ em từ 1 – 4 tuổi. Dưới đây là một số triệu chứng xuất hiện bệnh và biện pháp phòng ngừa để tránh lây nhiễm.

1. Diễn biến bệnh sởi

Bệnh sởi thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2, 3 ngày sau, đốm Koplik (những nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má) nổi lên, đốm này là dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao lên tới khoảng 40 độ C.

Cùng lúc đó, những mảng đỏ nổi lên hơi ngứa, thường xuất hiện ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Ban sẩn đỏ lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết ban này sẽ nhạt dần, và biến mất theo thứ tự xuất hiện.

2. Bệnh lây truyền qua đường nào?

Bệnh lây qua đường hô hấp. Người khoẻ mạnh có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với người mang bệnh khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện… Hoặc có thể gián tiếp thông qua các vật dụng có virus sởi bám, sau đó chạm vào miệng mũi.

3. Điều trị và dự phòng lây nhiễm

Điều trị:

  • Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo y lệnh của bác sĩ, đặc biệt theo dõi chặt chẽ trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng còi xương, phụ nữ mang thai, và người có các bệnh nhiễm trùng khác như ho gà, lao, bạch hầu…
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Dự phòng:

  • Khi xuất hiện triệu chứng bệnh phải đến trung tâm y tế kiểm tra để tiến hành cách ly sớm, tránh lây lan ra cộng đồng.
  • Tránh tiếp xúc với người mang bệnh, cần đeo khẩu trang y tế để bảo vệ.
  • Chế độ dinh dưỡng tốt, luyện tập hàng ngày để nâng cao sức đề kháng.

Bệnh nhân bị sởi hầu hết hồi phục không để lại di chứng nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến ác tính với nhiều biến chứng và dẫn tới tử vong. Thời điểm đông xuân cũng là lúc mà bệnh diễn biến phức tạp nhất. Do đó, người dân không nên chủ quan khi bệnh đang có biểu hiện bùng phát dịch.

Duy Anh