Vào những ngày nắng nóng, để giải nhiệt bạn có thể sử dụng các thức uống được chế biến từ thảo mộc thiên nhiên như rẽ cỏ tranh, mía lau, bông mã đề, hoa cúc… Các loại thảo mộc có tác dụng thanh lọc, đẩy các chất cặn bã có hại ra ngoài, làm mát, lợi tiểu…
Mùa hè nóng bức thường làm cơ thể bị mất nước, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và đặc biệt là đối với làn da của phụ nữ. Vì thế, việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là rất quan trọng. Có nhiều loại thảo mộc dễ kiếm giúp giải nhiệt cơ thể, làm dịu cảm giác nóng bức.
Rễ cỏ tranh
Rễ cỏ tranh có vị ngọt tính hàn, đi vào các kinh tâm, phế, tỳ, vị và bàng quang. Có công năng lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, thanh phế vị nhiệt. Chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu, hỗ trợ điều trị viêm thận cấp…
Mía lau
Theo Đông y, mía lau vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, hạ khí, trợ tỳ, kiện vị, lợi đại tiểu trường, chỉ khát tiêu đàm, trừ phiền, giải độc rượu, giải được các sức nóng của thuốc.
Bông mã đề
Theo Đông y, mã đề có vị ngọt, tính lạnh đi vào các kinh, can, thận và bàng quang. Mã đề có tác dụng chữa tiểu dắt, ho lâu ngày, viêm khí quản, tả, lị, nhức mắt, đau mắt đỏ, nước mắt chảy nhiều, lợi tiểu, dùng ngoài đắp làm mụn nhọt chóng vỡ mủ, mau lên da non…
Hoa cúc
Hoa cúc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, mát gan, làm sáng mắt, thường được dùng để chữa các chứng do phong nhiệt như chóng mặt, nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, đinh nhọt, sang lở.
Hoa cúc còn có tác dụng giải nhiệt hiệu quả của loại hoa này sẽ rất tốt cho những người thường xuyên bị nhiệt, nóng bức, căng thẳng do áp lực công việc, ít có thời gian vận động…
Râu ngô
Theo y học cổ truyền, râu bắp có vị ngọt, tính bình có công năng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can, thoái hoàng, chỉ huyết.
Lá dứa
Loại cây này còn gọi là dứa thơm, cây lá nếp… có mùi thơm như mùi cơm nếp. Theo Đông y, lá dứa dùng để chữa nhiều bệnh lý, giảm căng thẳng, hạ huyết áp, trị táo bón, giúp loại bỏ độc tố tích tụ ra khỏi cơ thể…
Nước sâm
– Rễ cỏ tranh: 1 bó nhỏ
– Mía lau: 3 khúc
– Râu bắp: 200g
– Mã đề: 100g
– Lá dứa: 150-200g
– Đường phèn vừa đủ
– Cho tất cả phần nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi cùng 3l nước. Đun sôi với lửa nhỏ trong khoảng 2-3h cho tới khi phần mía lau trong lại thì vớt bỏ phần xác. Sau đó cho đường phèn tùy ý. Đun sôi tiếp tục trong khoảng 5 phút nữa rồi tắt bếp. Để nguội và sử dụng trong ngày.
– 50g hoa cúc khô – 1,5 lít nước
Lưu ý:
Các loại thảo mộc có nhiều tác dụng nhưng không vì thế mà lạm dụng chúng. Những người có bệnh huyết áp, tiểu đường, thận, bệnh lao phổi… hoặc phụ nữ đang có thai, nếu dùng hàng ngày, liên tục, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
H.H